Bạn cần biết

Lạ kỳ tục cúng giao thừa của người Mông

15/02/2018, 09:05

Người Mông ăn Tết cổ truyền trong ba ngày, từ 1-3 tháng Chạp âm lịch, sớm hơn 1 tháng so với Tết người Kinh.

tet-nguoi-mong

Người Mông ăn Tết cổ truyền trong ba ngày, từ 1-3 tháng Chạp âm lịch, sớm hơn 1 tháng so với Tết người Kinh

Khi những cây mơ, cây mận nở trắng trời, người Mông bắt đầu bước vào những ngày nghỉ Tết. Trước đó cả tháng, khắp các bản làng đã nhộn nhịp không khí chuẩn bị ngày Tết. Khi ấy, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... Người Mông nghỉ làm nương rẫy, mỗi người mỗi việc chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên. Những đàn bà miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình.

Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết. Bởi vậy, Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh 1 tháng.

cung-giao-thua-nguoi-mong

Bánh dày là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ cũng giao thừa của người Mông

Cũng như người Kinh, cúng giao thừa và bữa cơm tất niên rất được người Mông coi trọng. Vào đêm 30/11, những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Từ mâm cơm cúng lễ, đến bữa cỗ ngày Tết không thể thiếu gà trống, vì theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống. Trên bàn thờ lúc này cũng không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi người Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh.Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Người Mông ăn Tết cổ truyền trong ba ngày, từ 1-3 tháng Chạp. Trong ba ngày này, người Mông thực hiện các nghị thức cúng tổ tiên và đến nhà nhau chúc Tết. Họ dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất.

Trong 3 ngày Tết, người Mông kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan. Cũng theo quan niệm của người Mông, trong những ngày Tết, nhà nào có nhiều khách đến trong dịp năm mới thì năm đó sẽ làm ăn tốt hơn.

Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết với nhiều hoạt động vui chơi tại các chợ và sân vận động… Với người Mông, Tết là ngày của đoàn viên, của no ấm và của những niềm vui bất tận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.