Kể cả những doanh nghiệp khó khăn nhất như SBIC và Vinalines nếu có quyết tâm cũng có thể CPH thành công |
53 doanh nghiệp CPH thành công
Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) được 41 doanh nghiệp (DN), so với kế hoạch đầu năm chỉ 27 DN, đạt hơn 150% kế hoạch. Cùng với đó, cũng trong năm 2014, còn có 12 DN khác do các Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) và Đường sắt VN trực tiếp chỉ đạo CPH hoàn tất. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã hoàn thành cổ phần hóa được 53 DN và tiến hành IPO thành công 15 DN.
“Mới đây nhất, vào giữa tháng 11/2014, hơn 49 triệu cổ phần, tương đương 3,5% vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã được đem đấu giá và đặt mua hết với giá bình quân 22.307 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu về đạt hơn 1.093 tỷ đồng. Hiện, Vietnam Airlines đang triển khai bán cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn, đồng thời lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo kế hoạch”, ông Minh thông tin.
Liên quan đến 10 công ty mẹ - tổng công ty (TCT) đã CPH thành công trước đó, ông Minh cho biết, tất cả các đơn vị này đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông, thành lập công ty cổ phần, cấp xong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Tổng số tiền thu từ bán cổ phần của 10 TCT hoàn thành CPH lên tới 1.962 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC hơn 1.123 đồng.
Tương tự, lĩnh vực đường thủy nội địa với 10 đoạn Quản lý đường thủy được xem là rất khó CPH nhưng cũng đang được Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện ngay trong tháng 12/2014. Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết: “Chắc chắn từ 1/1/2015 các đơn vị sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần. Phương án CPH là Nhà nước sẽ nắm giữ từ 51 đến 65% vốn. Hiện đã có nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần của 7/10 đoạn. Các đơn vị đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, giải quyết lao động dôi dư, phương án sử dụng đất trụ sở và chốt xong phương án cổ phần”.
Giữa tháng 11 vừa qua, hơn 49 triệu cổ phần của Vietnam Airlines đã được đặt mua |
Đồng loạt thoái vốn
Thực hiện chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp đã CPH, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại 3 TCT là: Cienco 1, Cienco 4 và TCT Vận tải thủy cho các cổ đông chiến lược. Theo đó, Bộ GTVT sẽ bán toàn bộ 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ tại Cienco 1 cho Liên danh Yên Khánh - Hassyu. Tại Cienco 4, Bộ GTVT cũng bán 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ cho Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc. Với TCT Vận tải thủy, 20% trên tổng số 49% vốn điều lệ do Nhà nước nắm cũng sẽ được bán cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Mức giá bán số cổ phiếu này cho các nhà đầu tư bằng giá đấu bình quân tại phiên đấu giá lần đầu ra công chúng trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Cienco 1 cho biết, đơn vị này đang khẩn trương xúc tiến các bước chuẩn bị để bán số vốn trên cho Liên danh Yên Khánh - Hassyu. Dự kiến trong tuần tới, công việc này sẽ hoàn tất.
"Từ nay đến cuối năm 2014, dù chỉ còn chưa đầy tháng nữa nhưng sẽ còn 21 DN tiếp tục tiến hành IPO. Trong số này chắc chắn kịp IPO 19 DN. Trong đó, 10 đoạn quản lý đường thủy bắt buộc tiến hành trước 31/12. Chỉ có hai công ty con của Cienco 5 nhiều khả năng bị chậm, sẽ bổ sung sau”. Ông Vũ Anh Minh Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy thông tin, TCT cũng đang tiến hành thủ tục để trong tháng 12/2014 sẽ thực hiện bán số vốn theo chỉ đạo của Bộ GTVT cho nhà đầu tư. “Sau khi mua thêm 20% vốn Nhà nước, nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường sẽ nắm hơn 70% vốn, có thể chủ động trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, để phát triển doanh nghiệp”, ông Nguyên nói.
Một đơn vị từng rơi vào hoàn cảnh bết bát là Cienco 8 tới đây cũng sẽ tiến hành thoái hết vốn. Ông Phạm Xuân Thủy - Tổng giám đốc đơn vị này cho biết, sau lần IPO đầu tiên, số vốn Nhà nước tại Cienco 8 còn lại tới 72%. Tuy nhiên, hiện tại đang có ba nhà đầu tư “xếp hàng” để mua nốt. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 31/12 sẽ hoàn thành phê duyệt phương án để đầu tháng 1/2015 có thể bán cho nhà đầu tư.
Đích đến là thay đổi quản trị doanh nghiệp
Công tác CPH khó khăn nhất có lẽ tập trung ở Vinalines và SBIC do có nhiều đơn vị còn âm vốn. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines, đơn vị vẫn bảo đảm tiến độ quý I/2015 sẽ IPO trên sàn chứng khoán. Vinalines đã đàm phán được với các chủ nợ, thống nhất phương án để cơ bản giải quyết công nợ trước CPH. Cùng với đó, TCT sẽ tái cơ cấu lại đội tàu cũng đang được triển khai. Những tàu già, không còn phù hợp với cơ cấu hàng vận chuyển trên thị trường sẽ được bán nhanh chỉ còn giữ những tàu trẻ, cơ cấu đội tàu phù hợp với thị trường để tìm kiếm nguồn hàng vận tải. Sau khi cơ cấu lại tài chính và đội tàu, dự kiến năm 2015 sản xuất kinh doanh của Vinalines sẽ không còn lỗ.
Còn với SBIC, những khó khăn lớn nhất giờ đã qua. Sau tái cơ cấu bước 1, SBIC chỉ giữ lại 8 DN đóng tàu và các doanh nghiệp này đang trong quá trình thay đổi về chất. Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết: “Ngoài việc tinh giản lao động, chúng tôi tập trung CPH, mời các đối tác vào. Hiện SBIC đã tìm được đối tác Damen và Tập đoàn hàng hải hàng đầu Hà Lan này đã đầu tư vào ba công ty.
Cũng theo ông Sự, trong năm 2014, SBIC phấn đấu đạt giá trị sản lượng khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng 120% so với năm ngoái, với số tàu bàn giao là 78 chiếc. Báo cáo tài chính đã không còn âm nữa, mà đã dương lên rất nhiều.
Chỉ đạo vấn đề CPH các DN, tại cuộc họp Ban Cán sự Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng đinh: “Chẳng có gì là khó, nếu quyết tâm, DN nào cũng CPH được hết, kể cả Vinalines, SBIC”.
Theo Bộ trưởng, tới đây, để đôn đốc lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng đã phê duyệt phương án CPH 22 DN. Với các DN xây lắp sẽ tập trung thoái hết vốn. Tổng công ty Công nghiệp ô tô hiện cũng đã có nhà đầu tư xin mua. Vietnam Airlines phải tập trung lựa chọn cổ đông chiến lược để bán tiếp. Một số cảng biển dứt khoát bán trong nước 100%.
“Phải xác định CPH là để thay đổi bản chất quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ thuần túy thu vốn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chiều 4/12, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, quá trình CPH các DN ngành GTVT đang được thực hiện với tiến độ nhanh nhất, khối lượng đạt được lớn nhất so với các bộ, ngành còn lại trong cả nước.
“Tiến độ CPH các DN của ngành GTVT đã thực hiện đúng yêu cầu đề ra. Từ đó, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên trong ngành GTVT với mong muốn đổi mới hiệu quả hoạt động của các DN và tăng cường tính trách nhiệm của những người làm công tác điều hành DN”, ông Kiên nói.
Nhóm PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận