Chính trị

Ký ức trận đánh cuối cùng chiếm cầu Sài Gòn

30/04/2019, 07:09

Sau gần 4 ngày chiến đấu tại cửa ngõ Sài Gòn, chốt chặn cuối cùng của quân địch bị đánh tan, mở đường cho quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

img
Cựu binh Nguyễn Đình Chiến, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Huyện đội Thủ Đức và cựu binh Hồ Văn Thắng (thuộc Tiểu đoàn 4) kể lại trận đánh cầu Sài Gòn

Đã 44 năm trôi qua nhưng hình ảnh về trận đánh cuối cùng tại cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn) vẫn còn nguyên trong tâm trí của cựu binh Nguyễn Đình Chiến (nguyên Chính trị viên Đại đội Tiểu đoàn 4) người đã trực tiếp tham gia trận đánh đó.

Điểm nóng tranh chấp quyết liệt

Một sáng đầu tháng 4/2019, qua nhiều mối quan hệ chúng tôi đã liên lạc được với cựu binh Nguyễn Đình Chiến (hiện ngụ tại phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) người tham gia trận đánh cầu Sài Gòn. Là người trực tiếp tham gia những trận đánh khu vực ven đô Sài Gòn, cựu binh Nguyễn Đình Chiến (SN 1950) bồi hồi kể lại: “Tôi sinh ra ở Bến Tre. Ngay từ năm 15 tuổi tôi đã xung phong tham gia cách mạng. Đến năm 1965, tôi được giao nhiệm vụ về đại đội huyện Thủ Đức thuộc Tiểu đoàn 4, nằm vùng tại khu vực vùng bưng 6 xã. Năm 1968, tôi cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 tham gia đánh chiếm cầu Sài Gòn. Tuy nhiên, trận này do lực lượng quân đội Mỹ và quân ngụy phản kích quyết liệt khiến lực lượng ta chịu tổn thất buộc phải rút lui”.

Đại đội của ông Chiến rút về hoạt động phòng ngự tại khu vực ngã tư Bình Thái, Bình Trưng (nay thuộc phường Bình Trưng, quận 2). Trong quá trình hoạt động thường xuyên bị lực lượng Tiểu đoàn 30 biệt động thủy quân lục chiến của Mỹ truy kích quyết liệt tăng cường thả bom, truy quét các cơ sở nhằm phá thế bao vây sát sườn Sài Gòn. “Trong các trận đánh tiểu đoàn đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, diệt nhiều xe tăng. Tuy nhiên, có thời điểm do địch tấn công mạnh gây nhiều tổn thất cho tiểu đoàn, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống. Thời gian sau đó chúng tôi phải tiếp tục phòng ngự củng cố lại lực lượng bám trụ căn cứ vùng bưng 6 xã thực hiện nhiều trận đánh nhằm tiêu hao sinh lực địch…”, ông Chiến mắt đượm buồn khi nghĩ về các đồng đội.

Trận đánh ác liệt mở cửa giải phóng thành đô

img
Cầu Sài Gòn hiện nay đã được mở rộng và xây dựng thêm cầu Sài Gòn 2 nằm cạnh bên

Sau một hồi trầm ngâm, ông Chiến hào hứng kể về trận đánh lịch sử và là trận đánh cuối cùng tại cầu Sài Gòn. Ông nhớ lại: Khoảng 10h sáng 27/4 tôi cùng Đại đội phó, Trung đội trưởng đang nghiên cứu phương án đánh cầu Trao Trảo (nay thuộc quận 9) thì đơn vị nhận lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và được giao tập trung lực lượng đánh cầu Sài Gòn. Ngay sau đó, tất cả các vũ khí, súng đạn AK, B40, súng cối… chôn giấu dưới bùn được móc lên lau chùi sạch sẽ. Đến 17h mọi công tác chuẩn bị hoàn thành và sẵn sàng vào trận. Tối cùng ngày sau khi tập hợp lực lượng chúng tôi lội bộ ra khu vực ngã ba Cát Lái hiệp đồng phối hợp với các đơn vị khác như đặc công, Lữ đoàn 316 đang chuẩn bị đánh cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn.

“Rạng sáng 28/4, tiểu đoàn chia thành 2 mũi tiếp cận mục tiêu, một đồng chí dùng súng B41 nổ súng bắn sập lô cốt mở màn cho trận đánh chiếm giữ cầu Sài Gòn. 30 phút sau lệnh tấn công, ta đã tiêu diệt chốt tiền tiêu tại cầu Đen (quận 2 - PV) diệt 6 tên, thu vũ khí và phát triển đánh thẳng về cầu Sài Gòn. Khi đến sát chân cầu đạn từ 2 cây súng đại liên bắn rã xuống. Lúc này lực lượng phải bắn chi viện cho một mũi triển khai hướng tấn công băng qua xa lộ xuống dưới dạ cầu tấn công. Sau khoảng 15 phút đơn vị đã chiếm được phần đầu cầu phía quận 2, bắt được tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Đến khoảng 20h địch bị dồn vào thế chân tường tập hợp nhiều ca nô, máy bay… phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt đêm với nhiều đợt giằng co quyết liệt kéo dài nhiều giờ căng thẳng…”.

Sáng hôm sau địch dùng ca nô chuyển một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến từ Tân Cảng sang khu vực An Khánh dàn đội hình đánh trả quyết liệt. Đơn vị dựa vào các lô cốt và công sự chờ địch đến gần dùng 2 khẩu đại liên thu được và hỏa lực đánh trả mạnh mẽ. Chiều cùng ngày hỏa lực tàu từ Tân Cảng cùng hỏa lực phi pháo tập trung đánh quyết liệt vào khu vực đầu cầu, tiểu đoàn cho lùi về hướng Thảo Điền trụ lại đến 22h đêm 28/4 rời khỏi trận địa. Sau nhiều giờ bám trụ cả tiểu đoàn vui mừng khi 10h sáng 30/4 xe tăng của ta vượt qua cầu Đồng Nai rồi tiến thẳng vào Dinh Độc Lập giải phóng hoàn toàn miền Nam.

img
Cựu binh Lê Thị Liên

Cũng nhớ lại trận đánh cuối cùng chiếm cầu Sài Gòn, cựu binh Lê Thị Liên (SN 1949, biệt danh Mai Liên, ngụ phường Phú Hữu, quận 9) xúc động kể lại: “Trong trận này tôi và 2 chiến sĩ khác trực tiếp bắn nhiều phát súng cối khi mở màn trận đánh làm rung động khu vực cầu Sài Gòn nhằm áp đảo tinh thần đối phương. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 chiến đấu ngoan cường giằng co quyết liệt bám trụ từng vị trí đợi quân chủ lực tiến qua cầu Sài Gòn”, bà Liên nhớ lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.