"Đánh quỷ trực tuyến"
Trong những ngày gần đây, các phóng viên Trung Quốc của Jimu News đã phát hiện ra rằng nhiều nhà sáng tạo nội dung đã tạo ra các chương trình livestream (Phát trực tiếp hoặc phát luồng trực tiếp) kỳ quặc được gọi là "Đánh quỷ trực tuyến".
Những livestream này đã đạt được lưu lượng truy cập rất cao và những nhà sáng tạo nội dung được hưởng lợi trực tiếp từ chúng - thậm chí vượt quá 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu đồng) mỗi cuộc phát sóng.
Ngày 23/10, các nền tảng livestream Trung Quốc đã phản hồi lại yêu cầu bình luận về hiện tượng này với các phóng viên rằng các tài khoản nói trên bị nghi ngờ đang vi phạm quy định và sẽ được xác minh và xử lý trong những ngày tới.
Vậy các livestream này vi phạm điều gì? Hóa ra cái gọi là "Đánh quỷ trực tuyến" thực chất là việc biên tập các tác phẩm điện ảnh Trung Quốc liên quan tới chủ đề "Chiến tranh kháng Nhật" (thường được gọi là Kháng Nhật) trong giai đoạn 1937 - 1945.
Tất cả được kết hợp với "Guizi jin cn qu", một bài nhạc nền trong 1 bộ phim kháng Nhật của điện ảnh Trung Quốc vào năm 1955 để tạo thành một phim tương tác đăng tải lên livestream.
Người dẫn livestream sẽ xúi giục người xem tạo ra những "quà tặng" mà cụ thể là súng máy, súng cối hoặc lựu đạn để tương tác với các hình ảnh trong phim. Và lẽ dĩ nhiên những quà tặng này đều phải trả bằng tiền thật.
Không những cố gắng kiếm tiền theo cách lố bịch nói trên, những người dẫn livestream còn công khai tuyên bố mở lớp huấn luyện, tuyển học viên, bán các phần mềm, tài liệu và phương thức vận hành trò "Đánh quỷ" kiểu này để phổ biến chúng.
Phim tương tác, game điện ảnh tương tác, interactive film, interactive cinema là các bộ phim được sản xuất để trở thành game.
Người chơi xem phim tương tác giống như thưởng thức một loạt các cutscene (đoạn cắt cảnh) nối tiếp nhau, đan xen giữa các cutscene này là một số tình huống người chơi được phép đưa ra các lựa chọn.
Một tập hợp các lựa chọn sẽ dẫn người chơi qua các hướng đi khác nhau và cuối cùng là một cutscene - một kết thúc riêng.
"Kháng Nhật" trên livestream có những hậu quả gì?
Theo Jimu News, dĩ nhiên cư dân mạng Trung Quốc có thể nói rằng đây là hành động "thể hiện lòng yêu nước" và tất nhiên là yêu nước thì không có gì sai.
Nhưng điều đáng sợ là việc tạo ra những sản phẩm giải trí "xúc phạm chỉ số IQ của người Trung Quốc", "bóp méo hiểu biết chính xác về lịch sử Chiến tranh kháng Nhật" sẽ "làm tổn thương những người vẫn còn ký ức đau buồn về một thời kỳ lịch sử".
Các phóng viên Trung Quốc cho rằng "có những phần lịch sử không thể biến thành trò giải trí hay dùng để kiếm tiền" - nhất là khi những bộ phim "kháng Nhật" đầy rẫy sự vô lý đang tràn ngập màn ảnh Trung Quốc và gây ra tranh cãi lớn.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng đang tỏ thái độ bất mãn với thứ mà họ gọi là "đùa giỡn về lịch sử đau khổ của dân tộc" và cho rằng những chiêu trò kiểu này "không có lợi cho việc giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ, mà ngược lại làm thô tục hóa lịch sử".
Được biết các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành can thiệp và trò "Kháng Nhật trên livestream" hiện đã biến mất. Các phóng viên của Jimu News thì đưa ra kết luận của mình như sau:
"Có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Nó bao gồm việc hiểu biết một cách nghiêm túc hàng nghìn năm lịch sử, tham gia các hoạt động công ích có lợi cho xã hội, giữ gìn danh dự, nhân phẩm của đất nước khi ở nước ngoài bằng các hành động lịch sự.
Việc sử dụng lòng yêu nước như một chiêu trò và lấy chiến tranh làm trò giải trí chắc chắn không phải là lòng yêu nước mà chỉ là lòng yêu tiền.
Các nền tảng (Livestream) phải kiên quyết xử lý và chịu trách nhiệm nghiêm túc, đồng thời cư dân mạng cũng phải cùng nhau tẩy chay, kiềm chế xu hướng thô tục và ngu ngốc này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận