Chất lượng sống

Kỳ tích mổ sọ não, thụ tinh nhân tạo ở một bệnh viện huyện

26/02/2017, 08:05

Nếu cách đây khoảng 3 năm, các bác sĩ nơi đây cũng không dám “mơ” thực hiện được những kỹ thuật cao này.

15

Các bác sĩ BV Đa khoa Mộc Châu thực hiện phẫu thuật kỹ thuật cao

Mổ sọ não, thụ tinh nhân tạo… là những ca phẫu thuật khó đòi hỏi kỹ thuật cao mà xưa nay các bác sỹ tuyến huyện thường không dám “mơ”. Vậy mà ít ai ngờ, những kỹ thuật cao này đã được thực hiện hiệu quả tại một bệnh viện tuyến huyện miền núi, BV Đa khoa Mộc Châu (Sơn La).

Xua đi ý niệm “ma bắt”

Trở lại BV Đa khoa Mộc Châu tái khám sau đúng 2 tháng 15 ngày làm phẫu thuật thay khớp háng, ông Cà Văn Ch. (xã Mường Bằng, Mai Châu, Sơn La) hồ hởi khoe: “Giờ chú đi tốt rồi không phải như trước đau lắm nằm liệt một chỗ. Nếu trước biết, bác sĩ ở đây tốt thế tôi đi chữa lâu rồi, chả phải tốn tiền cúng ma nữa”.

Theo lời ông Ch., hầu hết những người ở nơi ông ở, mỗi khi mắc bệnh, việc đầu tiên là mổ trâu, mổ bò cúng thầy làm phép bắt ma vì ai cũng cho rằng, “ma bắt người bị bệnh”. Gặp thầy cúng xong có nhà chẳng còn đủ tiền đi gặp thầy thuốc.

"Việc cố gắng đưa các kỹ thuật cao về ứng dụng tại một bệnh viện tuyến huyện không chỉ mang lại nguồn lợi cho chính các bệnh nhân khó khăn của địa phương mà còn là để giữ nguồn nhân lực cho bệnh viện. Trong năm 2017, kinh phí ngân sách giảm 70%, gánh nặng tự chủ rất lớn…. Do vậy, chúng tôi xác định để có nguồn thu, chi trả không cách nào khác nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ để thu hút người bệnh đến với mình”.

BS. Vi Hồng Kỳ
Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu

Với trường hợp của ông Ch. trước khi thực hiện phẫu thuật nội soi thay khớp háng, có thời điểm căn bệnh thoái hóa khớp háng nặng còn khiến ông nằm liệt một chỗ không tự đi lại, phục vụ cho mình được. Đã từng đi thăm khám ở nhiều nơi, cả tuyến tỉnh và T.Ư nhưng rồi ông Ch. lại về BV Đa khoa Mộc Châu để thực hiện phẫu thuật. “Lên BV tỉnh, các bác bảo phải chuẩn bị 40 triệu đồng chưa kể chi phí ăn uống, đi lại, nhiều tiền quá nên lại về. Sau có người giới thiệu sang đây, tổng chi phí hết 30 triệu đồng thôi mà khỏi bệnh”, ông Ch. cho biết.

Theo BS. Vũ Giang An (Phó giám đốc BV ĐK Mộc Châu), người trực tiếp phẫu thuật cho ông Ch., đây là một kỹ thuật chưa từng được thực hiện ở các bệnh viện hạng 3 và một số bệnh viện hạng 2. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ các chuyên gia đầu ngành theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, mà kỹ thuật này bắt đầu được thực hiện tại bệnh viện từ năm 2015.

Còn với bệnh nhân L.V.T , 30 tuổi (xã Đông Sang, Mộc Châu), nếu không được các bác sĩ BV Mộc Châu mổ sọ não cấp cứu thì giờ đây có lẽ đã “chầu Diêm Vương”. Bị ngã xe nhưng chủ quan không đến viện, chỉ sau ít giờ trở về nhà, anh T. rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, buộc phải nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện anh T. nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, kiểm soát hô hấp, hồi sức tích cực và được xác định là trường hợp tối cấp cứu, chắc chắn tử vong nếu chuyển tuyến trên. Sau hội chẩn, ca phẫu thuật sọ não cấp cứu được quyết định thực hiện ngay và đã thành công. “Không có các bác sĩ ở đây thì tôi không còn cơ hội được trở về với gia đình nữa”, anh T. chia sẻ. May mắn cho anh T, kỹ thuật này cũng mới được bệnh viện ứng dụng từ tháng 1/2017.

Đó chỉ là hai trong nhiều kỹ thuật cao cấp trước đây chỉ bệnh viện “tỉnh”, “trung ương” thực hiện thì nay đã được bệnh viện tuyến huyện của tỉnh miền núi Sơn La tiến hành thành công. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu cho biết, nếu cách đây khoảng 3 năm, các bác sĩ nơi đây cũng không dám “mơ” thực hiện được những kỹ thuật cao này. Cũng đơn giản bởi lẽ không ít kỹ thuật trên tuyến tỉnh còn chưa làm. “Khi ban giám đốc đặt mục tiêu học tập và đưa các kỹ thuật cao về bệnh viện tuyến huyện vốn khó khăn về các nguồn nhân lực và trang thiết bị không ít người đã nghi ngại; thậm chí, cho rằng đó là mục tiêu hão huyền khiến chúng tôi hết sức trăn trở”, ông Kỳ chia sẻ. Tuy nhiên, trước nhu cầu của xã hội, đặc biệt với bà con dân tộc miền núi đến đi lại, giao tiếp đã sợ, thậm chí, nhiều bệnh nhân được giới thiệu chuyển tuyến nhưng vì tâm lý e ngại hoặc điều kiện kinh tế eo hẹp đã bỏ về không chữa trị… Đặc biệt, với nhiều ca bệnh như chấn thương sọ não, khi từng giây từng phút là vàng thì việc chuyển tuyến bệnh nhân với 4 giờ xuôi về Hà Nội hay 2 giờ ngược lên Sơn La là đánh mất đi cơ hội sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, ban giám đốc bệnh viện bàn với nhau quyết tâm phải thực hiện.

16

BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu

Bệnh viện duy nhất vùng Tây Bắc thực hiện thụ tinh nhân tạo

Bận rộn với hai con gái sinh đôi mới 7 tháng tuổi, nhưng đôi mắt hai vợ chồng chị Vũ Thị Hiền (thị trấn Nông trường Mộc Châu) lấp lánh niềm vui. Khi cô con gái lớn tròn 3 tuổi, hai vợ chồng quyết định sinh thêm con, thế nhưng càng hy vọng lại càng buồn vì mãi không có tin vui. Suốt 2 năm dòng, để chữa vô sinh thứ phát vô căn, tháng nào vợ chồng Hiền cũng dắt díu nhau xuống Hà Nội để khám và chữa trị. Ai giới thiệu cách nào hai vợ chồng cũng đều thực hiện. 3 lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) ở bệnh viện tại Hà Nội đều không có kết quả. “Tốn kém cả tiền bạc và thời gian trong suốt hơn 2 năm theo đuổi. Có những lúc phải ăn trực nằm chờ ở viện để theo dõi trứng, hay nửa đêm một thân bắt xe khách xuống Hà Nội để kịp khám vào sáng sớm… thế nhưng hai vợ chồng em đành chấp nhận đầu hàng”, chị Hiền chia sẻ. Tuy nhiên, hy vọng lại đến với vợ chồng Hiền khi biết tin BV Đa khoa Mộc Châu cũng đã thành công với thụ tinh nhân tạo. Và niềm hạnh phúc đã đến với gia đình Hiền, hai cô con gái chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ngay tại chính BV tuyến huyện.

BS. Nguyễn Thủy Hà, khoa Sản, BV Đa khoa Mộc Châu cho biết, kỹ thuật này chính thức được bệnh viện thực hiện ca đầu tiên vào tháng 9/2015. Đến nay đã thực hiện được 15 ca trên 11 bệnh nhân và kết quả là 4 bé đã ra đời và hiện đang có một sản phụ mang thai 28 tuần.

BS. Vi Hồng Kỳ (SN 1970, dân tộc Tày, quê Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn). Tốt nghiệp ĐH Y dược Thái Nguyên năm 1995, BS. Kỳ công tác tại BV Đa khoa Mộc Châu đến năm 2003 học Chuyên khoa I tại ĐH Y Hà Nội chuyên ngành Ngoại. Năm 2014, học chuyên khoa II tại ĐH Y Thái Nguyên chuyên ngành Y tế công cộng, tốt nghiệp năm 2016.

Thời điểm trước, chính BS. Hà cũng chưa từng nghĩ có thể thực hiện được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. “Khi được đi học về kỹ thuật này, tôi vẫn nghĩ đó là điều thật xa vời. Thế rồi với trọng trách Ban giám đốc giao cho, cùng sự hỗ trợ, chỉ dẫn của các bác sĩ đầu ngành tuyến trên, chúng tôi mạnh dạn thực hiện. Ước mơ giờ đã thành hiện thực”, BS. Hà cho biết.

Chia sẻ lý do vì sao bệnh viện tuyến huyện lại học tập và đưa vào kỹ thuật thụ tinh nhân tạo vốn còn chưa được làm trên bệnh viện tỉnh, BS. Vi Hồng Kỳ cho hay, nhu cầu điều trị vô sinh của người dân địa phương không nhỏ. Nhiều gia đình để làm thụ tinh nhân tạo phải xuống Hà Nội “chầu trực” 4-5 tháng mới thụ tinh xong, chưa kể nếu thất bại lại phải quay lại, tiếp tục chờ đợi… Tốn kém thời giờ, tiền bạc khiến không ít người đã đầu hàng. Thấu hiểu những khó khăn này, BS. Kỳ cùng các đội ngũ bác sĩ quyết tâm thực hiện. “Giờ đây, để được điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI, người dân hoàn toàn có thể sáng đến viện, chiều về nhà và chi phí giảm đáng kể”, BS. Kỳ cho biết.

Điều đáng nói là tinh thần vượt khó của các tập thể y bác sĩ bệnh viện. Để thực hiện thành công kỹ thuật IUI, các bác sĩ tại đây vừa học hỏi, vừa “sáng tạo” các thiết bị phù hợp với nguồn kinh phí còn thiếu thốn của một bệnh viện tuyến huyện. Các thiết bị như tủ sinh học hay bàn ấm… vốn có giá trị từ 100-600 triệu đồng nhưng đã được thực hiện tại đây chỉ với giá thành hơn chục triệu đồng. Dù trong điều kiện còn khó khăn, nhưng mỗi một ca bệnh được cứu chữa thành công lại thêm một động lực giúp các bác sĩ nơi này nỗ lực “update” kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh vùng núi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.