img
Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Trong căn nhà nhỏ nằm cuối một con hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông Lương Viết Lợi hồ hởi kể về chuyến hải trình đầy thử thách năm xưa, không quên từng chi tiết nhỏ.

"Tôi sinh ra ở biển nhưng chưa bao giờ được đi biển dài ngày đến thế. Đó là cơ hội để tôi khám phá giới hạn của bản thân cũng như những kỹ năng sinh tồn", ông Lợi kể.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 2.

Ông Lương Viết Lợi kể về quá trình cùng đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương

Năm 1991, ông Lợi lúc đó 30 tuổi, đã lập gia đình, có ba con trai, chuyên bám biển bằng bè mảng để đánh cá.

Khi đó, có một nhà thám hiểm tên là Tim Severin (1940 - 2020, người Ireland) đến Sầm Sơn ngỏ ý muốn nhờ đóng một chiếc bè để đi đến nước Mỹ bằng đường biển. Mục đích là muốn trải nghiệm hành trình cách đây khoảng 2.000 năm, những người châu Á đã tới được châu Mỹ trên chiếc bè mảng đơn sơ.

Sau khi nghiên cứu kỹ về phương thức đi biển của ngư dân ven hai bờ Thái Bình Dương, Tim Severin quyết định đến Sầm Sơn tìm hiểu về chiếc bè luồng của ngư dân dùng để ra khơi đánh bắt hải sản.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 3.

Hải trình mà đoàn thám hiểm đi qua

"Tôi cùng nhiều người có sức khỏe, kinh nghiệm được chọn. Có khoảng 20 thợ đóng chiếc bè dài 10m, rộng hơn 3m và hoàn thành sau ba tuần. Tim Severin cùng 6 ngư dân lên bè chạy thử 4 giờ trên biển. Chúng tôi chạy xuôi rồi chạy ngược, Tim quan sát, ghi chép kỹ lưỡng", ông Lợi thuật lại.

Khi hoàn thành thử nghiệm, ăn bữa cơm chia tay, Tim có hỏi: "Vượt Thái Bình Dương, Lợi có đi được không", ông lập tức nói: "Tim đi được thì Lợi cũng đi được".

"Lúc đó tôi trả lời cho vui vì nghĩ họ là nhà thám hiểm, sao cho mình đi cùng được. Thế mà câu nói đùa đó thành thật khi năm sau, Tim trở lại Sầm Sơn", ông Lợi chia sẻ.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 4.

Tháng 9/1992, Tim quay lại Sầm Sơn với quyết tâm đóng chiếc bè hoàn chỉnh để vượt Thái Bình Dương như dự định. Ông Lợi khi đó vừa đi biển vừa tiếp tục tham gia đóng bè.

Từ khoảng 500 cây luồng được lấy ở huyện miền núi Quan Hóa, nhóm thợ lựa được 320 cây phù hợp làm vật liệu chính kết bè cùng với những thanh gỗ xẻ. 40 thợ làm việc suốt đêm ngày, mỗi ngày được trả thù lao một USD.

Để chiếc bè chịu đựng sức gió và sóng biển, những người thợ Sầm Sơn đã bào sạch lớp vỏ ngoài thân luồng, sau đó ngâm bằng nước lá xoan pha nước vôi để chống mối mọt. Tiếp đến dùng loại sơn được chiết xuất từ cây rừng, quét lên thân luồng để chống thấm.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 5.

Bè mảng Từ Phúc trước khi rời Hồng Kông đến Mỹ

Sau khoảng ba tháng, chiếc bè luồng dài hơn 18m, rộng 4,6m, nặng khoảng 4 tấn kết bằng ba lớp luồng hoàn thiện. Những cây luồng được chằng buộc hoàn toàn bằng dây mây và lạt tre. Đội thợ đã dùng hết 46km dây mây, buộc hơn 3.000 mối. Bè còn được thiết kế thêm các khoang ngủ cho thủy thủ đoàn, chỗ để lương thực, bếp nấu...

Bè luồng được hạ thủy ngày 16/3/1993. Để đưa nó xuống nước, hàng trăm người vừa kéo, vừa đẩy. Mất chừng 8 tiếng, bè mới trườn ra khỏi bờ. Tim Severin sau đó thuê tàu kéo bè ra Quảng Ninh để lắp cánh buồm, hoàn thiện những chi tiết cuối cùng. Công đoạn ở Việt Nam kết thúc vào ngày 10/4/1993.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 6.

Lúc biết mình được Tim chọn tham gia cùng đoàn thám hiểm, ông Lợi chạy về báo tin cho vợ con. Người thân ra sức can ngăn vì lo chuyến đi dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Nguyễn Thị Mọc, vợ ông Lợi kể: "Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng cuối cùng không ai cản được ông ấy".

Chiếc bè luồng sau khi hoàn thiện ở Quảng Ninh được Tim thuê tàu chở đến Hồng Kông - nơi đoàn thám hiểm chọn làm điểm xuất phát đi Mỹ.

Theo ông Lợi, trưởng đoàn Tim và các kỹ sư đã tính toán để vượt qua hải trình khoảng 6.400 dặm đến Mỹ, mỗi người cần mang theo một tấn lương thực, nhu yếu phẩm, trong đó chủ yếu là nước ngọt.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 7.

Chiếc bè được làm từ 500 cây luồng lấy ở huyện miền núi Quan Hóa

Ngày 17/5/1993, đoàn thám hiểm xuất phát từ cảng Aberdeen, gần đảo Po Ti ở phía Nam Hồng Kông. Ông Lợi cùng những nhà thám hiểm lên chiếc bè luồng, cắm cờ Việt Nam và Ireland, giong buồm bắt đầu hành trình. Trên chiếc bè có 5 người, Tim là đoàn trưởng, ông Lợi được giao làm lái trưởng.

"Ban đầu, tôi nói chuyện với thủy thủ đoàn bằng cử chỉ. Tim sau đó đưa một cuốn từ điển và giao cho Joe kèm tôi học tiếng Anh. Chỉ sau một tháng, vốn ngoại ngữ của tôi đã khá", ông Lợi nhớ lại.

Đoàn thám hiểm học cách sinh tồn trên bè mảng với không gian chật hẹp. Tim dự kiến mất 7 - 10 ngày để bè đến chặng đầu tiên là đảo Đài Loan. Thế nhưng, những ngày sau đó, bè gặp bão, không thể cập đảo vì sóng lớn.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 8.

Ông Lương Viết Lợi kể về hải trình đoàn thám hiểm đi qua

Tim sau đó quyết định không vào Đài Loan mà đến quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Vào đảo thay cột buồm, chất đầy lương thực, ngày 5/8 đoàn lại lên đường, hướng tới vùng biển San Francisco, Mỹ. Tim dự kiến mất thêm chừng 90 ngày để vượt 4.500 dặm.

Tiếp tục hành trình, bè mảng đã chống chọi bốn cơn bão biển, hai lần gặp hải tặc, nguy hiểm nhất là lần suýt bị tàu vận tải tông trúng.

Ngày thứ 103 sau khi rời Nhật Bản, thủy thủ đoàn phát hiện một số cây luồng bị tuột khỏi bè, các sợi dây mây cũng không còn chắc chắn. Đúng lúc đó, dự báo một cơn bão lớn đang hình thành. Tim quyết định liên lạc với lực lượng tuần duyên Mỹ để nhờ di tản họ khỏi bè, bảo đảm an toàn cho thủy thủ.

Ngày 16/11/1993, sau khi đã đi được 5.500 dặm và chỉ cách bờ Tây nước Mỹ khoảng 900 dặm, đoàn thám hiểm phải rời bỏ bè mảng, lên tàu quay trở lại Nhật Bản. Chiếc bè sau đó trôi dạt trên đại dương mênh mông và không ai còn nhìn thấy nó lần nào nữa, sau hành trình 105 ngày.

Sau bữa tiệc chia tay gọn nhẹ, ông Lợi lên máy bay trở về Việt Nam với khoản thù lao 1.400 USD. Sau chuyến đi, ông bỏ nghề đi biển, mua xe máy chạy xe ôm, rồi đi làm phiên dịch cho một số khách sạn.

Ký ức người lái bè vượt Thái Bình Dương- Ảnh 9.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.