Xã hội

Ký ức kinh hoàng ở “làng than tặc”

18/07/2021, 07:43

Lạ lùng, dù người dân Làng Khánh sở hữu nhiều đất đai, nhưng khi hoạt động than trái phép diễn ra, bà con đều phải đi làm thuê, làm mướn...

Từng là “điểm nóng” khai thác than trái phép với hàng trăm điểm lò than lậu, kéo theo tệ nạn xã hội, tai nạn lao động…, giờ đây cuộc sống của người dân Làng Khánh, phường Hà Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã từng bước được ổn định. Cái tên “làng than tặc” cùng những câu chuyện kinh hoàng nơi đây đã trở thành ký ức lùi xa.

img

Khu nhà tái định cư của Làng Khánh khang trang tại khu 3, phường Hà Khánh, TP Hạ Long

Một thuở “làng thổ dân giữa lòng thành phố”!

Ngồi trong căn nhà rộng trên 100m2, xây 2 tầng với khá đủ tiện nghi sinh hoạt tại tổ 18, khu 3, phường Hà Khánh, bà Vi Thị Luyến (67 tuổi), người dân tộc Tày, nhớ lại, hơn chục năm trước, Làng Khánh thuộc địa giới xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn là “lãnh địa” khai thác than trái phép.

Để vào được Làng Khánh thời điểm ấy, cách thuận lợi nhất là đi thuyền theo dòng sông Bang, vượt lên sông Diễn Vọng rồi cập vào bờ toàn lau sậy um tùm, đầy rẫy những bến tạp tập kết than lổn nhổn xít thải và gỗ trống, gỗ chèn lò bị hỏng.

Còn đi đường bộ thì cực kỳ khó khăn do tuyến đường đất men theo các bãi sú vẹt lầy lội bùn, đất nhão nhoét, nếu gặp thủy triều lên thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Khó khăn là thế, nhưng Làng Khánh lại được ưu ái nằm ở thung lũng, nơi tiếp giáp với sông Diễn Vọng và các dãy núi phía Bắc của TP Hạ Long, nên nhờ sự kiến tạo của địa chất mà trở thành vùng đất được ưu ái nhiều vỉa than có phẩm cấp khá cao.

Nhìn thấy sự “màu mỡ” này, các đối tượng khai thác than lậu kéo về làng Khánh. Tiếng nổ mìn, tiếng ô tô ầm ã suốt đêm ngày. Những vạt rừng nguyên sinh đầy gỗ tự nhiên nhiều năm cung cấp sinh kế cho bà con bị đốn hạ làm gỗ chống, gỗ chèn; những thửa ruộng đang canh tác hoa màu tốt tươi bị cày bới, xới lộn để mở lò khai thác than trái phép khiến cho nhiều khu vực bị lún, sập nham nhở.

“Lạ lùng, dù người dân Làng Khánh sở hữu nhiều đất đai, nhưng khi hoạt động than trái phép diễn ra, bà con đều phải đi làm thuê, làm mướn cho những “ông chủ” có máu mặt từ nơi khác kéo về. Cuộc sống ngày ấy, thấp thỏm lo âu lắm”, bà Luyến nhớ lại.

Những người lớn tuổi ở Làng Khánh vẫn còn nhớ, thời ấy, nổi lên là ông H. từ trung tâm TP Hạ Long về đã thâu tóm hầu như toàn bộ các vỉa than để khai thác trái phép.

Ông H. yêu cầu người dân thực hiện “2 không” (không biết, không làm) và xây dựng hệ thống “vệ tinh” quan sát khá tinh vi các hành động bất thường. Chỉ cần có người lạ vào địa bàn là lập tức báo cáo về cho ông H. biết để xử lý ngay. Những người không tham gia làm thuê cho ông H. luôn bị chèn ép, sống rất khó khăn.

Người thân anh Q. (anh Q. vừa mất do ung thư) - nhà ở bên kia sông, đối diện làng Khánh kể, hơn chục năm trước, anh Q. có bến thu mua than trái phép và có một số tàu nhỏ chở than, nên đã tìm vào Làng Khánh. Anh Q. ra giá thu mua khá cao so với một số đối tượng đang làm ăn ở đây.

Chiều hôm ấy, trên đường từ Làng Khánh về, anh Q. bị bắn một mũi tên sắt găm đúng vào dây lưng. Từ đó, anh Q. tuyệt nhiên không nói đến chuyện vào mua than nữa.

Câu chuyện nổi tiếng và đau lòng ở Làng Khánh liên quan đến tranh chấp than từng “dậy sóng” cả nước là vụ việc bắn nhau làm 6 người chết và 1 người bị thương cách đây 13 năm.

Kết quả điều tra, vụ án mạng trên là do một nhóm đối tượng ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh được phép vào khu vực trên vét được khoảng 10 tấn than rơi vãi và tập trung số than tại khu vực này. Nhóm 7 người thương vong kia vào ăn trộm số than trên để bán, khi vừa bán xong thì bị bắn chết.

An cư trong những căn nhà giữa phố

img

Gia đình bà Tạ Thị Mai sống trong căn hộ khá đầy đủ tiện nghi

Những ngày đầu tháng 7, PV Báo Giao thông ngược đường từ TP Cẩm Phả qua phường Quang Hanh rồi vào Làng Khánh theo đường bê tông vận chuyển của một số đơn vị thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Làng Khánh giờ là những mảng vườn, đồi xanh mướt mát bóng cây, không khí yên bình với việc không có xe tải chở than qua lại. Người dân an tâm làm ăn, không còn nỗi lo về tình hình mất an ninh trật tự bởi nạn khai thác than trái phép.

Bà Luyến vui vẻ kể: “Có được cuộc sống như hôm nay, vợ chồng tôi cứ ngỡ mình mơ. Các lò than lậu bị cơ quan chức năng đánh sập dần. Khoảng hơn chục năm trước, thực hiện dự án giải phóng mặt bằng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Hà Khánh, gia đình tôi được nhận hơn 1 tỷ đồng đền bù và được bố trí đất tái định cư”.

Ông Hoàng Văn Thụ, chồng bà Luyến chen vào: “Tôi có 3 đứa con, sau khi nhận tiền, tôi chia cho mỗi đứa một ít rồi xây căn nhà này hơn 700 triệu đồng. Cuộc sống hiện nay an hưởng tuổi già, mãn nguyện lắm rồi”.

Kế bên nhà bà Luyến là nhà ông Tô Sìn, Trưởng thôn Làng Khánh. Bà Tạ Thị Mai, vợ ông Khánh kể: “Dự án di dân được manh nha từ năm 2004. Ban đầu, bà con tâm tư lắm! Họ sợ cũng phải. Vì đang sinh sống ở đồng đất mênh mông nay lại ra phố ở trong căn nhà chưa đầy 100m2, đất đai canh tác không có, người chết không biết chôn cất thế nào cho hợp tập tục. Ông nhà tôi lúc bấy giờ phải nhiều ngày, nhiều đêm đến từng hộ để vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu, đồng thuận. Dần dà, bà con cũng tin theo…”.

Theo ông Tô Sìn, thời gian qua có hơn chục hộ dân ở Làng Khánh đã nhận tiền đền bù, người thì nhận đất tái định cư xây nhà ở tổ 18, khu 3, phường Hà Khánh, người thì nhận đất xong bán cho người khác. Hiện nay, Làng Khánh vẫn còn gần chục gia đình xây dựng nhà cửa khá khang trang, sống dựa vào nhau như trước đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.