Xã hội

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy

03/05/2024, 09:41

Sau khi đặt tên đường Đặng Bá Hát, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng công viên Đặng Bá Hát nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân đại đội anh hùng từng dũng cảm bảo vệ phà Bãi Cháy, cảng than... thời kháng chiến.

Ký ức về một thời đạn lửa hào hùng

Bà Phạm Thị Thúy, ở tổ 8, khu 2B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long là một trong những nữ chiến sỹ thuộc Đại đội 34 pháo cao xạ 37mm (gọi tắt là Đại đội 34), thuộc Tiểu đoàn tự vệ Bến Hồng Gai - một trong những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ bến phà Bãi Cháy, cảng than, vịnh Hạ Long, nhà máy... trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc.

Đại đội trưởng Đại đội 34 là anh hùng Đặng Bá Hát, người đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến bảo vệ phà Bãi Cháy và hệ thống cảng than, vịnh Hạ Long, nhà máy...

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy- Ảnh 1.

Giây phút trận địa của Đại đội pháo 34 pháo cao xạ im tiếng bom, lặng tiếng súng (ảnh do bà Thúy cung cấp).

Tuy đã 74 tuổi, như bà Phạm Thị Thúy còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và nhớ rất rõ từng chi tiết cùng đồng đội chiến đấu chống máy bay Mỹ đánh phá TX Hòn Gai cách đây tròn 52 năm.

Bà Thúy kể: Cuối tháng 8/1960, Xí nghiệp Bến Hòn Gai được thành lập, Đội Tự vệ của Xí nghiệp cũng ra đời. Năm 1968, Đại đội 34 được thành lập thuộc Xí nghiệp Bến Hòn Gai, gồm có 4 khẩu đội pháo với biên chế 44 người do Đặng Bá Hát làm đại đội trưởng. 

"Cán bộ, chiến sỹ Đại đội 34 là các công nhân làm việc ở các phân xưởng, nhà máy, nhà sàng, than luyện, hỏa xa... Trận địa pháo đặt trên một mỏm đồi cao có nhiệm vụ phối hợp bảo vịnh Hạ Long, bến phà Bãi Cháy, hệ thống cảng than, nhà máy sàng tuyển, vận tải, bốc rót...", bà Thuý nhớ lại.

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy- Ảnh 2.

Bà Thúy mô tả về trận đánh trên trận địa.

Theo bà Thuý, Đại đội 34 đóng quân ở tận đồi cao, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đã liên tục giành những chiến công. Chỉ tính từ tháng 5 đến tháng 10/1972, Đại đội 34 đã bắn hạ một máy bay F4 và một máy bay F8, đánh 37 trận, tháo gỡ 104 quả bom, phá hơn 2.500 quả bom của đế quốc Mỹ ném xuống địa bàn.

Tham gia nhiều trận chiến đấu với máy bay Mỹ, nhưng bà Thuý vẫn nhớ, ác liệt nhất, thương vong nhiều nhất là trận ngày 12/7 của 52 năm trước.

Hôm ấy, sau vài lượt máy bay trinh sát của địch, đến khoảng 15h45, tất cả các đài quan sát đều bắt được mục tiêu: Có 16 chiếc máy bay Mỹ từ hướng đông nam theo đường Khe Cá lên bắc Bàng Danh (mỏ Hà Tu) ở TP Hạ Long, rồi quay ngoắt lại đánh vào Nhà máy Nước ngọt. Đồng thời, 22 chiếc máy bay lao thẳng từ hướng đông đánh thẳng vào bến phà Bãi Cháy. Cùng lúc ấy, từ hướng đông nam TX Hòn Gai, có 2 chiếc máy bay địch lao tới đánh thẳng vào trận địa…

"Hôm ấy, trên trận địa, các khẩu pháo do Đại đội trưởng Đặng Bá Hát trực tiếp chỉ huy đã bắn trả máy bay địch. Cả trận địa rung chuyển, khói bụi mịt mù, chiếc máy bay F4H bị bắn trúng bổ nhào xuống bến phà, cách trận địa khoảng gần 2km. Nó chòng chành giây lát, rồi tăng độ cao, cố chuồn ra biển, nhưng vừa bay qua Cửa Giữa thì máy bay bùng cháy, rơi xuống biển", bà Thúy hào hứng kể.

Kết thúc trận đánh hôm ấy, dù đánh cho máy bay địch tơi tả, nhưng 28 cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 34 thương vong, trong đó có 5 người hy sinh tại chỗ.

"Thương nhất là hình ảnh Đại đội trưởng Đặng Bá Hát nhoài người trên chiến hào, căng mắt theo dõi máy bay địch để chỉ huy đánh trả bất chấp bom rơi, đạn nổ chát chúa quanh mình. Anh Hát bị thương nặng và hy sinh vào lúc 16h40 cùng ngày khi trên tay vẫn cầm cờ lệnh. Còn anh Nguyễn Xuân Nức hy sinh khi dang dở lời hứa sẽ cưới chị Nhuần, chiến sỹ thông tin cùng đơn vị", đôi mắt bà Thúy đỏ hoe kể.

Những ân tình của quê hương, đồng đội

PV Báo Giao thông đã đến thăm gia đình Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát ở tổ 12, khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long.

Chị Nguyễn Thị Hòa, con dâu liệt sỹ Đặng Bá Hát cho biết: "Nghe mẹ chồng kể lại, khi nghe đồng đội báo tin dữ, mẹ chồng tôi đang cùng các con nhỏ sơ tán trong hang núi cách đó không xa, bà quỵ xuống. Lúc đó, chồng và các chị em chồng tôi còn nhỏ dại".

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy- Ảnh 3.

Những đồng đội quây quần bên mộ phần Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát.

Đại đội trưởng Đặng Bá Hát được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1995. Ngày 30/10/1996, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định quy hoạch xây dựng khu di tích lịch sử cấp quốc gia trận địa pháo 37mm với diện tích 20.677m2. 

Ngày 5/11/1997, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Xếp hạng trận địa pháo cao xạ 37mm trên đỉnh Ba Đèo mỏm đồi 104, là Di tích lịch sử Quốc gia và tuyến đường lên trận địa xưa đã được chính quyền đặt tên là Đặng Bá Hát. 

Năm 2006, tên của Đại đội 34 được đổi thành Đại đội Đặng Bá Hát, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai ngày nay.

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy- Ảnh 4.

Một tuyến đường ở TP Hạ Long được đặt tên Đặng Bá Hát.

"Mẹ chồng tôi nay tuổi đã cao, sức đã yếu, trí nhớ không còn minh mẫn, mấy hôm nay đang sang ở bên nhà con gái. Nhưng điều mà gia đình tôi xúc động nhất là mỗi khi giỗ bố Hát, các chú, các bác trong đơn vị đều tề tựu đông đủ; những khi có chuyện vui, chuyện buồn trong Ban Liên lạc Đại đội, cả đơn vị đều chung tay chia sẻ, giúp đỡ", chị Hòa cho hay.

Một trong những ân tình của vùng Mỏ đối với Đại đội Đặng Bá Hát là mới đây đã tiến hành quy hoạch đồi Đặng Bá Hát làm công viên phục vụ du lịch nhằm giáo dục truyền thống. Dự án sẽ được TP Hạ Long đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Ký ức về đại đội anh hùng bảo vệ bến phà Bãi Cháy- Ảnh 5.

Phối cảnh công viên đồi Đặng Bá Hát ngày nay - nơi trận địa ác liệt năm xưa.

Ông Hà Hữu Trọng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long cho biết: Theo quy hoạch thì thành phố dự kiến sẽ cải tạo, chỉnh trang khu vực dân cư tuyến đường đồi Đặng Bá Hát (thuộc phường Hồng Gai và phường Yết Kiêu) hình thành tuyến phố đi bộ khang trang, hiện đại, phù hợp với địa hình tự nhiên, chỉnh trang tuyến kè chân đồi tạo điểm nhấn phát triển du lịch. 

"Chúng tôi rất mừng là chính quyền đã đầu tư rất lớn cho dự án công viên tại nơi trận địa ác liệt năm xưa. Nhưng vẫn thương gia cảnh con cháu anh Hát. Hiện con trai anh Hát đang phải điều trị tại bệnh viện tâm thần, cháu nội tốt nghiệp trường Đại học Mỏ Địa chất nhiều năm nay nhưng chưa xin được việc, gia cảnh khá khó khăn…", bà Thúy tâm sự.

Cùng với đó, sẽ thiết kế các khu cây xanh và công viên, cảnh quan dọc tuyến đường Đặng Bá Hát với diện tích trên 60.000m2; xây dựng một số biểu tượng làm điểm nhấn kết hợp với đường dạo, điểm "check in" chính cho du khách. Hệ thống dịch vụ, vệ sinh cũng được thiết kế hài hòa với không gian khu vực…

"Hiện công tác quy hoạch công viên đồi Đặng Bá Hát đã hoàn thành, cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục đầu tư. Quyết tâm của địa phương là sẽ sớm hoàn thành dự án để phục vụ nhu cầu nhân dân, du khách", ông Trọng nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.