Nút giao Nam cầu Chương Dương, Hà Nội do Công ty CP Cầu 12 thi công giúp giảm ùn tắc khu vực đầu cầu Ảnh: Mạnh Thắng |
Đây cũng là công trình có nhiều câu chuyện và tình tiết gai góc thú vị, để lại nhiều dấu ấn không thể quên với những người xây dựng cầu đường…
Tuyệt đối không phá dỡ nhà dân
Sau khi hoàn thành và thông xe cây cầu “tự lực” Chương Dương đầu năm 1986, tình trạng ùn tắc giao thông qua sông Hồng cải thiện đáng kể. Lúc ấy, do số lượng xe lưu thông chưa nhiều nên đường lên xuống cầu từ đầu phía Hà Nội chỉ có hai chiếc “râu” hẹp chạy men theo đê sông Hồng từ hai phía thượng, hạ lưu.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 năm sau, khi kinh tế phát triển mới xảy ra việc ùn tắc thường xuyên ở khu vực đầu cầu. Nhiều hôm ùn tắc kéo dài nhiều km với hàng dài người xe cả trên cầu và dưới trục đường Trần Quang Khải.
Trước tình trạng đó, đầu năm 2000, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) được Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án xây dựng nút giao thông Nam Chương Dương. Lãnh đạo Bộ quyết định chọn đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng lần thứ IX dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2001.
Lúc đó, tôi đang làm Tổng giám đốc TEDI, nhận nhiệm vụ, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của dự án này và lập tức bắt tay vào công việc đầu tiên là quyết định thành lập tổng thể gồm những kỹ sư giỏi từ các bộ môn chuyên ngành cầu đường, khảo sát địa hình, địa chất, kiến trúc...
Nghiên cứu trên hiện trường cho thấy, đây là một dự án không lớn nhưng cực kỳ phức tạp bởi mặt bằng xây dựng hạn hẹp, mật độ giao thông tại đầu cầu rất cao; công trình nằm trong khu vực đê sông Hồng và ngay trong khu phố cổ Hà Nội nên phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đê điều; cảnh quan kiến trúc công trình phải đẹp, hài hòa và đáp ứng yêu cầu thi công với sức ép tiến độ rất cao.
Chúng tôi đã trình Bộ GTVT thông qua dự án trên nguyên tắc kết cấu nút chỉ nằm trong phạm vi mặt bằng hiện có để tránh phải phá dỡ nhà dân xung quanh. Trong quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế tổ chức xây dựng bao gồm việc phân luồng tổ chức giao thông thông suốt. Cùng đó, biện pháp tổ chức xây dựng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đê sông Hồng tại khu vực đặt nút. Thời gian thi công và hoàn thiện công trình trong vòng 4 tháng - ngắn kỷ lục so với các công trình trước đó để ít ảnh hưởng đến giao thông nhất.
Để đảm bảo tiến độ như vậy cần kết hợp các phương pháp thi công tại chỗ và lắp ghép nhằm giảm thời gian thi công tại hiện trường, tránh ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng công trình. Lựa chọn kết cấu công trình phải có kiến trúc đẹp, thanh mảnh phù hợp với cảnh quan đô thị. Những nguyên tắc trên được quán triệt suốt quá trình lập dự án và thiết kế thi công sau này.
Biểu tượng “đầu rồng” và cột đồng hồ
Điểm đặc biệt của nút giao thông này là hai trong một, thiết kế xây dựng hai nút giao thông một ở tầng trên có nhiệm vụ giải tỏa xung đột giao thông giữa các luồng xe lên xuống từ hai phía thượng, hạ lưu. Tuy nhiên, trong điều kiện mặt bằng chật hẹp không thể chọn phương án nút giao lập thể dạng “Trumpet” truyền thống, nên nút trên cao chỉ có thể là một đảo tròn kiểu “vòng xuyến” với bốn nhánh nối xuống đường Trần Quang Khải như bây giờ.
Đường kính đảo được giới hạn bởi không gian kiến trúc khu vực đặt nút, đảm bảo chỉ giữ một khoảng cách tối thiểu đến các mép nhà dân xung quanh. Trên thực tế, khi lượng xe tập trung cao có thể xảy ra ùn tắc ngay trên vòng xuyến, nhưng các kỹ sư đã phân tích đánh giá phản ứng “tự điều chỉnh” ra khỏi khu vực nút một cách sớm nhất của lái xe khi nhận ra có sự ùn tắc trên vòng xuyến. Thực tế, đã diễn ra đúng như vậy, sau gần 20 năm khai thác tại đây hầu như chưa từng xảy ra trường hợp ùn tắc kéo dài nào.
Nút giao thứ hai nằm ngay phía dưới có chức năng liên kết các trục đường đô thị và tiếp nhận lượng xe lên xuống cầu. Kết hợp hai tầng nút giao thông này bằng bốn nhánh lên xuống nối vào vòng xuyến đã được tư vấn quyết định không đặt ở tim đường Trần Quang Khải mà đẩy ra hai phía như hiện nay. Tư vấn đã khớp mặt bằng hai nút trên cao và dưới đất để từ đó xác định vị trí đặt trụ, thiết kế tổng thể kết cấu nút như hiện nay.
Để tạo nên độ thanh mảnh về kiến trúc, tư vấn chọn kết cấu nhịp dạng dầm bản bê tông dự ứng lực có chiều cao thấp. Cảnh quan kiến trúc được tạo nên bởi các điểm nhấn trên mảng tường bê tông cốt thép lớn (là tường chắn dọc đê sát đường Trần Quang Khải) sẽ bố trí một bức phù điêu gốm về Thăng Long-Hà Nội và dự kiến bố trí tượng phù điêu “đầu rồng” ngay trên vòng xuyến tại điểm tiếp cận với đầu cầu.
Nhà điêu khắc nổi tiếng Trần Tuy đã mất khá nhiều công sức và thời gian phác thảo ba mẫu “đầu rồng” trình lãnh đạo Bộ GTVT thông qua. Thế nhưng, cuối cùng phần vì thời gian còn lại quá ngắn, phần vì có khó khăn khi bố trí nguồn kinh phí xây dựng, nên hạng mục phù điêu “đầu rồng” không được thực hiện.Còn bức tranh gốm, mãi về sau mới được làm cùng với đề án bức tường gốm dọc đê Yên Phụ đã được ghi vào kỷ lục là bức tranh gốm dài nhất Việt Nam.
Một điểm đặc biệt nữa, cho đến nay ít người biết về nguồn gốc cây cột đồng hồ đặt ở đầu vòng xuyến trên cao ngay tại vị trí dự kiến đặt cột phù điêu “đầu rồng”.Câu trả lời chính là chiếc cột đồng hồ từ thời Pháp đã được đặt tại tim giao các trục đường Trần Quang Khải, Hàng Mắm, Nguyễn Hữu Huân... nên người Hà Nội xưa vẫn quen nói “lên cột đồng hồ” là chỉ vị trí này!
Khi biết không thể thực hiện được việc đặt biểu tượng “đầu rồng” ở đây, tôi đã bàn với anh Tạ Đình Bảy (lúc đó là giám đốc Công ty Cầu 12, đơn vị chủ lực xây dựng nút giao thông Nam Chương Dương đề xuất lãnh đạo Bộ GTVT đưa chiếc cột đồng hồ đang đặt ở sân trước trụ sở Công ty Cầu 12 ở Cổ Bi (Gia Lâm) về trả lại khu vực ban đầu. Cây cột đồng hồ này được anh Hà Đình Cẩn, nguyên Giám đốc Công ty Cầu 12 thời kỳ xây dựng cầu Chương Dương 1983-1986 cho tháo dỡ, mang về giữ tại trụ sở Công ty Cầu 12 .
Quá trình xây dựng nút giao thông Nam Chương Dương còn nhiều tình tiết gai góc và thú vị. Đó là câu chuyện tranh cãi giữa các nhà chuyên môn làm cho phương án thiết kế tưởng chừng đơn giản nhưng phải qua 6-7 tháng sau khi có kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thẩm định Kiến trúc Hà Nội và tổng hợp kết quả thăm dò dư luận. Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu TEDI tổ chức triễn lãm ảnh 3D kèm theo mô hình thiết kế trong vòng 10 ngày tại phòng trưng bày triển lãm Giảng Võ.
Dự án nút giao thông Nam Chương Dương minh chứng sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công ngành GTVT. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan và sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã viết nên kỳ tích chỉ sau ba tháng rưỡi thi công đã hoàn thành, kịp ghi vào danh mục công trình tiêu biểu của ngành GTVT chào mừng Đại hội Đảng lần thứ IX tháng 4 năm 2001. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận