ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) |
Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) đề nghị, việc thu phí cần được xác định rõ cái nào thuộc nguồn thu ngân sách bởi trên thực tế, nhiều khoản ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách không được kiểm soát chặt chẽ. “Cần quy định rõ nhiệm vụ chi chứ không phải tất cả đều đưa vào chi thường xuyên thì rất không cụ thể và thiếu rõ ràng. Thống kê chỉ ghi chung chung là 70% dành cho chi thường xuyên nhưng không rõ chi gì”, ĐB tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm.
Còn theo ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), dự thảo Luật cần sửa đổi và phạm vi thu, chi ngân sách Nhà nước nên tách riêng thành hai phần. Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí và từ các khoản thu tự cấp hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện. Trường hợp chi hoạt động, được khấu trừ các khoản thu từ các hoạt động thu do các đơn vị sự nghiệp công lập và DN Nhà nước thực hiện, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật”, ông Thực nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), trong thực tế, các khoản thu phí và lệ phí được để lại để bù đắp chi phí là chưa đáp ứng nguyên tắc đầy đủ của Luật Ngân sách Nhà nước. Một số khoản phí quy định để lại nhưng thực chất chưa phù hợp, chưa đảm bảo bù đắp chi phí. Đặc biệt, nhiều khoản thu như học phí, viện phí được để lại đơn vị để bù đắp, theo quy định phải nộp rồi sau đó chi theo dự toán thì không khuyến khích thu.
“Cần bổ sung theo hướng phí, lệ phí do cơ quan hành chính Nhà nước thu thì nộp toàn bộ số thu vào ngân sách Nhà nước. Còn chi phí thực hiện nhiệm vụ thu của các cơ quan này sẽ được ngân sách Nhà nước đảm bảo theo đúng định mức chi được pháp luật quy định. Đối với các khoản phí, lệ phí do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thu, căn cứ lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị, phí và lệ phí của đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, văn hoá xã hội thì được xem là nguồn thu của đơn vị”, ông Lâm nói.
Góp ý về dự luật này, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Tồn tại lớn nhất hiện nay là chúng ta duy trì quá lâu việc lồng ghép ngân sách T.Ư và địa phương, tạo ra cơ chế xin cho tồn tại suốt thời gian dài. Thứ hai, kỷ luật ngân sách của Việt Nam “mềm” quá, đến mức tùy tiện, thiếu kỷ cương, sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả.
“Tính tự chủ của địa phương không có. Chủ yếu địa phương quyết cái người ta đã quyết. Do đó, muốn có sự đổi mới mạnh mẽ, cần phải minh bạch ngân sách T.Ư, địa phương. Cái gì giao cho địa phương, HĐND tỉnh quyết định. Cái gì thuộc T.Ư, QH quyết định”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Lan Chi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận