Xã hội

Kỳ thi THPT 2019: Đình chỉ thi 72 thí sinh, các trường đại học sẽ chấm thi

28/06/2019, 07:15

Yêu cầu cao nhất của Bộ GD&ĐT trong công tác chấm thi phải là trung thực, khách quan, không gian lận.

img
Thí sinh động viên nhau trước giờ vào phòng thi. Ảnh: Tạ Hải

Chiều 27/6, tại buổi họp báo, đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi, huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 trường đại học, học viện, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi thi. Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99%.

Khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó trưởng ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019 thông tin: Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách). “Tuy nhiên, vẫn còn một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in đề thi thiếu dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh”, ông Độ nói.

Về hiệu quả cách đổi mới trong khâu tổ chức thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Việc sắp xếp các thí sinh tự do, thí sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên ngồi cùng phòng thi với thí sinh các trường THPT mang lại hiệu quả trật tự, nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc tăng cường vai trò của cán bộ công an phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngành giáo dục ở tất cả các khâu trong quá trình thi được đảm bảo tuyệt đối bảo mật. Tăng cường công tác kiểm tra có hiệu quả cho đến thời điểm này các điểm thi rất yên tĩnh và chưa nhận được phản ánh về phao thi”.

Tăng cường giải pháp kỹ thuật trong chấm thi

Về công tác chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Yêu cầu cao nhất của Bộ trong công tác chấm thi phải là trung thực, khách quan, không gian lận. Để đạt được những yêu cầu này, các hội đồng chấm thi phải thực hiện chuỗi các quy định trong từng khâu, từng quy trình Bộ đã quy định rất kỹ”.

Cụ thể, phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được nâng cấp hoàn thiện. Theo đó, các dữ liệu ở tất cả các khâu từ trung gian đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa với thuật toán tiên tiến có độ tin cậy cao; các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều được “đánh phách điện tử” để đảm bảo cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với nội dung bài làm của họ. Tất cả các thao tác trên phần mềm đều được lưu vết và chỉ người có trách nhiệm mới có quyền mở để xem (không sửa được) trong trường hợp cần thiết; Việc quản lý người dùng thông qua quản lý tài khoản sử dụng được mã hóa và quản lý chặt chẽ.

Một trong những điểm mới là các trường đại học sẽ chủ trì nhiệm vụ chấm thi tại các địa phương thay vì để địa phương là đơn vị chủ trì như mọi năm. Cũng chính vì vậy, trước khi kỳ thi diễn ra, các đơn vị là các trường ĐH, Học viện được giao nhiệm vụ chấm thi tại các địa phương đã cử cán bộ đi kiểm tra cơ sở vật chất, “format” lại toàn bộ hệ thống máy tính được giao, sau đó niêm phong cho đến ngày chấm thi.

Riêng với chấm thi môn Ngữ văn tự luận được giao về các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Trinh để đảm bảo việc kiểm soát tốt, Bộ tiến hành chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi, trong đó có các bài điểm cao.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT:
Thanh tra tất cả 63 hội đồng thi

Để đảm bảo công tác an toàn tuyệt đối cho chấm thi, chính thức từ ngày 28/6, chúng tôi thành lập thanh tra 63 hội đồng thi với số lượng lớn hơn năm trước gồm hai cán bộ đại học, một chánh thanh tra sở nhưng không phải thuộc địa phương. Bên cạnh lực lượng thanh tra cắm chốt, còn lực lượng lưu động, giám sát để tránh như năm trước có thanh tra tự ý bỏ nhiệm vụ về.

Các mốc thời gian cần lưu ý
- Công bố kết quả thi vào ngày 14/7: Chậm nhất ngày 21/7 cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính), in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi.
- Nhận đơn phúc khảo từ ngày công bố kết quả đến hết ngày 23/7.

Chuẩn bị xét tuyển:
- Trước 17h ngày 18/7, các trường ĐH, CĐ gửi kết quả xét tuyển cho các Sở GD&ĐT để thông báo đến thí sinh.
- Trước ngày 22/7, các trường ĐH, CĐ công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.
- Từ ngày 22 - 29/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến. Từ ngày 22 - 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Công bố kết quả xét tuyển:
- Trước 17h ngày 9/8, các trường ĐH, CĐ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17h ngày 15/8, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.

Tuyển bổ sung:
- Từ ngày 28/8, các trường ĐH, CĐ tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.