Cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn vui mừng gặp lại đồng đội cùng chiến đấu trên xe tăng K63 ngày 30/4/1975 |
Viết đơn bằng máu xin nhập ngũ
Gặp cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn vào những ngày cuối tháng 4/2018, trong căn phòng ấm cúng nằm ở một con ngõ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Phòng. Ấn tượng đầu tiên là ở những nơi trang trọng nhất, chủ nhân dành để treo các bằng khen, giấy khen của các cấp sở, ban, ngành từ thời chiến tranh đến giờ.
Ông chia sẻ, mỗi tấm giấy khen, bằng khen đều là những mốc thời gian, đánh dấu những chặng đường đã đi qua, vừa lưu giữ kỷ niệm, vừa là lời nhắc nhở bản thân ông bất cứ khi nào cũng phải sống, làm việc cho xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ.
“Năm 1970, tôi viết đơn bằng máu và phải buộc chì vào chân để đủ cân nhập ngũ với bạn bè cùng trang lứa ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng khi mới 18 tuổi”, ông Đoàn mở đầu câu chuyện.
Cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn sinh năm 1952 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhập ngũ tháng 8/1970. Tháng 8/1979 chuyển ngành, học nghiệp vụ tại trường Lao động Tiền Lương 1 Bộ Lao động, sau đó học Đại học Hàng Hải. Hiện nay, cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Cụm trưởng Cụm 2 (Đông Nam Đồng bằng Bắc bộ); Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP Hải Phòng, Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh TP Hải Phòng; Giám đốc Xí nghiệp Vận tải 273 Hải Phòng. |
Khát vọng được cống hiến, được chiến đấu diệt thù là sức mạnh tinh thần giúp chiến sĩ trẻ Nguyễn Trần Đoàn vượt qua mọi bài tập, chương trình huấn luyện để trở thành bộ đội xe tăng năm 1971 và trưởng xe tăng K63 (thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Xe tăng 273) năm 1974.
Sau hơn 40 năm, nhớ lại những trận chiến ác liệt giữa ta và địch khi đơn vị xe tăng của ông vượt ngang qua Đồng Dù, xông lên QL22 rồi đánh vào căn cứ Hóc Môn, tiến về khu vực Bà Quẹo, trại lính dù Hoàng Hoa Thám, ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Bộ Tổng tham mưu ngụy... Ông Đoàn bảo, không thể nào quên vì nó như từng thước phim hằn trong đầu ông.
Hôm ấy, đúng 5h5 ngày 29/4/1975, có lệnh xuất phát. Xe tăng và xe thiết giáp K63 xếp hàng dài xen kẽ nhau cắt đường, tiến thẳng qua Đồng Dù. Đoàn quân ta hùng dũng tiến thẳng lên QL22 mặc cho pháo kích của địch gầm rít trên đầu. “Ít giờ sau, chúng tôi tập kích phía sau, tiêu diệt đoàn xe của địch, một số xe tháo chạy xuống ruộng bị lật nghiêng, đổ ngửa. Vượt qua cầu Bông chúng tôi đánh về căn cứ Hóc Môn rồi đến ngã ba Bà Quẹo, khoảng 21h thì được lệnh dừng xe”, ông Đoàn kể.
Sáng sớm 30/4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu Bộ Tư lệnh dù, Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Ngay sau đó, các xe tăng và đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ đột phá dũng mãnh tiến thẳng về hướng ngã tư Bảy Hiền. Thế nhưng, từ đêm hôm trước, địch đã tập trung Tiểu đoàn 8 (lính dù) chốt chặn, chúng huy động tối đa xe tăng và các loại hỏa lực còn lại để cản đường tiến của quân ta. Bởi vậy, quân ta mới chỉ tiến được chưa đầy 500m đã gặp địch chống trả.
“Ngồi trên xe tăng, qua ống kính, tôi phát hiện các loại vũ khí chống tăng và các loại súng của chúng bắn như đổ đạn vào đội hình của ta. Nhiều xe tăng địch và cả xe tăng của ta bị bắn cháy, bắn hỏng, tiếng đạn pháo trong xe tăng chốc chốc lại nổ, kèm theo những đụn khói bốc cao. Cạnh đó, cũng có nhiều chiến sĩ bộ binh của ta ngã xuống, những tốp cứu thương đang hối hả khênh vác thương binh và làm công tác tử sĩ. Gần cả tiếng đồng hồ mà đội hình cũng chỉ tiến được chưa đầy 1km. Ta và địch giành nhau từng ngôi nhà, từng ngõ phố”, ông Đoàn bồi hồi nhớ lại.
Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, chiếc xe đang dũng mãnh xông lên thì Nguyễn Trần Đoàn thấy nhói đau bên trái, nhìn sang thấy cánh tay trái bị đạn của địch tiện còn lủng lẳng một chút thịt. Nín đau, anh dùng dao cắt phăng cánh tay trái, đồng đội xé áo băng tạm cho anh. Sau đó, Trung úy Đoàn tiếp tục dùng tay phải kẹp súng AK bắn trả địch. Rồi anh ngất đi do mất máu quá nhiều. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang trong trạm xá quân y.
Giàu lòng nhân ái
Reng, reng… tiếng chuông cửa cắt ngang dòng ký ức của ông Đoàn. Vừa mở cửa, ông Đoàn vừa nói to vui mừng: “Hòa à!”. “Tôi đến hỏi chương trình về nguồn và tri ân tháng 7 tới như thế nào?”, CCB Trần Đức Hòa, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân CCB Hải Phòng, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Thuận Thiện Phát trả lời.
Khi biết chúng tôi là phóng viên Báo Giao thông, ông Hòa vui vẻ cho biết: “Anh Đoàn thực hiện rất tốt công tác tri ân, chăm sóc gia đình chính sách. Vừa rồi, anh Đoàn tặng bà Nguyễn Thị Doan, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng căn nhà tình nghĩa tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Vợ chồng bà là bộ đội phục viên nghèo, lại có hai cô con gái bị bệnh. Hoàn cảnh rất khó khăn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi năm, Xí nghiệp Vận tải 273 của ông Đoàn trích ra hàng trăm triệu đồng cho công tác xã hội như xây nhà tình nghĩa, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà người nghèo, gia đình chính sách.
Để có thể giúp đỡ được mọi người như ngày hôm nay là một chặng đường phấn đấu đầy gian khó của ông Đoàn. Rời quân ngũ về quê hương, hoàn cảnh gia đình ông cũng khó khăn như biết bao gia đình ngày bấy giờ. Bố mất, mẹ già và đàn em nheo nhóc sống trong một căn nhà mái lợp lá mía cũ nát, nắng soi cháy mặt, mưa ướt hết đầu. “Lúc đó, tôi cũng túng quẫn. Nhưng tôi nghĩ: Tuy mình không còn sức lao động, nhưng mình còn đầu óc. Tri thức tuy vô hình nhưng lại làm nên vật chất là thứ hữu hình”, ông Đoàn bộc bạch.
Với bản lĩnh người lính thương binh, ông Đoàn đã tự học để thi đỗ Học viện Tài chính Hà Nội và rồi vết thương tái phát khiến ông lỡ dở việc học năm đó. Không nản chí, người thương binh này xin đi học nghiệp vụ tại trường Lao động Tiền Lương 1 - Bộ Lao động năm 1979 và sau đó học tiếp văn bằng hai tại Đại học Hàng Hải.
Học xong, ông Đoàn công tác tại Công ty Công viên cây xanh trực thuộc Sở Nhà đất TP Hải Phòng. Có trình độ và đầy trách nhiệm trong công việc, từ vị trí cán bộ Đội sản xuất, ông Đoàn được cân nhắc lên vị trí điều xe, cán bộ phòng kế hoạch và Chủ nhiệm vườn ươm vào năm 1984.
Nhận thấy lợi thế của vùng đất Hải Phòng, một cảng biển quan trọng, năm 1989, ông Đoàn quyết định chuyển sang ngành vận tải. Hô hào thêm các CCB khác cùng chí hướng, năm 1991, Hợp tác xã vận tải và dịch vụ vận tải đã ra đời. Vượt qua mọi gian khó bước đầu, hợp tác xã vận tải phát triển thành Xí nghiệp Vận tải 273 tạo công ăn việc làm cho hơn 50 người là thương, bệnh binh, CCB và con em của họ.
Khi công việc kinh doanh bắt đầu thuận lợi, doanh thu khá, CCB Trần Đoàn đã kết nối với các doanh nghiệp CCB, xây dựng câu lạc bộ doanh nghiệp CCB với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ và động viên các CCB làm ăn chân chính, xứng đáng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời, giúp đỡ các gia đình chính sách nghèo vượt khó. Đến năm 2008, được sự đồng ý của Đảng bộ, Chính quyền, Hội CCB cùng các cơ quan chức năng thành phố, Hiệp hội Doanh nhân CCB Hải Phòng đã ra đời.
Hiệp hội Doanh nhân CCB Hải phòng dưới sự “chèo lái” của người anh cả Trần Đoàn đã làm tốt nhiều công tác xã hội như xây nhà tình nghĩa cho CCB có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo; tặng học bổng, tạo điều kiện việc làm cho con em CCB; tổ chức các chuyến đi về nguồn, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Tổng trị giá hiệp hội tham gia công tác từ thiện nhân đạo trong 5 năm qua là 11,4 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng năm 2017 là hơn 4 tỷ đồng.
Đánh giá về cựu chiến binh Nguyễn Trần Đoàn, ông Lê Văn Kiểm, Anh hùng lao động, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam chỉ nói ngắn gọn: “Dũng cảm trong chiến đấu, nghị lực mạnh mẽ vươn lên đánh đổ đói nghèo và nhân ái trong tri ân các gia đình chính sách khó khăn, đó chính là phẩm chất rất đáng quý của anh Đoàn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận