Bức ảnh ghi lại quá trình điều khiển thử nghiệm hệ thống điều khiển từ xa tàu T5 (Năm 1972) - Ảnh: Tư liệu |
Ngoài sức tưởng tượng
Cách đây đúng một năm, một chiếc tàu T5 “rà phá thủy lôi” nguyên bản được Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam di dời từ Bắc Ninh về Hà Nội để trưng bày, lưu giữ. Nhìn bề ngoài, chiếc tàu nhỏ bé này (dài 4,7m, rộng 2m) được các thế hệ từng gắn bó với ngành Đường thủy xem như kỳ tích gắn liền với lịch sử ngành. Đặc biệt hơn, trong số gần 20 chiếc tàu T5 được chế tạo cách đây gần 50 năm, nay cũng chỉ còn một hoặc hai chiếc.
“Sự ra đời của tàu T5 là một bước ngoặt lịch sử, giúp phá tan âm mưu phong tỏa đường sông, đường biển bằng bom, thủy lôi từ trường của đế quốc Mỹ trong thời chiến. Trong điều kiện thời chiến, đây thực sự là một sản phẩm kết tinh của trí tuệ Việt Nam”, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam chia sẻ.
Năm 1998, công trình tàu rà phá thủy lôi T5 được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Những người nghiên cứu, chế tạo, vận hành tàu T5 được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Bên ngoài, tàu T5 như chiếc thuyền máy nhỏ, không có chỗ ngồi cho người lái, được điều khiển từ xa. Chiếc tàu là một khối thiết bị thu, phát tín hiệu, khi đóng mạch điện trở thành một thỏi nam châm mạnh, phóng ra từ trường để kích nổ thủy lôi. Ngay với những người chế tạo thành công tàu T5 đầu những năm 1970, chiếc tàu điều khiển từ xa, lại do chính người Việt Nam chế tạo, đôi lúc nằm ngoài sức tưởng tượng.
Theo tài liệu được ghi lại, tàu T5 đã kích nổ thành công quả bom đầu tiên vào 17h45 ngày 26/12/1972 trên sông Đuống. Sự kiện này đã đánh dấu việc thay thế rà phá thủy lôi thủ công, gây nguy hiểm đến tính mạng những người trực tiếp thực hiện, những người đảm bảo giao thông đường thủy. Trước khi tàu T5 ra đời, việc rà phá thủy lôi được thực hiện bằng cách người lái canô mặc áo chống đạn, lái phương tiện chạy nhanh qua đoạn sông có thủy lôi và phát thiết bị phóng từ để kích thủy lôi nổ. Thậm chí, trước một ngày khi T5 hoạt động thành công, đơn vị quản lý sông Đuống khi dùng canô lắp máy phóng từ trường đi phá thủy lôi trên sông Đuống đã bị sức nổ hất tung lên khỏi mặt nước, khiến Huyện đội trưởng huyện Quế Võ đi trên xuồng hy sinh.
Ông Nguyễn Hữu Bảo, Chủ nhiệm công trình tàu T5 kể, theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ thời bấy giờ, Viện Khoa học công nghệ tàu thủy được giao nghiên cứu chế tạo, với nhóm kỹ sư tham gia đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Tàu được nghiên cứu sơ bộ từ năm 1968 và ông không nhớ ai đặt tên là tàu T5, nhưng luôn nhớ lời căn dặn của cấp trên giao là cố gắng hoàn thành để mừng đúng dịp sinh nhật Bác Hồ.
“Thời đó chưa hề có sản phẩm mẫu nào nên cả nhóm đều phải ngày đêm nghiên cứu, quyết tâm chế tạo thành công chiếc tàu made in Vietnam”, ông Nguyễn Hữu Bảo kể.
Tàu T5 được trưng bày, lưu giữ tại trụ sở Cục Đường thủy nội địa VN từ tháng 12/2017 |
Trò trẻ con bây giờ, nhưng là kỳ tích của 50 năm trước
Nhiều nhân chứng lần ra trận đầu tiên của tàu T5 còn nhớ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam đầu tiên là người trực tiếp chỉ huy trận phá thủy lôi đầu tiên của tàu T5. Chỉ sau hai ngày đầu hoạt động, các thủy lôi tại cửa ngõ sông Đuống đã được phá sạch, đưa các đoàn tàu đi lại nhộn nhịp.
Ông Đoàn Nhân Lộ, người vận hành tàu T5 đầu tiên, cũng như đi phá thủy lôi từ miền Bắc vào miền Trung kể: “Tôi không là người của ngành Đường sông, nhưng tham gia công trình này là sự gắn bó với ngành Đường sông”.
Sau khi thử nghiệm thành công, tàu T5 được Bộ GTVT cho chế tạo thêm 17 chiếc nữa để phục vụ rà phá thủy lôi trên các tuyến đường thủy, cửa biển, đảm bảo giao thông thủy trong thời chiến.
Cũng như ông Nhân, đến giờ, hơn chục người trực tiếp tham gia chế tạo tàu T5 hoặc vận hành như ông: Nguyễn Văn Thắng, Phạm Văn Đương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Hiến... vẫn không quên những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua khi chế tạo tàu T5.
Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, con tàu gồm ba phần chính: Thân vỏ, lái và truyền động điện cho 7 cơ cấu tín hiệu, nhưng vì đây là tàu không người lái nên các thiết kế này đều phải mày mò, thử đi thử lại nhiều lần mới được.
“Nếu ở thời kỳ số hóa, công nghệ số như bây giờ, việc chế tạo chiếc tàu điều khiển từ xa chỉ là “trò của bọn trẻ”. Nhưng cách đây 50 năm lại là chuyện vô cùng khó khăn”, ông Thắng nói và nêu ví dụ, phần thiết bị vô tuyến điện phải nghiên cứu, áp dụng theo phương thức thu của hàng không. Các vật tư, thiết bị đều không có, phải thu thập các thiết bị như bóng bán dẫn, rơ-le điều khiển... phải nhặt nhạnh từ máy bay Mỹ bị bắn rơi để lắp ghép lại.
Nói về những ngày tham gia chế tạo tàu, ông Phạm Văn Đương, nguyên Phó cục trưởng Tổng cục Bưu điện VN, người tham gia suốt quá trình chế tạo tàu kể: “Nhiều lần thử nghiệm các mạch tín hiệu tàu gặp thất bại, là bài học trong nghiên cứu và cũng là sự trăn trở trong cuộc đời tôi. Nhưng quyết tâm và danh dự đã giúp chúng tôi vượt lên, dùng trí tuệ để chế tạo thành công tàu T5”.
Ông Hoàng Hùng, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu VN chia sẻ: “Công trình tàu T5 như một tượng đài khoa học kỹ thuật của VN. Chúng tôi rất vui mừng vì từ thời Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm đến bây giờ, ngành Đường sông vẫn trân trọng đối với thành quả này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận