Quản lý

Kỷ lục quyết toán, miễn giảm giá BOT

18/01/2018, 07:01

Tính đến cuối tháng 12/2017, Bộ GTVT đã thẩm tra, chấp thuận quyết toán 55 dự án BOT, BT hoàn thành.

1

Hiện đã có 35 dự án BOT tiến hành giảm giá theo Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ (Trong ảnh: Trạm thu giá BOT Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình) - Ảnh: Khánh Linh

Vượt kế hoạch quyết toán dự án BOT

Hôm nay (18/1), Bộ GTVT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Theo đánh giá của Bộ GTVT, bên cạnh một số kết quả đạt được trong công tác xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật, quản lý vận tải, đảm bảo ATGT, đầu tư hạ tầng…; trong năm 2017, ngành GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý một số bất cập tại các trạm BOT trên cả nước, đặc biệt là công tác quyết toán các dự án BOT, BT đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016 - 2017, hàng loạt dự án BOT, BT đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 và Nghị quyết 75 ngày 9/8/2017, trong đó có yêu cầu giảm giá các dự án BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.

“Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ để tập trung quyết toán dự án BOT làm cơ sở cho Vụ Đối tác công tư tham mưu, đàm phán điều chỉnh giảm giá các trạm BOT và điều chỉnh hợp đồng BOT với các nhà đầu tư”, ông Quốc nói và cho biết, việc kiểm điểm kết quả quyết toán dự án hoàn thành được đưa vào nội dung họp hàng tháng của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

Theo ông Quốc, từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2017, các nhà đầu tư đã trình quyết toán 14 dự án, đạt 107% kế hoạch; các ban QLDA đã kiểm tra 13 dự án, đạt 100% kế hoạch; Bộ GTVT đã thẩm tra và chấp thuận quyết toán 30 dự án, đạt 103% kế hoạch.

“Tính đến ngày 29/12/2017, Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán cơ bản được 55 dự án BOT, BT đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra”, ông Quốc thông tin và cho biết thêm, thông qua quyết toán sẽ xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình. Đặc biệt, đối với các công trình BOT giao thông, giá trị quyết toán còn là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án.

Tuy nhiên, theo ông Quốc, công tác quyết toán các dự án BOT trong thời gian qua còn một số tồn tại như: Quyết toán chi phí GPMB các địa phương còn chậm; một số khoản chi phí chưa đủ điều kiện để thẩm tra chấp thuận quyết toán (chi phí di chuyển thiết bị, chi phí máy đối với trạm trộn bê tông nhựa 120 tấn/h)…

2

Tính đến cuối tháng 12/2017, Bộ GTVT đã thẩm tra, chấp nhận quyết toán 55 dự án BOT, BT đã hoàn thành đưa vào sử dụng (Trong ảnh: QL1 đoạn từ Đồng Nai đi Phan Thiết) - Ảnh: Phan Tư

Nỗ lực khắc phục bất cập BOT giao thông

Bên cạnh nỗ lực quyết toán các dự án BOT hoàn thành, trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong năm 2017, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục một số bất cập của các dự án BOT giao thông. Đầu tiên, các cơ quan liên quan đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán các công trình để khắc phục ngay các bất cập nếu có.

“Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị rà soát giá dịch vụ tại tất cả trạm thu giá để tiến hành giảm giá theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016, đồng thời công bố công khai, minh bạch tổng mức đầu tư các dự án BOT để người dân, xã hội, báo chí giám sát”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, năm 2017, đơn vị này đã phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, vị trí của từng trạm thu giá, điều kiện KT - XH của từng địa phương đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý các bất cập tại các trạm thu giá trên nguyên tắc khả thi về phương án tài chính của các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Kết quả, đến nay, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giảm giá theo thẩm quyền cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 46/51 dự án theo đề xuất của Tổng cục ĐBVN, đang đàm phán để xử lý 5 dự án còn lại.

“Chúng tôi cũng đã có các văn bản yêu cầu nhà đầu tư tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, rà soát, chỉnh sửa phần mềm tại các trạm thu giá, tăng dung lượng ổ đĩa lưu trữ để lưu trữ dữ liệu thu giá lâu dài, phục vụ cho công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Huyện nói. Ông cũng cho biết, hiện nay, Tổng cục Đường bộ VN đang khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh dự án thu giá không dừng. Trước mắt áp dụng tại các trạm thu giá trên QL1 và QL14, tiến tới áp dụng toàn bộ các trạm thu giá trên phạm vi cả nước.

“Việc áp dụng thu giá không dừng giúp tăng năng lực thông qua các trạm thu giá, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu… Dự án đi vào hoạt động cũng sẽ giúp giám sát hiệu quả công tác thu giá”, ông Huyện nói.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ, theo thông tin từ Vụ Đối tác công tư, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã giảm giá các xe loại 4 và loại 5 (là các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án; 27 dự án có mức giá đã thấp hơn mức trung bình không cần giảm, còn lại 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến, nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi nên nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chưa đồng ý giảm giá.

Năm 2017, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã ban hành 24 nghị quyết; Bộ GTVT ban hành 8 chỉ thị, 80 công điện, hơn 3.700 quyết định và 15 nghìn văn bản chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết công việc. Bộ GTVT đã tiếp nhận, kịp thời xử lý, giải quyết gần 58 nghìn văn bản đến từ các ban, bộ, ngành của T.Ư và các địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải, triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác của ngành. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Đường sắt tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; đẩy mạnh triển khai kết nối các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận vải, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của từng lĩnh vực, của toàn ngành; đã báo cáo Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, Chính phủ và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Từ ngày 16/12/2016 đến 15/12/2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, làm bị thương 17.040 người. So với năm 2016, giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 người bị thương (giảm 11,62%). Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP Hà Nội và TP HCM trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước giảm thiểu, khắc phục ùn tắc giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.