Hạ tầng

Kỷ lục khởi công, hoàn thành các dự án giao thông

20/10/2020, 19:00

Số lượng công trình giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2020 lên 48 dự án, nhiều nhất trong vòng 4 năm qua.

img
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được Bộ GTVT tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác hôm 11/10/2020

Tính đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT đã khởi công và hoàn thành 24 dự án. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2020 sẽ có thêm 4 dự án khởi công và 20 dự án hoàn thành, nâng số lượng công trình giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2020 lên 48 dự án, nhiều nhất trong vòng 4 năm qua.

Khởi công hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia

Năm 2016, sau khi hàng loạt công trình thành phần thuộc đại dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và các dự án lớn khác hoàn thành, Bộ GTVT bắt tay ngay vào công tác triển khai đầu tư các dự án mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Trước bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn vốn đầu tư công cho cả nhiệm kỳ được cấp khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ GTVT đã tiến hành sàng lọc kỹ lưỡng để lựa chọn các dự án đầu tư. Các dự án được ưu tiến triển khai trong giai đoạn này phải là những công trình thực sự quan trọng, cấp bách, có tính lan tỏa và hiệu quả cao.

Đến nay, khi kỳ đầu tư trung hạn 2016 - 2020 bước vào giai đoạn cuối, nhìn lại thành quả đạt được về công tác đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT, không ít người sẽ phải ngạc nhiên.

Bởi, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng công trình khởi công và hoàn thành của Bộ GTVT lên tới 221 dự án (99 dự án khởi công và 122 công trình hoàn thành). Trong đó, có nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Số lượng các dự án được khởi công, hoàn thành cũng liên tục tăng qua các năm, nhất là 2 - 3 năm trở lại đây. Nếu năm 2017, số dự án giao thông được khởi công, hoàn thành chỉ 24 dự án, năm 2018 (43 dự án), năm 2019 (31 dự án), đến năm 2020 con số này dự kiến lên đến 48 dự án (20 dự án khởi công và 28 dự án hoàn thành), lớn nhất trong vòng 4 năm qua.

Dự án quy mô lớn được Bộ GTVT khởi công đầu tiên vào cuối tháng 2/2020 là cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Ông Đinh Công Minh, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, khi đưa vào khai thác, cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ. Đồng thời, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang được đầu tư xây dựng tại khu vực, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và tuyến QL1A...

Ấn tượng hơn khi ngày 30/9 vừa qua, Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tổng mức đầu tư lên tới gần 39.000 tỷ đồng.

Sự kiện khởi công xây dựng 3 dự án này là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử ngành GTVT, bởi so với các dự án giao thông trọng điểm trước đây từ lúc dự án được thông qua chủ trương đến thời điểm khởi công xây dựng phải mất khoảng 7 - 8 tháng, thậm chí kéo dài hàng năm.

Tuy nhiên, 3 dự án kể trên, thời gian chỉ mất khoảng 3 tháng từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 về chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Đan xen giữa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng thêm 12 dự án khác gồm: Dự án nâng cấp QL57 đoạn bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long); Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài; dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất…

Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 16 dự án.

Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng thêm 4 dự án quy mô lớn khác gồm: Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6); Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.

Đưa nhiều công trình ý nghĩa lớn vào khai thác

Trong những năm trở lại đây, ngay khi các dự án được khởi công xây dựng, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan bám sát công trường, phối hợp cùng chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình.

Đó là kim chỉ nam để trong 5 năm qua đã có hơn 100 công trình, dự án giao thông hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, gồm nhiều dự án quan trọng quốc gia.

Gần nhất, ngày 11/10/2020, Bộ GTVT tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, một công trình giao thông trọng điểm nằm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng chỉ sau 28 tháng thi công.

Minh chứng rõ nhất về hiệu quả của dự án này là ý kiến đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại lễ khánh thành: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long trong quá trình thực hiện đầu tư dự án. Tôi đặc biệt biểu dương các nhà thầu, tư vấn giám sát, các kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm để triển khai dự án, một công trình có quy mô lớn, sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đã được hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra”.

Cách đó 3 tháng, vào giữa tháng 6/2020, Bộ GTVT tổ chức khánh thành dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2, mở toang tuyến đường kết nối từ khu kinh tế biển Nghi Sơn đi các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và kết nối với nước bạn Lào.

Đây là công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước, với tổng mức đầu tư khoảng 1.673 tỷ đồng. Dự án được đưa vào khai thác không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa mà còn giữ vai trò quan trọng với sự phát triển chung của khu vực.

Trước đó, cuối tháng 5/2020, sau 27 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long trên địa bàn tỉnh Nam Định được Bộ GTVT tổ chức thông xe. Dự án có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng được đưa vào khai thác đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) về một cây cầu nối liền đôi bờ sông Ninh Cơ.

Ông Trương Mạnh Khiêm, Phó giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết, cầu Thịnh Long là công trình có ý nghĩa rất lớn đối với hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Nam Định. Cây cầu có nhiệm vụ kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

“Đặc biệt, cầu Thịnh Long còn nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, là vị trí giao cắt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: QL21, QL21B, tuyến đường bộ ven biển, TL490C… rút ngắn khoảng cách 15km trên tuyến vận tải thị trấn Thịnh Long với TP Nam Định, góp phần nâng cao khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển, tiết kiệm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển KT-XH”, ông Khiêm nói.

Theo thống kê của Cục QLXD&CLCTGT, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 8 dự án gồm: Dự án mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An; Dự án thành phần 2 thuộc dự án cầu Cổ Chiên; Dự án cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định; Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2; Dự án cầu Sông Chùa thuộc dự án cầu Đà Rằng, Sông Chùa trên QL1 cũ, tỉnh Phú Yên…

Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thêm khoảng 20 dự án gồm: Dự án tuyến tránh TP Kon Tum; Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp QL57 tỉnh Bến Tre; Dự án xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drang, tỉnh Đắk Lắk…

“Các dự án đang triển khai chưa phát hiện các tồn tại về chất lượng thi công”, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho biết.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp Bình Thuận bứt phá

Trao đổi với Báo Giao thông, Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhân dân tỉnh Bình Thuận rất vui mừng ngay từ khi Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công, trong đó có hai dự án đi qua tỉnh Bình Thuận là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công xây dựng hai dự án này phải nói là sự nỗ lực rất lớn. Khi hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây được xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022 sẽ phát huy hiệu quả rất lớn trong việc phát triển KT-XH của Bình Thuận nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

“Đối với Bình Thuận, hai tuyến cao tốc này là cơ hội to lớn để thúc đẩy thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại với TP HCM qua cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Nha Trang qua tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đặc biệt, khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, còn kết nối với cảng nước sâu Vĩnh Tân ở phía Bắc Bình Thuận, góp phần phát triển dịch dịch vụ logistics, du lịch… giúp Bình Thuận bứt phá để phát triển KT-XH”, ông Cảnh nói.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.