Chính trị

Kỳ vọng lớn vào công cuộc chống tham nhũng

03/02/2021, 10:57

Việc đưa nội dung “không muốn” tham nhũng cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng ta là chống tham nhũng đến cùng, chống tham nhũng quyết liệt...

img

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra thành công tốt đẹp, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3.

Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 1 cho biết, ông cũng như nhiều vị lão thành cách mạng khác rất kỳ vọng Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin đối với mọi cán bộ đảng viên và nhân dân.

Trong suốt hơn một tuần diễn ra Đại hội Đảng XIII, ông có thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí?

Ngay từ những ngày đầu diễn ra Đại hội, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về Đại hội. Sau khi biết kết quả, tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào các đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, đặc biệt là việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư khóa XIII. Không chỉ mình tôi, mà tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân đều phấn khởi.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện năm 1950, Bác Hồ đã ký bản án tử hình Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa. Hay gần đây nhất, hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh cấp cao có khuyết điểm, sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Chính nhờ công tác phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ, nghiêm minh, khách quan mà Đảng ta ngày càng vững mạnh, từ đó lãnh đạo đất nước vượt qua mọi thách thức để phát triển như ngày nay.
Trung tướng Khuất Duy Tiến


Tôi rất tin tưởng với sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả, thể hiện sự khách quan không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tại cuộc họp báo quốc tế ngay sau khi Đại hội bế mạc ngày 1/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về công cuộc phòng, chống tham nhũng. Ông cảm nhận thế nào về những chia sẻ này của người đứng đầu Đảng, Nhà nước?

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Và khi còn quyền, còn chức, nếu người ta không tu dưỡng, rèn luyện thì sẽ còn tham nhũng, còn tiêu cực, còn lợi ích nhóm.

Vì vậy, nhân dân rất mong muốn thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công cuộc “đốt lò” sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa.

Hay nói cách khác là chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm, là công việc thường xuyên trong Đảng, trong bộ máy chính quyền. Như thế thì niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Ông có đánh giá như thế nào về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực và thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong 5 năm qua, có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả đương chức hay đã về hưu. Gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng được thu hồi từ năm 2016 đến nay. Đó thực sự là những con số rất ấn tượng.

Trong nhiệm kỳ qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những kết quả rất tích cực, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Tôi rất mong tinh thần này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong khóa XIII.

Từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “không thể, không dám và không cần”. Lần này, văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”, ngoài “ba không” như trước đây thì giờ có thêm “một không” nữa là “không muốn” tham nhũng. Việc này cho thấy điều gì, thưa ông?

Việc đưa nội dung “không muốn” tham nhũng vào như vậy không gì khác là cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng ta là chống tham nhũng đến cùng, chống tham nhũng quyết liệt. Đó không hẳn chỉ là vấn đề cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức mà còn là vấn đề tuyên truyền, giáo dục để mỗi người đều có ý thức “không muốn” tham nhũng, rèn luyện đức tính liêm khiết.

Cũng có ý kiến cho rằng, để “không muốn” tham nhũng thì thu nhập của cán bộ công chức phải được điều chỉnh ở mức hợp lý, hay nói cách khác là khi lương chưa cao, chưa đủ sống thì người ta sẽ nghĩ cách để tham nhũng. Quan điểm của ông thế nào?

Lương cao là bao nhiêu? Gấp 4 hay gấp 5 lương hiện tại? Khi người ta có một lại muốn có hai. Nói như vậy để khẳng định những cán bộ, đảng viên không có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, không liêm khiết thì tiền bao nhiều cũng không thể thỏa mãn đối với họ.

Tôi rất ấn tượng và tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng XIII: “Đấu tranh tham nhũng phức tạp khó khăn thế, không có bản lĩnh thì không làm được. Ai chẳng thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều cao quý nhất. Chết không mang tiền theo được”.

Chính vì thế, việc tăng lương thật cao cũng chưa hẳn đã ngăn chặn được tham nhũng. Còn nhớ trong năm tháng chiến tranh bom đạn, bao lớp người xung phong ra chiến trường để góp sức vào công cuộc giành lại độc lập thống nhất đất nước, trong không khí ấy không bao giờ có một ai đòi hỏi lương cao, thưởng lớn cả. Lúc đó, chỉ một lòng vì đất nước, vì quê hương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Tôi dẫn chứng điều này để khẳng định bản lĩnh chính chính trị và ý thức người cán bộ, đảng viên mới là điều quan trọng. Người cán bộ cống hiến để dân giàu, nước mạnh thì chắc chắn cán bộ sẽ được hưởng cùng nhân dân. Vì vậy, làm cán bộ không bao giờ có tư tưởng hưởng trước dân.

Nhưng rõ ràng, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, vẫn cần phải có những quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tham nhũng?

Đúng vậy, bên cạnh việc giáo dục rèn luyện thì việc kiểm tra trong Đảng cần phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, để cho mỗi cán bộ luôn luôn suy nghĩ: Nếu có hành vi tham nhũng thì chắc chắn sẽ bị phát hiện, để ngay từ trong suy nghĩ họ đã “không muốn” tham nhũng. Điều rất cần thiết nữa là phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để kiểm soát được quyền lực, phát hiện và xử lý nghiêm minh để không ai có thể tham nhũng, không dám tham nhũng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.