Xem - ăn - chơi

Lạ lẫm khi nông dân làm diễn viên trong Thuở ấy xứ Đoài

13/07/2017, 11:15

Đạo diễn Việt Tú một lần nữa xuất hiện ngoạn mục với Thuở ấy xứ Đoài - chương trình nghệ thuật thực cảnh...

DSC04173 (1)

Âm thanh, ánh sáng, sân khấu của vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” được dàn dựng hoành tráng

Vở diễn đã khiến giới nghệ thuật mãn nhãn bởi yếu tố mới và lạ, phương châm nghệ thuật mà vị đạo diễn này luôn hướng tới.

Những cái nhất

Thuở ấy xứ Đoài là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh quy bái tổ… Với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ, vở diễn thực cảnh này đã khiến giới nghệ thuật mãn nhãn với những cái nhất lần đầu ở Việt Nam.

Sân khấu của Thuở ấy xứ Đoài thuộc vào loại nhất Việt Nam khi rộng hơn 3000m2 mặt nước với khán đài có sức chứa 2000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, vừa gần, vừa xa, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo, ê kíp cộng sự hàng trăm chuyên gia trong nước, quốc tế.

Trong vở diễn Thuở ấy xứ Đoài có những hiệu ứng bom tấn lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre; là từ 10m sâu dưới đáy Long Trì, kỳ diệu hiện lên Thủy Đình nguyên bản nặng gần 10 tấn; là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông.

Làm sống lại những giá trị văn hóadân gian Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ngoài sự đầu tư hoành tráng về bối cảnh còn là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống dậy những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài. Nó làm ông gợi nhớ lại thời kì mà người ta hay làm những vở kịch do người dân đóng, gây ấn tượng rất lớn. Cảm hứng đó sẽ mang lại những triển vọng rất tốt cho tác phẩm này. Vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” ra mắt từ tháng 6/2017, tuy nhiên, chủ yếu diễn cho khách du lịch, chưa bán vé cho khách tự do.

Đạo diễn Việt Tú cho biết: “Sau những năm tháng lang thang đây đó tại các trung tâm nghệ thuật lớn trên thế giới, tôi ấp ủ một chuỗi các chương trình nghệ thuật dân tộc để quảng bá văn hoá Việt Nam tới du khách toàn cầu. Tác phẩm “Thuở ấy xứ Đoài” được đầu tư bởi ông Đào Hồng Tuyển. Với tinh thần “hướng Đông”, tôi mong muốn những giá trị đẹp đẽ nhất của văn hoá dân tộc sẽ được khán giả thế giới biết đến, thông qua những tác phẩm có nội dung thuần Việt nhưng mang ngôn ngữ thể hiện toàn cầu”.

Một trong những yếu tố mới lạ, tạo bạo trong vở diễn chính là không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp thay vào đó là những người nông dân. Để họ tự lên sân khấu kể chuyện chính mình. Hơn 140 nông dân chất phát thuần hậu vùng Sài Sơn đã cùng nhau trải qua hàng nghìn giờ tập luyện miệt mài trong suốt một năm qua để bước ra sân khấu lớn nhất của đời mình. Họ kể câu chuyện về cuộc sống lao động, sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.

Đây cũng tác phẩm văn hóa độc nhất trên thị trường du lịch ở thời điểm hiện tại chính là phần diễn xuất của những người nông dân, vẫn giữ nguyên được sự thuần thành, vô tư, xúc động. Nhưng họ cũng tạo sự ngạc nhiên khi tạo nên cảnh tượng hàng trăm người nông dân hát múa, nhảy, di chuyển đội hình không thua diễn viên chuyên nghiệp. 

Vị thế tiên phong

Với vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, một lần nữa Việt Tú đã khẳng định nhãn quan, vị thế tiên phong của mình trong môi trường nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, để vở diễn thành công như ngày hôm nay, đạo diễn Việt Tú đã mất hơn 1 năm chuẩn bị. Về việc tập hợp người dân tham gia là cả một thử thách. Anh cho biết, đến bây giờ nghĩ lại, anh vẫn tự hỏi bản thân rằng, bằng cách nào mình lại vượt qua khó khăn ấy được?

Trong suốt một năm qua, anh luôn bị ám ảnh, đôi khi như là ác mộng vì những khó khăn phải đối mặt. Những người nông dân, họ như tờ giấy trắng, rất khó khăn để bắt đầu. “Tôi đã gặp những tình huống bi hài, cười ra nước mắt. Đi được 1/2 quãng đường thì rụng mất 40% số lượng diễn viên, một cô xin nghỉ đi làm thợ cắt tóc, một ông 52 tuổi bị vợ bỏ đòi sang Campuchia lập nghiệp, một bà có bầu xin nghỉ giữa chừng…”, anh chia sẻ.

Đạo diễn Thuở ấy xứ Đoài, nếu dùng diễn viên chuyên nghiệp, thời gian có thể rút ngắn nhưng nó không ra chất của một vở diễn thực cảnh. Với diễn viên là những người nông dân, độ rủi ro lớn, nhưng họ cũng chính là nhân tố chính tạo ra sự thành công. Vì không có gì thú vị bằng việc chính họ sẽ kể câu chuyện về cuộc đời của mình.

“Dưới góc độ quản trị nhân sự, nếu lo lắng diễn viên không chuyên thường xuyên nghỉ, không có sự ổn định khi diễn là không cần thiết. Vì diễn viên chuyên nghiệp vẫn nghỉ và xác suất về rủi ro vẫn là như nhau. Mô hình nào cũng cần có diễn viên dự phòng cho các vị trí. Nếu người này nghỉ ốm, người kia có thể thay thế được”, anh nói.

Cũng theo đạo diễn Việt Tú, muốn làm du lịch bằng văn hóa thì đầu tiên phải giữ được cái gốc. Văn hóa thì địa phương nhưng ngôn ngữ phải toàn cầu. Phải xác định rằng, các tác phẩm nghệ thuật dân tộc đang đối diện với khán giả toàn cầu vì thế chỉ cần làm cái gì đó không văn hóa, không có gốc, sẽ không bao giờ có khách.

Nói về tiềm năng thu hút khách du lịch, đạo diễn Việt Tú chia sẻ: Ban đầu, dự án đặt ra là thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhưng trong quá trình làm, tôi phát hiện có thể mở rộng để già trẻ, gái trai người dân bản địa đều xem được. Còn tiềm năng khai thác phải để thời gian trả lời mới công bằng, vì có khách hay không còn phụ thuộc vào sự vận hành của cả hệ thống chứ không chỉ tác phẩm.

“Làm nghệ thuật thì không “tự sướng” với nhau được, mà cần những trải nghiệm cụ thể. Ở góc độ của tôi là người làm nghệ thuật thì đây là một tác phẩm văn hóa, còn với nhà đầu tư, đó là sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch nước ngoài về Việt Nam. Tôi rất tự tin về tiềm năng của tác phẩm này. Tôi tin du khách toàn cầu sẽ đến với vở diễn”, anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.