Showbiz

Ký ức nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn về ca khúc Đường tàu mùa xuân

09/09/2018, 07:22

Tôi không ngờ bài hát có sức sống lâu bền đến vậy, nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn chia sẻ.

29

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

Trong thời gian hoạt động cách mạng, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã có nhiều bài hát được nhiều người biết đến như: Qua sông (1963), Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (1968), Chuyển gạo (1969)… Đặc biệt, một bài hát mà chính ông cũng không ngờ sức sống của nó lâu bền đến vậy, đó là bài Đường tàu mùa xuân. Năm 2015, bài hát từng được bình chọn là một trong 10 ca khúc hay nhất về ngành GTVT, do Bộ GTVT tổ chức.

Sự khốc liệt của chiến tranh

Ở tuổi 72, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn lướt web và chơi facebook một cách thành thạo. Tiếp chúng tôi vào một chiều cuối tháng 7, ông bảo, thi thoảng ông vẫn nhận lời đi dạy nhạc, chấm thi. Nghe danh nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, ít ai biết tên thật của ông là Phạm Văn Thành. Năm 1960, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia Mặt trận giải phóng dân tộc Việt Nam, lấy bí danh Phạm Minh Tuấn.

Nhạc sĩ nhớ lại, một ngày của năm 1964, khi ông đang cùng đoàn văn công giải phóng trở về bằng ghe sau chuyến đi biểu diễn tại Củ Chi, Trảng Bàng, Long An, Mỹ Tho và Bến Tre thì gặp ca nô của địch đi tuần trên sông. “Chúng tiến tới gần, chĩa súng về phía đoàn. Chỉ đến khi không phát hiện thấy vũ khí chúng tôi mới an toàn trở về đến Mỹ Tho”, nhạc sĩ nhớ lại và cho biết, đó là chuyến đi kỷ niệm vì vừa hồi hộp, vừa thử thách tinh thần khi đứng giữa sự sống và cái chết.

Cũng thời điểm ấy, vợ ông đưa con gái 6 tháng tuổi về nhà ngoại để nhờ chăm sóc hộ vì trên rừng thiếu thốn và cuộc sống khắc nghiệt, phải chạy càn liên tục. Trên đường hành quân, bất ngờ đoàn 18 cán bộ cùng 3 phụ nữ lọt ổ phục kích của địch.

Nghe tiếng súng, em bé khóc. Để không phát ra tiếng động, vợ ông đã nằm rạp xuống và ấn vú cho con bú. Khi tiếng súng tắt, nhìn xuống thì bé đã tắt thở vì ngạt... 18 cán bộ trốn thoát, vợ ông cùng hai người phụ nữ còn lại bị bắt đưa về Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn để tra khảo, đứa bé được du kích chôn. Đó cũng chính là ký ức đau khổ nhất với nhạc sĩ, khi đứa con nhỏ của ông mất ngay trong vòng tay mẹ. Đến tận bây giờ, ông vẫn chưa tìm ra nơi chôn cất con gái mình.

Sự khốc liệt của chiến tranh còn hằn in trong tâm trí người nhạc sĩ già. Tháng 11/1966, B52 rải thảm khắp miền Nam, trong đó có căn cứ của đoàn văn nghệ giải phóng ở ven vùng núi tỉnh Tây Ninh. Một trái bom đã trút xuống trúng hầm trú ẩn của soạn giả Trần Hữu Trang. Phạm Minh Tuấn cùng đồng đội phải tìm mọi cách gom những mảnh xác của vị soạn giả đem về khâm liệm.

Rồi một ngày gần Tết Nguyên đán năm 1967, đoàn về vùng ven Hóc Môn để biểu diễn. Đang biểu diễn thì bất ngờ có tiếng súng bắn vào sân khấu. Đoàn của địch gồm nhiều xe chuyên dụng tiến lại gần và xả súng. Nhiều người dân của một số chiến sĩ của ta bị giết. Cả đoàn tháo chạy tán loạn và được người dân chỉ đường, luồn lách về căn cứ cách đó vài cây số.

Bài ca nở hoa giữa bom đạn

Trải qua những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy trên chiến trường khốc liệt, chàng chiến sĩ văn công Phạm Minh Tuấn thời đó có nhiều cảm xúc để viết nên những bài hát mang đậm tinh thần kháng chiến, cổ vũ nhân dân.

19 tuổi, ông đã sáng tác bài hát đầu tiên mang tên Tiếng hát dân công khi đang ở chiến khu Đ miền Đông Nam bộ. Bài hát ca ngợi những thanh niên xung phong đi tiếp tế lương thực, tải đạn và sau này được ghi hình theo quyết định của Bộ Chính trị.

Dù chưa phải nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng trong thời gian hoạt động tại chiến khu, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn cho ra đời nhiều bài hát như: Qua sông (1963), Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (1968), Chuyển gạo (1969)… Các bài hát được gửi cho Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam qua đường giao liên Trường Sơn hoặc qua Thông tấn xã giải phóng để kịp thời dựng bài, phục vụ chiến đấu.

Trong số những bài hát nổi danh, Qua sông là bài hát ông nhớ nhất khi cảm xúc được cất lên trong chuỗi ngày ông hành quân từ căn cứ đi học qua một xóm nhỏ, bắt gặp những cô gái lái đò chở bộ đội hành quân. Chỉ trong một tuần, bài hát được hoàn thành và gửi bằng đường giao liên ra miền Bắc. Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu thanh và phát vào đúng dịp Giao thừa năm 1965, sau lời chúc Tết của Bác Hồ.

“Ở chiến trường, tôi và nhiều người được nghe bài hát qua một chiếc radio nhỏ ngay trong lúc hành quân. Tôi xúc động vô cùng vì không thể ngờ nó lại được hát vào một đêm thiêng liêng như vậy”, ông bộc bạch.

Một bài hát đặc biệt nữa mà chính ông cũng không ngờ sức sống của nó lâu bền đến vậy, đó là Đường tàu mùa xuân. Năm 1974, ông cùng nhiều đồng đội hành quân từ miền Nam ra Bắc. Khi qua Quảng Trị, ông gặp rất nhiều đoàn nữ TNXP làm nhiệm vụ mở đường. Họ đều rất hồ hởi và nhiệt tình làm nhiệm vụ. Lúc đó, ông cảm thấy vô cùng xúc động và liên tưởng, nếu như đất nước thống nhất thì chính những con người này - những cô gái luôn vui vẻ và tràn đầy tinh thần lạc quan này sẽ là những con người xung kích giúp thống nhất hai miền Bắc - Nam.

Thời gian sau đó, khi đi trị bệnh ở Bệnh viện K2 trở về miền Nam tiếp tục học tập, ông quên bẵng đi hình ảnh những cô gái mở đường năm nào. Năm 1976 khi chuẩn bị khánh thành đường sắt thống nhất Bắc - Nam, những cảm xúc cũ lại ùa về. Lập tức, ông bắt tay vào viết bài hát và hoàn thành Đường tàu mùa xuân trong thời gian rất ngắn.

Lúc ấy, NSND Quốc Hương đang sống cùng nhà với ông, đã động viên ông và dặn: “Viết bài này xong thì để anh hát trước nhé”. Và Quốc Hưng chính là người đầu tiên thể hiện ca khúc, mang tới một tinh thần lạc quan, phấn chấn về hình ảnh những cô gái TNXP mở đường, tạo tiền đề cho đường tàu thống nhất Bắc - Nam.

Dù đã có nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện bài hát này, nhưng với vị nhạc sĩ già, ngoài nghệ sĩ Quốc Hương thì chỉ có hai người mà ông ấn tượng nhất, đó là NSƯT Tô Lan Phương và NSND Thanh Hoa. Mỗi người một vẻ nhưng họ đều đưa bài hát đến gần hơn với công chúng để đến gần nửa thế kỷ trôi qua, bài hát vẫn sống trong lòng người hâm mộ.

Mặc dù, số tiền tác quyền cho bài hát không được bao nhiêu nhưng với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, ông tâm niệm: “Hạnh phúc nhất của người sáng tác là viết ra một bài hát mà được công chúng công nhận. Thời đó, tôi không nghĩ bài hát đó có sức sống lâu bền như vậy. Được hát nhiều là vui rồi”. Năm 2015, ca khúc Đường tàu mùa xuân từng được bình chọn là một trong 10 ca khúc hay nhất về ngành GTVT, do Bộ GTVT tổ chức. 

Đường tàu mùa xuân

Năm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường Sơn đồi núi trập trùng
Năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống
Tự hào nào bao cô gái
Tự hào nào những chàng trai
Tuổi thanh niên sức như Phù Đổng
Cháu con của Bác Hồ
Đi mở đường tàu thống nhất quê hương
Bạn ơi đã bao ngày bao đêm gian nan
Tay cuốc nhịp nhàng
Để tàu ta xuôi Nam ngược Bắc
Và người thương về với người thương
Bạn ơi chúng ta vì tương lai mai sau
Quê mẹ đẹp giàu
Đường tàu ta thắm bao tình nghĩa
Tàu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng
Việt Nam ơi, đường tàu Việt Nam
Đường thống nhất mang sức trẻ mùa xuân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.