Ông Trần Hoàng Ngân
Bộ máy Chính phủ vừa được kiện toàn với người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 12 thành viên mới. Trong số này, nhiều Bộ trưởng tuổi còn trẻ, nhiều kinh nghiệm công tác, được đào tạo bài bản...
Tiếp nối thành công trước đây, đâu là những nhiệm vụ mà Chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện, để không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt, mà còn tạo tiền đề cho sự bứt phá, phát triển ở các giai đoạn tiếp theo? Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng xung quanh vấn đề này.
Kỳ tích về kinh tế và niềm tin của nhân dân
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, với sự quyết tâm hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã vượt qua được nhiều khó khăn, đạt được nhiều thành công. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, còn những mục tiêu nào đặt ra nhưng chưa hoặc đang thực hiện cần tiếp tục triển khai ở nhiệm kỳ tới?
Báo cáo của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đã nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu vẫn còn tồn tại, yếu kém. Đó là, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được như mong muốn, nhất là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, quá trình cổ phần hóa diễn ra còn chậm.
Năng suất lao động còn thấp, giữa các hệ thống luật còn có sự chồng chéo. Mặt trái của kinh tế thị trường khiến đạo đức trong gia đình, trường học, xã hội có biểu hiện xuống cấp.
Hiệu lực hiệu quả của quản lý Nhà nước ở đâu đó vẫn còn tồn tại, thậm chí một số bộ, ngành, địa phương còn cho thấy dấu hiệu lảng tránh trách nhiệm. Đây là thách thức rất lớn, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thì việc thúc đẩy cải cách hành chính là đòi hỏi cấp bách.
Việc hội nhập sâu rộng trong kinh tế cũng khiến chúng ta phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của các nền kinh tế khác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nếu các doanh nghiệp không bứt phá để vươn lên thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Thủ tướng và Chính phủ khóa mới cần làm sao để doanh nghiệp Việt nâng cao được sức cạnh tranh, vượt qua thách thức hội nhập.
Bởi nếu Chính phủ không có các quyết sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt vượt lên, thì về lâu dài, chúng ta sẽ mãi là xứ sở của các nhà đầu tư FDI, với dòng lợi nhuận chính không phải vào túi người Việt Nam. Lo hơn là khi các doanh nghiệp FDI rút đi, thì Việt Nam chỉ còn lại các công xưởng trơ trọi.
Hạ tầng giao thông: Yếu tố quan trọng và quyết định
Chính phủ họp phiên đầu tiên sau khi kiện toàn nhân sự. Ảnh: VGP Nhật Bắc
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Chúng ta đã từng có thời kỳ tăng trưởng 9 - 10% trong những năm ở thập niên 90 của thế kỷ trước. Còn thời gian qua (2010 - 2020), tăng trưởng ở mức 6%. Vì thế, nhận định “tăng trưởng dưới mức tiềm năng” là hoàn toàn đúng. Nguyên nhân là trong thời gian này chúng ta chịu tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế năm 2008, tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Dù đã nỗ lực để thích nghi nhưng nhìn chung những “điểm nghẽn” trong nền kinh tế vẫn còn nên nó đã tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Vậy theo ông, Chính phủ cần giải quyết những “điểm nghẽn” đó như thế nào?
Để giải quyết, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra ba đột phá chiến lược: Giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thể chế quản lý xã hội hiệu quả; Đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng số; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành công của nhiệm kỳ vừa qua có thể thấy là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,99%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2020, chúng ta đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
Đặc biệt năm cuối của nhiệm kỳ 2020, cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, giao thương rất khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu hai con số, là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân
Để hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, Chính phủ cần sớm trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, thông qua. Đất đai đang là một trong những nguồn lực lớn nhất nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực nhiều ách tắc và bất ổn, cần được tháo gỡ.
Và để tăng trưởng đúng tiềm năng, phải nghĩ đến thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ra sao. Bởi suy cho cùng, muốn đất nước phát triển hùng cường, vượt lên ở khu vực và thế giới thì không thể trông chờ vào khai thác tài nguyên như đất đai, khoáng sản... mà chỉ có thể bằng năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Ông có thể nói rõ hơn về đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông sẽ có vai trò như thế nào trong thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ tới?
Thực tế, nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đúng mức thì sẽ giúp giảm chi phí lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tính cạnh tranh của những sản phẩm Việt Nam ngay trong thị trường trong nước, thị trường ASEAN và thị trường thế giới.
Khi hạ tầng giao thông phát triển, cũng là động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư chiến lược, những tập đoàn lớn. Ngoài ra, khi hạ tầng giao thông được đồng bộ thì sẽ có vai trò kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm, từ đó tạo động lực cho sự phát triển đồng đều, xóa dần khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước.
Ví dụ, nếu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư đồng bộ thì chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư đặt các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm, từ đó nâng cao được chất lượng nông sản không chỉ của vùng này mà còn xây dựng thương hiệu cho cả đất nước.
Giao thông phát triển cũng giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân rất lớn.
Chính vì vậy, để đạt được những mục tiêu trong nhiệm kỳ này và những mục tiêu phát triển xa hơn cho năm 2030 - 2045, thì giao thông là yếu tố mang tính chất quan trọng và quyết định.
Trước mắt, chúng ta có các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… đang được triển khai thực hiện. Chúng ta cần sớm đưa những dự án trọng điểm này đi vào khai thác, từ đó góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế ở giai đoạn 2021 - 2026 và tầm nhìn xa hơn ở các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tạo điều kiện cho nhân tài có cơ hội thể hiện
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế của đất nước. (Trong ảnh: Thi công dự án cao tốc Mai Sơn - QL45).
Trong bài phát biểu ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhắc tới việc Chính phủ khóa tới tiếp tục thực hiện “coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Theo ông, để thực hiện điều này chúng ta cần có những giải pháp gì?
Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu đột phá về “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”. Như vậy, cần phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở trong các doanh nghiệp mà ngay cả trong bộ máy quản lý Nhà nước, trong bộ máy điều hành quản trị quốc gia.
Muốn cụ thể hóa được các chủ trương, định hướng đã đề ra, người đứng đầu cơ quan hành pháp không chỉ hiểu biết về thể chế, mà còn phải có năng lực vận hành.
Để thu hút được nhân tài thì chúng ta cần xây dựng những quy chế, quy định cụ thể mang tính đặc thù, có thể không nằm trong những quy định lựa chọn cán bộ hiện nay. Chế độ lương bổng cũng cần xây dựng đặc thù riêng.
Tôi tin rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã kinh qua vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc ban hành những quy định, chính sách để t hu hút được nhân tài.
Cá nhân ông có đề xuất gì với Chính phủ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra?
Tôi rất tin tưởng bộ máy Chính phủ sau kiện toàn, bởi công tác nhân sự được Đảng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khoa học, qua nhiều bước. Các thành viên Chính phủ đã kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau.
Vấn đề còn lại là chúng ta cần đoàn kết, phát huy những thành tựu đã đạt được trong 35 năm quá trình đổi mới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ vừa rồi, từ đó kế thừa bài học quý giá để làm tốt, hiệu quả hơn.
Cần phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tăng cường công tác giám sát. Sớm có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc của các địa phương...
Nhiệm kỳ qua chúng ta đã chống dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép rất thành công. Tôi mong rằng nhiệm kỳ mới này, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều hành tiếp nối những thành quả đó.
Cảm ơn ông!
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách:
Hạ tầng giao thông phải là khâu đi trước
Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được Đảng ta đề cập rất sớm. Hạ tầng giao thông phải là khâu đi trước trong giai đoạn chuyển từ đất nước đang phát triển sang đất nước phát triển và đạt đến phát triển trình độ cao. Nó sẽ khai thác được nguồn lực từ các vùng khác nhau, tạo ra nguồn lực chung của đất nước.
Khi hạ tầng giao thông phát triển, được đầu tư đồng bộ thì sẽ tạo động lực, thay đổi về mặt diện mạo kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời gian tới, chúng ta đặt mục tiêu vươn lên trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2030 và trở thành nước phát triển cao vào năm 2045. Muốn đạt được mục tiêu đó, rõ ràng việc tiếp tục đặt mục tiêu chiến lược - lấy kết cấu hạ tầng là khâu trọng tâm, phải đi trước một bước.
Về nguồn lực dành cho cho phát triển giao thông, không chỉ trông chờ vào ngân sách mà còn phải huy động được từ đầu tư tư nhân, của toàn xã hội. Hạ tầng giao thông phải đồng bộ và tổng thể, những gì sử dụng ngân sách Nhà nước, những gì huy động từ xã hội hóa phải có chiến lược và kế hoạch. Hiện nay, hàng không, đường bộ đã có tư nhân tham gia, tạo ra sự cạnh tranh, cần áp dụng mô hình đó sang đường thủy, đường sắt, nhất là hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Ông Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để huy động vốn giao thông
5 năm qua, về lĩnh vực giao thông chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, như đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc, quốc lộ, nhiều cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đưa vào vận hành, tiếp tục khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành...
Nhìn rộng ra, trong quá trình phát triển của đất nước suốt hơn 35 năm đổi mới, ngành GTVT luôn giữ vai trò tiên phong “đi trước mở đường”. Sự tăng trưởng kinh tế trong suốt quãng thời gian qua cũng có sự đóng góp không nhỏ của ngành GTVT. Tuy nhiên, nhu cầu về đầu tư hạ tầng không ngừng tăng lên.
Ở nhiệm kỳ tới, trong hoàn cảnh ngân sách khó khăn, chúng ta phải tiếp tục huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Muốn vậy, phải khắc phục triệt để những hạn chế trong thời gian vừa qua, trước hết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bởi, nếu không hoàn thiện mà tiếp tục đầu tư trong bối cảnh thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn nguồn lực thì sẽ là thách thức rất lớn.
Đặc biệt, với những dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua như CHK quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam cần được triển khai một cách khẩn trương. Đây là những dự án nền tảng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.
Phùng Đô (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận