Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công trình thi công hầm Đèo Cả và động viên kỹ sư, công nhân thi công hầm năm 2016 |
Đã có hầm Đèo Ngang, hầm Hải Vân…, nhưng phải đến khi những mũi khoan đào đầu tiên vào sườn núi Cả, nội lực Việt mới chính thức định hình, làm chủ công nghệ, thi công hoàn thiện “đại công trình” hầm Đèo Cả, mở toang cánh cửa phát triển cho Khánh Hòa, Phú Yên và cả nước…
Hành trình xuyên núi mở hầm
Hít làn gió mát thổi từ đèo Cả, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (DCIC) Hồ Minh Hoàng chăm chú theo vòng xe lưu thông êm thuận, tiện ích trên từng mét đường dự án. Mặt đường đen rạm, đường hầm sáng trưng, hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo, cây xanh, biểu tượng “kiềng ba chân” vững vàng hai đầu hầm, tạo điểm nhấn công trình đầy khang trang, rộng đẹp và hiện đại. Hơn ai hết, với vị CEO người con quê hương Phú Yên này, ám ảnh về “cung đường tử thần”, “điểm đen TNGT” Đèo Cả đang dần lùi xa trước “đại công trình” của khát vọng hành trình xuyên núi, mở hầm không hề dễ dàng, bằng phẳng.
Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả có điểm đầu tại Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối tại Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Công trình có tổng chiều dài 13,2km, trong đó hầm đèo Cả dài 4.125m, hầm đèo Cổ Mã dài 500m. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn 9km. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80km/h. Theo PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng giám định nhà nước về chất lượng công trình), so với hầm Hải Vân hiện hữu, hầm Đèo Cả có quy mô lớn hơn (2 ống hầm lưu thông 2 làn xe/ống cùng hướng) khắc phục tối đa hạn chế tổ chức giao thông, vận hành của hầm Hải Vân: Quẩn khí, trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn và cấp khí tươi gây tốn kém trong vận hành và nguy cơ mất ATGT... Trong khi đó, hệ thống thông gió dọc hầm Đèo Cả luôn tạo được dòng không khí sạch, nên theo tính toán chi phí bảo trì chỉ bằng 40% chi phí bảo trì cho đường hầm như hầm Hải Vân, đảm bảo lưu thông. Lựa chọn phương án làm 2 ống hầm, đầu tư ban đầu đắt hơn nhưng về lâu dài, hiệu quả KT-XH của phương án 2 ống hầm cao hơn. Tuy nhiên, nhờ có giải pháp hữu hiệu, tổng mức đầu tư dự án được tiết giảm từ 15.603 tỷ đồng xuống còn hơn 11.378 tỷ đồng (giảm hơn 25%). Trên cơ sở này, nhà đầu tư Đèo Cả được Thủ tướng chấp thuận, triển khai tiếp hầm Cù Mông (khởi công tháng 9/2016), mở rộng hầm Hải Vân (từ cuối năm 2016). Tầm vóc Đèo Cả đang được chứng minh qua hàng loạt góc nhìn thực tiễn: Nhà đầu tư tầm cỡ, đột phá cơ chế chính sách, đến quản lý điều hành dự án, bản lĩnh nhà thầu và các chủ thể liên quan. |
Năm 2001, Bộ GTVT cho phép lập Dự án hầm đường bộ Đèo Cả trên tuyến QL1. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1250/TTg-KTN (ngày 27/7/2009) cho phép dự án triển khai theo hình thức BOT và BT. Được chọn là nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã thuê Công ty tư vấn Egis (Cộng hòa Pháp) liên danh cùng một số tổ chức tư vấn trong nước để lập báo cáo khả thi (FS), mời tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) - đơn vị thiết kế hầm Hải Vân để chủ trì triển khai các bước thiết kế sau thiết kế cơ sở của dự án.
Bắt tay triển khai, những vấn đề phát sinh cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư… luôn “cân não” người trong cuộc. Ban đầu, dự án được được đầu tư theo hình thức Tổng thầu EPC, sử dụng vốn vay của các ngân hàng nước ngoài, nhưng sớm phát sinh vướng mắc trong khâu huy động vốn. Công trình trì hoãn nhiều năm. Bước ngoặt lớn nhất khi lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất Chính phủ xin chuyển hướng sử dụng vốn của nhà tài trợ trong nước, cùng đó nhà đầu tư, nhà thầu cũng 100% của Việt Nam; chỉ có TVGS thuê các đơn vị nước ngoài… mới khơi thông bài toán khó. Ngay sau đó, các thủ tục dự án được triển khai rất nhanh. Về sau, Thứ trưởng Lê Đình Thọ - một trong năm thứ trưởng được phân công phụ trách, đốc thúc tiến độ dự án qua các thời kỳ tiếp tục tháo gỡ phương án tài chính tổng thể, cùng nhà đầu tư giải quyết dứt điểm các vấn đề về nguồn vốn đầu tư.
Tháng 11/2012, công trình chính thức được làm lễ khởi công. Khi mũi khoan đầu tiên vào núi Cổ Mã, núi Cả gặp không ít vị trí địa chất bất lợi, thậm chí phải khoan thăm dò 100-300m… Nhớ lại những bước đi đầu tiên, PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình) - Cố vấn cao cấp của DCIC chia sẻ: “Đầy khó khăn, thử thách. Khu vực hầm Đèo Cả điều kiện phức tạp về địa hình, địa mạo, đặc thù của cấu trúc đá lăn, lũ quét, sạt trượt mái dốc, đặc biệt nằm trong đới “đứt gẫy Vạn Ninh” (liên kết đất đá yếu, thường xuyên chứa nước ngầm-NV) là “kẻ thù” số một của các công trình hầm xuyên núi. Tuy nhiên, các hướng tuyến, quy mô, giải pháp thi công của dự án được nghiên cứu, lựa chọn hiệu quả, tránh được hầu hết các yếu tố bất lợi, nhất là các đứt gãy có ảnh hưởng đến kết cấu hầm…”.
DCIC thiết lập “thế chân vạc” (quản lý - thi công - tư vấn giám sát) kiểm soát từng khối lượng thi công, chất lượng. Hiếm dự án nào, chủ đầu tư đầy quyết liệt, tạo dựng cơ chế mở để xây dựng bộ máy điều hành, QLDA chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và bản lĩnh dấn thân, qua đội ngũ các cố vấn, chuyên gia, kỹ sư hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng giao thông như công trình này. Đây được coi “chìa khóa” đem lại sự thành công, hiệu quả triển khai dự án, khiến từng bước đi của dự án luôn ổn định, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Chỉ hơn một năm thi công, ngay từ tháng 11/2014, hầm Cổ Mã chính thức đào thông và thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2015…
Ngày 21/8, hầm Đèo Cả thông xe toàn tuyến, chính thức đưa vào khai thác |
Nội lực Việt gọi tên Đèo Cả
21/6/2016 - thời khắc “chạm nhau” ở gương hầm cuối cùng trong hai ống hầm Đèo Cả đối với Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Lê Quỳnh Mai vẫn đầy cảm xúc. “Chính xác đến từng milimet”, ông Mai nói. Khác với hầm Hải Vân, lần đầu tiên, “đại công trình” hầm Đèo Cả hoàn toàn do người Việt thi công nhưng minh chứng bản lĩnh, nội lực làm chủ công nghệ và đầy chuẩn xác.
Ngoài nhà thầu Sông Đà, Lũng Lô (từng có kinh nghiệm thi công một số hầm), những cái tên Quản Trung, Hải Thạch, cầu đường Sài Gòn… lần đầu “lấn sân” đào hầm tại dự án Đèo Cả nhưng đã sớm hòa nhập, ứng dụng phương pháp, kỹ thuật thi công hầm hiệu quả. Các gương hầm liên tục được “đẩy tốc” đạt từ 1-2m khoan dài thời kỳ đầu, đã tăng lên 3,5m thời điểm giữa dự án và đạt đến 4-4,5m giai đoạn cao điểm. Thời gian được rút ngắn - 10 - 14 tiếng cho một chu kỳ đào. Mỗi ngày, từng mét hầm khoan sâu thêm vào lòng núi, ít nhất 400-600 khối đá được xử lý sau mỗi đợt khoan nổ mìn. Tốc độ đào được đẩy nhanh từ 120-200m/tháng.
Ông Ichizuru Ishimoto, Giám đốc tư vấn giám sát (Nippon Koei) đánh giá: Tốc độ đào hầm không chỉ cải thiện từng ngày mà còn ổn định và tương đương với các nhà thầu quốc tế chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc Apave châu Á - Thái Bình Dương (đơn vị tư vấn giám sát Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả), đây là nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia dự án nhờ liên tục điều chỉnh giải pháp, chọn phương án thi công tối ưu, hiệu quả nhất.
Theo ông Lê Quỳnh Mai, các nhà thầu trên tuyến tổ chức tăng ca, tăng kíp. Công trường thi công xuyên lễ, Tết các năm 2014-2016. Có thời điểm hàng ngàn cán bộ công nhân viên, trang thiết bị máy móc “dàn trận” triển khai khắp các gói thầu dự án. Bản thân nhà đầu tư, Ban QLDA vào cuộc sát sao, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh; kịp thời giải ngân cho dự án. Công trình được sự quan tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt tiến độ, chất lượng của các bộ ngành, đơn vị chức năng.
Tròn 1 năm sau thời điểm thông hầm, toàn tuyến dự án đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào vận hành khai thác. Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình (ngày 15/8), tất cả các thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Phó chủ tịch Hội đồng, cùng lãnh đạo UBND Khánh Hòa, Phú Yên, các đơn vị chức năng đều thống nhất 100% công trình đủ điều kiện đưa vào khai thác. Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) có quyết định nghiệm thu hạng mục phòng cháy chữa cháy cho hầm đường bộ Đèo Cả. Hội đồng ghi nhận các chỉ tiêu chất lượng, tính đồng bộ, hiện đại công trình trong từng hạng mục xây lắp, thiết bị vận hành…
Nói như Tổng giám đốc DCIC Hồ Minh Hoàng, sâu thẳm trong mỗi chúng tôi đều muốn khẳng định một điều, người Việt Nam hoàn toàn đủ kiến thức, tầm nhìn và ý chí để làm được những công trình lớn này. Và lịch sử nội lực Việt trong thi công hầm đường bộ đã gọi tên “đại công trình” hầm Đèo Cả.
Hầm Đèo Cả đã sẵn sàng cho ngày thông xe toàn tuyến |
Rút ngắn hành trình, mở đường phát triển
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá: Việc sớm đưa công trình trọng điểm vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu dụng dự án, rút ngắn 9km, kéo giảm đến 40 phút hành trình so với lưu thông đường đèo, đảm bảo ATGT, lưu thông mùa mưa bão, phát triển thông thương giữa các địa phương và liên vùng. Đặc biệt, từ mô hình Đèo Cả đặt ra những bài học kinh nghiệm về thu hút nguồn lực xã hội, đầu tư công với các hình thức PPP, BOT, BT.
Theo ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, công trình là niềm mơ ước, nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân các thế hệ của địa phương. Hầm Đèo Cả và tiếp sau hầm Cù Mông sẽ mang đến niềm hi vọng, phá thế “ốc đảo” của tỉnh bao đời nay bị án ngữ bởi đèo Cả, đèo Cù Mông, giờ được mở toang cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, ATGT; kết nối giữa hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa). Trong tương lai, hầm đường bộ Đèo Cả sẽ là một sản phẩm du lịch của tỉnh Phú Yên, tạo cơ hội liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá: Việc đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho địa phương và cả khu vực nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài ra, hầm đường bộ tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên cũng như đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.
Ông Cao Xuân Giao, Cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Hầm Đèo Cả đưa vào khai thác “giải cứu” vấn nạn ách tắc giao thông đường đèo mùa mưa lũ, đảm bảo lưu thông thông suốt. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, trước đây, đơn vị bố trí một tổ TTKS túc trực thường xuyên ở khu vực đèo Cả. Chỉ một sự cố va chạm, TNGT, sụt trượt cũng gây ách tắc lưu thông kéo dài, có khi lên tới 3-5 tiếng. Có hầm, “điểm đen” TNGT đường đèo dần bị xóa bỏ.
Dấu ấn Đèo Cả Xuyên suốt chặng đường 5 năm triển khai, dự án hầm đường bộ Đèo Cả được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các bộ, ngành, trực tiếp Bộ GTVT; sự đồng thuận địa phương và nhân dân; sự chung tay gánh vác của các nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát…
“Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công…” THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC
“Hầm Đèo Cả đưa vào hoạt động giúp xóa bỏ “điểm đen” TNGT trên QL1A, giáp ranh Khánh Hòa - Phú Yên; góp phần phát triển KT-XH cho miền Trung - Tây Nguyên và toàn khu vực”. PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG
“Nhà đầu tư Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã cho thấy năng lực thực sự của mình trong suốt quá trình xây dựng dự án, huy động vốn và thực hiện thi công. Cùng với đó, đơn vị cũng có những chuyên gia cao cấp hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực xây dựng công trình, giám sát chất lượng nên lãnh đạo Bộ cảm thấy hết sức tin tưởng”. BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT TRƯƠNG QUANG NGHĨA
“Một trong những thành công lớn nhất của dự án này chính là xây dựng mô hình đầu tư, tạo nên một thế hệ kỹ sư mới, một thế hệ nhà thầu trong nước, nhà đầu tư Việt Nam có thể đủ sức đảm nhận các dự án hạ tầng có độ khó mà trước đây chỉ có thể là nhà thầu quốc tế đảm nhận. Từ đây, ngành GTVT có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm khác”. THỨ TRƯỞNG BỘ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ
“Chúng tôi mong muốn hầm Đèo Cả không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, mà còn là công trình kiến trúc đẹp do chính những người Việt tự làm nên, là nơi dừng chân hấp dẫn của du khách mỗi khi qua đèo. Ngay từ khi triển khai dự án, đơn vị đã phát động các cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc dự án hầm, trạm thu phí đảm bảo tiêu chí về kiến trúc, giao thông, xây dựng, văn hóa lịch sử và cảnh quan môi trường”. TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ĐẦU TƯ ĐÈO CẢ XUÂN HUY (Lược ghi) |
Đóng phí vẫn lợi lớn Chừng 10 phút, anh Nguyễn Văn Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) đã điều khiển xe khách giường nằm BKS 74B-000.06 (tuyến Đông Hà - TP HCM) đi hết hơn 13km đường, hầm Đèo Cả. “Đường thênh thang, tốc độ ổn định 80km/h, hệ thống biển báo tiện ích… không còn lo ùn tắc như đường đèo”, anh Hiếu nói. Ban ngày, dự án toát lên vẻ hiện đại, hài hòa tô thêm điểm nhấn cảnh quan thiên nhiên đèo Cả. Ban đêm, hơn 13km dự án rực sáng ánh đèn đường. Ông Trần Nam (67 tuổi, Hòa Xuân Nam) nhà ở đầu tuyến dự án bảo: “Cả khu vực giờ như phố thị, người dân hết lo cảnh TNGT đường đèo, đảm bảo ANTT”. Theo cánh tài xế, để qua đèo Cả, đèo Cổ Mã mất khoảng 22km với độ dốc lớn, cua gấp gây hao mòn phương tiện, nhiên liệu. Anh Hiếu phân tích, loại xe giường nằm đi đèo mất trên dưới 250.000 đồng tiền dầu, chưa kể hư hao phương tiện, mất ATGT và ùn tắc. Giờ có hầm, chịu đóng phí vẫn lợi lớn, đảm bảo thời gian hành trình và ATGT. Theo ghi nhận của PV, dự án đặt trạm thu phí hoàn vốn trên đường dẫn vào hầm, để chủ phương tiện có quyền lựa chọn. Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc thường trực DCIC cho hay: Sau lễ thông xe, đơn vị tổ chức lưu thông miễn phí 10 ngày để người dân đi lại, tham quan dịp cao điểm nghỉ lễ 2/9/2017. Dự kiến từ 3/9, dự án thu phí theo quy định hiện hành. Tất cả trang thiết bị vận hành, khai thác được tổ chức, đảm bảo hầm luôn hoạt động ổn định, an toàn tuyệt đối. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá: Việc vận hành, khai thác dự án đúng quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và nhà đầu tư. Đây là dự án mà người điều khiển phương tiện hoàn toàn có quyền lựa chọn (trừ phương tiện cấm qua hầm) giữa việc lưu thông đường đèo và lưu thông qua hầm và chỉ mất phí khi sử dụng dự án với vị trí trạm thu phí đặt riêng trên tuyến đường dẫn ra vào hầm. NGÂN HÀ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận