Ngày 30/1 (28 tháng Chạp), Thành ủy TP.HCM họp mặt tri ân các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19. Tại buổi gặp mặt, câu chuyện của các bác tài kể lại khiến nhiều người xúc động.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải động viên chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ tài xế Phan Thành Minh Nhựt đã hi sinh trên đường khi chở bệnh nhân F0 đi cấp cứu
Bác tài lái xe cấp cứu Phạm Phương Bá - Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, do từ tháng 5/2021 bệnh viện Chợ Rẫy đã đào tạo, trang bị các kỹ năng cơ bản và những kiến thức về Covid nên khi tham gia lái xe chở bệnh nhân F0 thì không sợ. Tuy nhiên lúc đó người trong gia đình thấy TP.HCM bùng dịch nặng nên rất sợ. Để gia đình an tâm, anh Bá thường xuyên chia sẻ các kiến thức về Covid cho gia đình an tâm.
Là một trong số 200 bác tài bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia chống dịch tại Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, bác tài Hồ Minh Nam chia sẻ mộc mạc: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất chỉ là đã chở được rất nhiều bệnh nhân F0".
Anh Nam kể, khi đó TP.HCM thực hiện 3 tại chỗ nên các anh em tài xế được bố trí ở một nơi riêng hoặc sẽ ở cùng khu với các bác sĩ, y tá. Chính vì vậy các bác tài đều hiểu rất rõ về dịch Covid và có những kỹ năng cơ bản về phòng dịch nên không có gì phải lo lắng nếu một ngày xét nghiệm mình đã là F0.
Bác tài Hồ Minh Nam, tài xế của Phương Trang - FUTA Bus Lines: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất là đã chở được rất nhiều bệnh nhân F0".
Công việc hàng ngày của anh Nam là chở các bệnh nhân F0 từ nhà đến các bệnh viện dã chiến, cũng có khi là chở bệnh nhân F0 lên tuyến cao hơn. Nhưng anh bảo mỗi ngày đều hết sức đặc biệt vì không một bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Và mỗi ngày lại là một câu chuyện mới với hối hả, cấp tốc và xót xa.
“Chúng tôi ở bệnh viện dã chiến nhiều tháng ròng rã không về nhà. Có các bác tài từ nhiều chi nhánh ở các tỉnh trong FUTA về TP.HCM nữa. Không còn thời gian để ngủ, thậm chí thời gian để ăn cũng phải tranh thủ, nhưng ở nơi bệnh viện dã chiến lại cảm thấy mình đang sống rõ nhất. Chúng tôi có cơ hội gần gũi nhau, động viên nhau, tài xế F0 này khỏi thì động viên tài xế khác bị nhiễm sau: ‘không sao cả’, rất đoàn kết, bao bọc lấy nhau" anh Nam nói.
Nhớ lại kỷ niệm khi mới chở bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến, bác tài Đặng Xuân Tùng (Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh) kể, người nhà bệnh nhân thấy anh Tùng mặc đồ bảo hộ đã tưởng anh là bác sĩ nên cúi đầu cảm ơn. Anh Tùng biết là họ “cảm ơn nhầm” nhưng lòng anh vẫn rưng rưng cảm giác xúc động.
Tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, không phải người nhà bệnh nhân cúi đầu “cảm ơn nhầm” mà đó là lời cảm ơn chân thành của gia đình tới bác tài vì đã tới cứu giúp kịp thời trong lúc người dân mong mỏi.
Trong buổi gặp mặt tri ân cuối năm, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã phải thay chồng là anh Phan Thành Minh Nhựt - 46 tuổi, tài xế cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tham dự. Anh Nhựt đã không may mắn mất trong quá trình lái xe cấp cứu vì va chạm xe ben nên vĩnh viễn ra đi.
Tham dự từ đầu đến cuối buổi gặp mặt, chị Tuyền lặng lẽ với nước mắt luôn chờ chực trào ra. Khi được hỏi, anh đã ra đi liệu chị có ân hận vì đã ủng hộ chồng mình ra trận? “Tôi rất buồn vì nỗi đau mất chồng và 4 đứa con mất cha là nỗi đau quá lớn. Nhưng tôi không hối hận, vì những ngày tháng chống dịch, khi anh có chút thời gian vợ chồng lại động viên nhau. Chúng tôi đều hiểu, cả TP, cả đất nước đang bị dịch bệnh tàn khốc như vậy, nếu ai cũng ở nhà thì ai đi chống dịch”, chị Tuyền rưng rưng nói.
Các bác tài và những món quà từ lãnh đạo TP.HCM
Trước chia sẻ xúc động của chị Tuyền cũng như các bác tài, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị tất cả mọi người dành những giây phút lắng đọng nhất để tri ân lực lượng vận chuyển bệnh nhân và tưởng nhớ những người đã mất.
“Có thể có hàng ngàn lẻ một tình huống khác nhau, mỗi tình huống là một câu chuyện về tình người, một thử thách nghiệt ngã với lòng trắc ẩn và một cách ứng xử giữa lằn ranh sinh tử. Nhưng với đạo đức nghề nghiệp, với lương tâm và bổn phận làm người, mà bao người chiến sĩ lái xe đã không hề do dự, không hề né tránh và họ đã chọn lựa sự mạo hiểm, có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Đề nghị rà soát lại danh sách những lái xe tham gia chống dịch để tri ân tránh thiếu sót. Các bác tài không chỉ là những lái xe bình thường mà đôi khi họ làm thay cả chức năng bác sĩ, tư vấn tâm lý hoặc làm thân nhân để chăm sóc sẻ chia hỗ trợ người bệnh lúc bệnh nhân cô đơn, hoang mang nhất.
Họ không chính là những chiến sĩ, những lái xe kiên cường, quả cảm. Đã cống hiến và góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Trước những hi sinh thầm lặng của các đội ngũ y bác sĩ, các lái xe, tôi nghiêng mình trước các bạn. Cũng đề nghị báo, đài tiếp tục nói lên tiếng nói của các lái xe, những người vận chuyển trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vì các lái xe chỉ biết làm”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.
Một gương mặt tiêu biểu và là đơn vị mới đây được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vì những thành quả trong cuộc phòng chống dịch Covid-19 là Tập đoàn Phương Trang - FUTA Group. Ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines (đơn vị trực thuộc FUTA Group) chia sẻ: Mặc dù dịch Covid-19 tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, nhưng đến nay 33 lái xe của FUTA túc trực tại Trung tâm cấp cứu 115. Cùng với đó, hiện FUTA vẫn duy trì gần 200 xe trải đều 21 quận huyện trên địa bàn TP để phục vụ nhu cầu vận chuyển F0, lái xe cấp cứu, phục vụ công tác chống dịch...
Ngoài ra FUTA vẫn đang hỗ trợ tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... trong công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 thông qua nhiều hoạt động như chở bệnh nhân F0, lái xe cấp cứu, trao tặng hàng ngàn vật tư, trang thiết bị y tế...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận