Tránh lỗi in mờ như đề Toán ở Hà Nội
Ngày 15/6, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi lần này được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022.
Để chuẩn bị cho kỳ này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với sự tham gia của đại diện Sở GD&ĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi...
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh tự do có 37.841, chiếm 3,69% tổng số thí sinh.
Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp có 47.769, chiếm 4,66% tổng số thí sinh.
Thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học có 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh.
Thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh có 943.340, chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Trong số thí sinh đăng ký dự thi, số đăng ký thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52% tổng số thí sinh.
Số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 55,30% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ: 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh (Hà Nội: 16.133; TP.HCM: 10.020).
Cả nước có 2.273 điểm thi, với 44.661 phòng thi.
Các Hội đồng thi trên toàn quốc tổ chức coi thi trong các ngày 28 - 29/6; chấm thi từ ngày 1/7/2023 và công bố kết quả thi vào ngày 18/7/2023.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương phải rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi như: địa điểm in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin...Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho các cán bộ làm công tác thi đúng thời gian và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các địa phương chuẩn bị thật kỹ càng các điều kiện tổ chức kỳ thi, nhất là phương diện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ thi.
Lấy lỗi in sao đề thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm để kiểm tra, rà soát thật kỹ các khâu. Đồng thời, yêu cầu việc in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi các địa phương phải lên nhiều phương án đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo tốt nhất về máy móc in sao đề thi, số lượng máy dự phòng cũng như điều kiện cách ly tốt nhất cho các cán bộ trong ban in sao đề, đảm bảo rằng mọi sự cố nhỏ nhất đều được kiểm soát, không được xảy ra sai sót dù nhỏ nhất.
Gần 8.000 cán bộ, giảng viên đại học giám sát thi tốt nghiệp THPT
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên trường đại học làm công tác thanh tra để giám sát các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức các đoàn thanh tra trước, trong và sau kỳ thi. Tuy nhiên, bộ khẳng định trách nhiệm tổ chức kỳ thi bao gồm cả việc thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi vẫn do địa phương chủ động triển khai.
Ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị thiết bị, nhân lực, phân công và quy trách nhiệm ở các vị trí công việc. Tại các khu vực nhạy cảm này phải có sự tham gia của cán bộ an ninh và bố trí camera 24/24h.
Theo ông Chương, có ba phần mềm quan trọng đã được Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có cán bộ A03, A05, A06 thuộc Bộ Công an. Đó là các phần mềm đăng ký dự thi, phần mềm hỗ trợ hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh, thành phải thiết lập đường dây nóng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để tiếp nhận, thông tin những việc phát sinh, đặc biệt giải quyết những vấn đề liên quan tới quyền lợi thí sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận