Cầu Cổ Chiên dài 1,6km, bắc qua con sông cùng tên, được thông xe vào tháng 5/2015, vượt tiến độ 6 tháng. Đó là kết quả quá trình nỗ lực vượt khó của Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) - chủ đầu tư dự án.
Vượt khó xây cầu
Đối với người dân miền Tây, mỗi cây cầu dù lớn nhỏ bắc qua kênh rạch đều quý giá. Còn một cây cầu vượt sông lớn, nối tỉnh này với tỉnh khác thì đó là một dấu ấn, một bước thay đổi ngoạn mục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ dừng lại ở một vài địa phương mà còn cho cả vùng. Cầu Cổ Chiên là một trường hợp như thế.
Sông Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên của ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Sông bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kéo dài khoảng 82km, đổ nước ra hai cửa sông là Cổ Chiên và Cung Hầu ở Bến Tre và Trà Vinh.
Dù là một nhánh của sông Tiền nhưng sông Cổ Chiên khá rộng, việc đi lại của người dân bao đời phải phụ thuộc vào các bến phà lớn nhỏ. Việc có một cây cầu vượt sông Cổ Chiên là niềm mơ ước từ lâu của bà con nơi đây.
"Hơn chục năm trước, vuợt sông Cổ Chiên chỉ có thể nhờ vào các bến phà, bến đò lớn nhỏ. Đi lại khó khăn nên người dân ai cũng mong có cầu", ông Lý Vinh Lan (70 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) kể lại.
Đầu năm 2011, cầu Cổ Chiên được Bộ GTVT khởi công. Khi hoàn thành, cầu này có nhiệm vụ thông tuyến quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn từ TP.HCM đến Trà Vinh khoảng 70km - một khoảng cách không hề ngắn.
Thế nhưng thời điểm xây cầu Cổ Chiên lại không hề thuận lợi, với tổng mức đầu tư 3.798 tỷ đồng - một con số khá lớn trong lúc thời điểm ngân sách còn nhiều khó khăn.
Và từ thiết kế ban đầu là cầu dây văng ba nhịp, sau đó cầu Cổ Chiên được điều chỉnh thành cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng. Việc điều chỉnh này đã tiết kiệm chi phí giảm còn 2.308 tỷ đồng, đồng thời rút ngắn thời gian thi công mà không làm giảm đi hiệu quả, giá trị của cây cầu đầu tiên vượt sông Cổ Chiên.
Ông Trịnh Trường Hải, thời điểm đó là Phó giám đốc điều hành dự án cầu Cổ Chiên nhớ lại: "Cuối năm 2013, dự án được tiếp tục, hợp đồng triển khai trong 24 tháng mới hoàn thành. Nhưng đến tháng 5/2015, chúng tôi đã thông xe được cây cầu này. Đó là điều không dễ dàng".
Như vậy, chỉ sau 18 tháng thi công, cầu Cổ Chiên đã hiện hữu trong niềm hân hoan của người dân. Đó là kết quả của gần 500 công nhân, kỹ sư đã túc trực ngày đêm trên công trường cầu Cổ Chiên. Ngoài cống hiến sức người, họ còn dành cho công trình tâm huyết và quyết tâm cao độ.
Ông Hải kể lại rằng, lúc chuyển máy móc, thiết bị cơ giới vào vị trí xây cầu rất gian truân. Con đường độc đạo (huyện lộ 17) của huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre ngày ấy là con đường đất, rất nhỏ, xe tải trọng lớn không thể đi vào.
"Chúng tôi chỉ có thể thuê một chiếc phà trọng tải trăm tấn rồi cho hết thiết bị máy móc, xe lu, máy ủi, từ quốc lộ 60 xuôi theo dòng Cổ Chiên để tập kết máy móc. Nếu chúng tôi chần chừ, chờ đợi làm xong đoạn đường đó thì cầu Cổ Chiên không thể xong nhanh được", ông Hải kể.
Đi cầu Cổ Chiên 1 ngóng cầu Cổ Chiên 2
Trong quá trình gắn bó với dự án, ông Trương Vĩnh Phúc, một công nhân gắn bó với dự án không thể nào quên những tình cảm người dân hai bên bờ sông Cổ Chiên.
"Người dân quê hương Đồng Khởi và Trà Vinh không thể chê chỗ nào được. Quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án rất thuận lợi. Còn khi xây cầu, xây đường dẫn tôi ấn tượng nhất là những lão niên trong vùng mỗi lần có dịp gặp hay hỏi chúng tôi chừng nào cầu xây xong?
Tôi và mấy anh em thường cười và đáp lại rằng chúng con sẽ cố gắng nhanh nhất. Và cuối cùng chúng tôi đã xây cầu vượt tiến độ 6 tháng, không để người dân ngóng chờ", ông Phúc nhớ lại.
Cũng nhớ lại những ngày còn trên công trường cầu Cổ Chiên, ông Trịnh Trường Hải kể, anh em công nhân, kỹ sư làm dự án thường được sự quan tâm của chính quyền địa phương hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh.
"Cứ mỗi dịp lễ hay cuối năm, anh em chúng tôi lại được địa phương tặng lúc thì con heo, lúc con bò cho anh em liên hoan. Với anh em cầu đường làm việc xa nhà, được quan tâm như vậy là niềm an ủi, động viên rất lớn", ông Hải chia sẻ.
Cuối tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã đưa cầu Cổ Chiên 2 vào danh mục các dự án thuộc Nghị quyết đặc thù của Quốc hội. Những tính toán ban đầu của Bộ GTVT, tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã phần nào phác họa lên hình hài cây cầu Cổ Chiên 2.
Theo đó, phương án đề xuất của Trà Vinh cho biết, cầu Cổ Chiên 2 sẽ cách cầu Cổ Chiên 1 khoảng 30km về phía hạ nguồn. Cầu có quy mô sơ bộ cầu bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng, nhịp chính dài khoảng 630m, đường dẫn cầu quy mô bốn làn xe, tổng chiều dài 2.800m.
Cầu Cổ Chiên 2 dự kiến có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, sẽ hoàn thành cùng thời gian thực hiện xây dựng tuyến đường hành lang ven biển, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2030.
Trong khi đó, ngược dòng Cổ Chiên, cầu Đình Khao cũng được hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre thống nhất. Theo đó cầu sẽ được xây dựng vượt sông Cổ Chiên cách phà Đình Khao hơn 6km về hướng hạ lưu.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 11km, cầu Đình Khao được thiết kế bốn làn xe, bề rộng cầu là 17,5m, tĩnh thông thuyền 120x25m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022 – 2026.
Với việc cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền nối Vĩnh Long - Tiền Giang thông xe cuối năm 2023, hệ thống cầu trên sông Tiền ngày một hình thành nhiều hơn. Trong đó gồm các cầu: Cao Lãnh, Mỹ Thuận 1, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, đã góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận