Thế giới

Lá chắn 40 tỉ USD của Mỹ có chặn được tên lửa Triều Tiên?

01/06/2017, 09:17

Bộ Quốc phòng (Lầu Năm Góc) lần đầu tiên thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD).

29

Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD)

Ngày 31/5, theo giờ Việt Nam, tờ Los Angeles Times dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, Bộ Quốc phòng (Lầu Năm Góc) lần đầu tiên thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD). Lầu Năm Góc tự hào đây là thành công mang ý nghĩa lớn lao nhưng nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về độ tin cậy của hệ thống này trước tên lửa tầm xa của Triều Tiên.

Lầu Năm Góc đánh giá thành công ngoạn mục…

Tên lửa được phóng từ căn cứ Không quân Vandenberg, cách hạt Santa Barbara, bang California khoảng 96km trong điều kiện trời nhiều mây. Tên lửa mục tiêu giả định, mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) của đối phương, được phóng cách đó hàng nghìn km tại đảo san hô Kwajalein trên đảo Marshall.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, quả tên lửa mô phỏng không được trang bị đầu đạn tấn công thực sự nhưng có tính năng và tầm bắn tương tự một tên lửa đạn đạo tầm trung - xa của Triều Tiên. Quả tên lửa giả định bay lên tới độ cao vượt tầng khí quyền của Trái Đất nhưng bị tên lửa phòng thủ GMD đánh trúng và phá hủy.

Hệ thống GMD là gì?

Hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) được chế tạo với mục đích bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công của những nước có kho vũ khí hạt nhân hạn chế như Triều Tiên. Chương trình GMD được đưa ra lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Bush vào năm 2002. Đến nay, Mỹ có 36 hệ thống tên lửa đánh chặn đang hoạt động: 4 hệ thống ở Vandenberg và 32 hệ thống ở Ft. Greely, Alaska. Mỹ đặt mục tiêu tăng cường lên 44 hệ thống tại  Ft. Greely vào cuối năm nay.

Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, Phó đô đốc James D. Syring khẳng định, “cuộc thử nghiệm đánh chặn đã thành công ngoạn mục”. “Hệ thống này rất quan trọng với việc phòng thủ của nội địa Mỹ. Cuộc thử nghiệm thành công chứng minh Mỹ có đủ khả năng phòng vệ”, Phó đô đốc James D. Syring nói.

Thử nghiệm này đánh dấu lần đầu tiên hệ thống GMD đánh chặn thành công mục tiêu trong 3 năm thử nghiệm trở lại đây. Ngoài ra, “nó cũng là lần đầu tiên Mỹ đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”, có thể bay ở tốc độ gần như giúp Mỹ đương đầu với cuộc tấn công trong thực tế”, ông Syring hoan hỉ công bố trước Quốc hội.

Lầu Năm Góc rất khát khao một kết quả thử nghiệm thành công như vậy để có thể chứng minh năng lực trong bối cảnh những lo ngại xung quanh khả năng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên ngày càng tiến triển. Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng được cho là đang tiến gần hơn tới khả năng có thể đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa và có thể phát triển những đầu đạn mồi vô giá trị, đủ tinh vi và phức tạp để đánh lừa hệ thống đánh chặn của Mỹ. Chỉ cách đây vài ngày, Triều Tiên liên tiếp thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa trong đó phóng thử tên lửa có tầm xa 450km và rơi xuống biển Nhật Bản hôm 29/5.

...Nhưng chuyên gia nhận định chưa đạt

Dù Lầu Năm Góc hân hoan với kết quả này nhưng hãng tin CNN dẫn lời nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng, hệ thống này vẫn còn cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể phát triển toàn diện. Đến nay, việc phát triển hệ thống GMD đã tiêu tốn 40 tỉ USD của Mỹ, riêng cuộc thử nghiệm lần này có chi phí 244 triệu USD nhưng vẫn chưa thể chắc chắn đủ khả năng phòng thủ hoàn toàn tên lửa ICMB hay không.

Ông Philip E. Coyle, Nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ và Kiểm soát vũ khí cho biết: “Cuộc thử nghiệm này có ý nghĩa đáng kể nhưng mới là lần thứ 2 thành công trong 5 lần thử nghiệm mới nhất, tương đương tỉ lệ 40% trong 7 năm kể từ lần thử nghiệm vào đầu năm 2010”. “Như ở trường học, 40% không phải là tỉ lệ đủ để qua môn”, ông Coyle nhận định. “Dựa trên tỉ lệ đó, chúng ta chưa thể hoàn toàn tin tưởng chương trình phòng thủ tên lửa này có thể bảo vệ Mỹ khỏi tên lửa tầm xa của Triều Tiên”.

Hạ nghị sĩ Washington Adam Smith thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ chúc mừng Cơ quan Phòng thủ tên lửa vì cuộc thử nghiệm thành công: “Sau khi đầu tư hơn 40 tỉ USD kể từ năm 2002, thật tốt khi Cơ quan Phòng thủ tên lửa cuối cùng cũng thử nghiệm thành công, phá hủy mục tiêu ICBM”. Dù vậy, ông lưu ý rằng, “vẫn cần quá trình dài phía trước để đảm bảo hệ thống này đủ hiệu quả và đáng tin cậy”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.