Khi được hỏi biểu tượng văn hiến ở đền Ngọc Sơn là gì thì những du khách người Việt không hề biết. Trong khi, một du khách người Canada tên Matthew Smulders trả lời: “Đó là Đài Nghiên”.
Anh Matthew Smulders (du khách Canada), người chụp ảnh và nhận ra biểu tượng văn hiến, văn chương của Việt Nam tại đền Ngọc Sơn |
Rủ nhau thăm cảnh Kiếm hồ/ Thăm cầu Thê Húc, thăm chùa Ngọc Sơn/ Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn/ Vì ai gây dựng nên non nước này. Đó là những câu ca dao từng lay động tâm trí của bao thế hệ Việt Nam và quần thể kiến trúc Tháp bút, đền Ngọc Sơn từ lâu đã là hình ảnh thân thuộc của người Hà Nội, của người dân cả nước cũng như nhiều bạn bè quốc tế.
Khách hành hương, khách du lịch tứ xứ đến Hà Nội hầu như ai cũng cố gắng một lần được tới ngưỡng vọng Tháp Bút sừng sững bên hồ Hoàn Kiếm, cùng những biểu tượng kỳ lạ trong quần thể kiến trúc này. Một công trình văn hóa đặc sắc vào loại bậc nhất của Thăng Long Hà Nội ngàn năm tuổi, một công trình kiến trúc không nguy nga vĩ đại nhưng hài hòa tuyệt diệu với cảnh vật mang đậm nét văn hiến của một dân tộc yêu hòa bình, trọng nhân nghĩa và trí thức.
Năm 1843 chùa Ngọc Sơn được đổi thành đền, thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và Quan Vũ. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu nhà thơ lớn đất Thăng Long đứng ra tu sửa lại toàn bộ khu đền. Không chỉ nổi danh là nhà văn, Nguyễn Siêu còn là nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa. Ông có câu nói nổi tiếng mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Có hai loại văn chương, loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Còn loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người”.
Đài Nghiên - Biểu tượng văn hiến, văn chương của Việt Nam tại đền Ngọc Sơn |
Bắt tay vào tu sửa đền, Nguyễn Văn Siêu cho dựng đình Trấn Ba, xây tháp đá ngoài cổng cao 9 mét, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút, phần thân tháp, Nguyễn Siêu tạc ba chữ “Tả Thiên Thanh” (viết lên trời xanh). Nguyễn Siêu cũng đã cho xây thêm Đài Nghiên và sửa sang lại cầu đặt tên là Thê Húc (giọt ánh sáng đậu lại).
Mặt trước Đài Nghiên có vế câu đối quan trọng “Kịch thiên bút thế thạch phong cao”, tức là thế bút chống trời cao như ngọn núi đá. Đó là khí phách độc lập tự chủ của người trí thức Bắc Hà. Nhưng đặc sắc nhất của Nghiễn Đài là ở trên đỉnh Đài Nghiên, ở đó có một viên đá vốn đùng để pha mực tàu viết chữ nho, hình nửa quả đào đặt trên ba con cóc được khắc nguyên tảng, liền khối với bệ gạch, 3 con cóc cùng há miệng như đang cùng kề, cùng nói điều gì hân hoan sau những ngày ngậm miệng.
Bài minh với 64 chữ hán khắc trên Đài Nghiên đá cho ta thấy một loại người không góc cạnh, không tròn trịa, không ở cao cũng không ở thấp, nhìn đời rộng rãi hướng tới tầm cao, ứng với bậc bề trên. Ông Phạm Đức Huân dịch nghĩa theo thể minh khắc: “Xưa kia/ Khoét đất làm Nghiên/ Chú kinh Đạo Đức/ Đẽo đá làm Nghiên/ Viết sách Xuân Thu/ Hòn đá cái Nghiên/ Không hẳn hình gì/ Không vuông không tròn/ Khéo chứa được việc/ Không cao không dưới/ Ở vào chính giữa/ Cúi nhìn Hoàn Kiếm/ Ngửa trong ngọn bút/ Ứng với “bậc trên” nhả lời rõ ràng/ Ngậm nguyên khí cọ với hư không - Gã Phương Đình đề bài minh/ Thọ tháp viết chữ” (Tháp Bút - Đài Nghiên - Đình Trấn Ba - Lời nhắn của người xưa. NXB Văn hóa - Thông tin 2006).
Phần lớn du khách đều nhầm tưởng Đài nghiên, Nghiên mức là tảng đá nằm phía dưới Tháp bút hay mặt hồ Gươm |
Tháp Bút – Đài Nghiên – Đình Trấn Ba trong quần thể Đền Ngọc Sơn mang ý nghĩa là vậy, là biểu tượng cho một nền văn hiến, văn chương của dân tộc. Nhưng, có một thực tế đáng buồn là hiện nay, có nhiều “người Hà Nội”, du khách không biết Đài Nghiên có còn tồn tại hay không và đang nằm ở đâu?
Theo ghi nhận của PV tại khu quần thể đền Ngọc Sơn, phần lớn những người có mặt tại khu vực đền đều không biết Đài Nghiên là gì, nằm ở đâu. Hay cũng có người mơ hồ, đoán chừng Đài Nghiên là tàng đá dưới chân Tháp Bút hoặc là mặt hồ Hoàn Kiếm.
Ông Vũ Hữu Huy (thợ chụp ảnh 30 năm ở đền Ngọc Sơn) cho biết: “Những người đến đây hầu kết không biết Đài Nghiên nằm ở đâu và họ cũng không quan tâm đến biểu tượng này. Nhiều lần tôi cũng gợi hỏi họ thì họ nói là hồ Gươm hoặc tảng đá lớn dưới chân Tháp Bút. Tôi cũng đã nghe các cụ ở đây kể lại, Nghiên mực là viên đá hình nửa quả đào đựng mực ở trên được kê bởi ba con cóc là tượng trưng cho nền văn hiến nước Việt. Những người đi qua Đài là người trong sáng, trí tuệ và có phẩm chất tốt tiến vào gặp các bậc thánh nhân. Bởi vậy, Đài được xây cao 2 mét, rộng rãi, khi đi không phải cúi đầu, khúm núm mà vẫn hiên ngang”.
Có một điều bất ngờ khi PV hỏi tảng đá hình nửa quả đào được kê bởi ba con cóc kia là gì thì những du khách người Việt không hề biết. Trong khi, một du khách người Canada tên Matthew Smulders trả lời “Đó là Nghiên mực, dưới là Đài Nghiên, còn trên đó có gì thì tôi chưa tìm hiểu rõ vì tôi mới chỉ đọc qua cuốn sách lịch sử đền Ngọc Sơn trước khi đến đây”.
Như vậy, Đài Nghiên, Nghiên mực luôn tồn tại song hành với Tháp Bút tại khu vực đền Ngọc Sơn. Ngay tại lớp cổng thứ ba từ ngoài cổng chính đi vào đền Ngọc Sơn, du khách sẽ nhìn thấy trên cổng có 2 chữ Nghiên Đài (chữ hán nôm) – Tức là Đài Nghiên.
Hữu Tuấn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận