Lionel Messi chấp nhận ở lại nhưng việc anh rời Barcelona chỉ là câu chuyện không sớm thì muộn. Và khi cầu thủ Argentina chia tay đội chủ sân Nou Camp để tìm kiếm một chân trời mới, La Liga chắc chắn đánh mất vị thế trên bản đồ bóng đá châu Âu.
La Liga ảm đạm sau kỷ nguyên Ronaldo-Messi?
Cuối tháng 8 vừa qua, siêu sao Lionel Messi gây ra một phen sóng gió khi tuyên bố muốn rời Barcelona để tìm kiếm bến đỗ mới. Dù sau đó, những ràng buộc trong hợp đồng buộc anh phải ở lại thay vì kiện đội chủ sân Nou Camp ra tòa nhưng việc tiền đạo Argentina ra đi gần như chắc chắn sẽ diễn ra vào năm sau, khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn.
Hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch La Liga Javier Tebas nói rằng: “Việc Ronaldo ra đi không khiến giải đấu của chúng tôi ảnh hưởng quá nhiều bởi thương hiệu của giải đã vượt qua cầu thủ. Tuy nhiên, Messi thì khác, anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử, đồng thời là một phần quan trọng tại La Liga”.
Rõ ràng, ông Tebas hiểu rõ M10 có tầm quan trọng ra sao đối với giải đấu số một xứ bò tót. Chính bởi vậy, La Liga đã ủng hộ Barcelona trong việc giữ chân cầu thủ sinh năm 1987. Cây bút Pete Jenson của tờ Dailymail nhìn nhận, đây là nước cờ khôn ngoan của La Liga nhưng ngay từ lúc này, giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha cần lường trước những kịch bản mình phải đối mặt khi Messi ra đi.
Cũng theo Pete Jenson, trong trường hợp mất Messi, vị thế của La Liga sẽ suy giảm đáng kể bởi họ không còn những ngôi sao hàng đầu thế giới cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
“Không nhiều cầu thủ có thể ghi khoảng 50 bàn thắng mỗi mùa như Messi. Anh ta cũng tạo ra sức hút cực lớn với fan hâm mộ hay thậm chí là các cầu thủ trên khắp thế giới. Nhiều cầu thủ thừa nhận, họ tới La Liga chỉ để mong được đối đầu Messi hoặc chơi bóng cùng siêu sao Argentina. Nếu Messi nối bước Cristiano Ronaldo, dòng chảy cầu thủ sẽ chuyển hướng sang Ngoại hạng Anh, Serie A hay Bundesliga. Ngay từ thời điểm này, những dấu hiệu của sự xê dịch đã bắt đầu nhen nhóm, bằng chứng là tiền đạo Rodrigo Romeno của Valencia đã chọn Leeds United (Anh) thay vì tới Atletico Madrid. La Liga thậm chí chưa có bản hợp đồng nào đáng chú ý”, Jenson phân tích.
Mặc dù vậy, Jenson cho rằng, nghiêm trọng nhất là việc La Liga sẽ sụt giảm tài chính. “Tại châu Âu, La Liga đứng thứ ba về doanh thu. Thống kê chỉ ra rằng, mùa giải 2018-2019, La Liga thu về 3,073 tỷ euro, đứng thứ ba sau Ngoại hạng Anh (5,440 tỷ euro) và Bundesliga (3,168 tỷ euro). Họ chắc chắn khó duy trì vị trí trên nếu Messi ra đi. Hơn 80% doanh thu của La Liga thuộc về bản quyền truyền hình và tài trợ, không còn Ronaldo và Messi đồng nghĩa giải đấu này không đủ hấp dẫn với khán giả khắp thế giới và các nhà đài, các nhãn hàng có lý do để cắt giảm ngân sách đổ vào đây. Hai nguồn tiền trên tụt giảm sẽ kéo theo bức tranh tài chính tại La Liga trở nên ảm đạm”, cây bút của tờ Dailymail nhận định.
Giải pháp nào cho La Liga?
Dù muốn hay không, kịch bản không còn cả Ronaldo lẫn Messi là thực tế La Liga sẽ phải đối mặt. Tiền vệ Luka Modric (Real Madrid) cho rằng, sẽ là tổn thất lớn nếu tiền đạo Argentina không còn chơi bóng tại La Liga nhưng đó không phải một thảm họa.
“Khi Ronaldo rời đi, cuộc sống ở Real Madrid vẫn tiếp diễn và Barcelona hay La Liga cũng tương tự. Các cầu thủ khác sẽ tỏa sáng bởi chúng tôi cần tiến lên. La Liga cần tạo ra những cầu thủ mang đầy đủ phẩm chất của một siêu sao từ khả năng chuyên môn tới độ phủ sóng truyền thông. Như vậy, sức hút của giải đấu sẽ được duy trì”, tờ China Daily dẫn lời Modric.
Chung quan điểm, ông Jose Antonio Cachaza, Giám đốc phát triển thị trường Ấn Độ của La Liga tin rằng sau kỷ nguyên của Ronaldo và Messi, giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha sẽ bước vào một chu kỳ mới cùng các ngôi sao mới.
“Nếu bạn nhìn vào lịch sử của La Liga, Alfredo Di Stefano đã được kế thừa bởi Johan Cruyff. Sau đó là Maradona, tiếp theo là Zinedine Zidane, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo. Một tuyệt vời luôn được theo sau bởi một tuyệt vời khác và tôi chắc chắn rằng chu kỳ thành công sẽ tiếp tục nhưng cần thời gian. Vào lúc này, tôi tin Ansu Fati (Barcelona) hay Martin Odegaard (Real Madrid) có đủ tiềm năng để trở thành huyền thoại, quan trọng họ phải được tạo điều kiện tối đa”, ông Cachaza cho hay.
Dưới góc nhìn của mình, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, La Liga vẫn phải dựa vào Real Madrid và Barcelona để đảm bảo sức hút của giải đấu.
“Xét nguồn lực đầu tư thì hai đội bóng này vẫn là chủ đạo, chỉ họ mới có khả năng vung tiền mua các ngôi sao bom tấn trên thị trường chuyển nhượng nhằm giữ vị thế giải đấu đáng xem nhất châu Âu. Ngoài ra, Barcelona hay Real Madrid cũng nên tận dụng những ngôi sao lớn đang có trong tay như Griezmann hay Hazard”, ông Tùng nói.
Về ý kiến của một số tờ báo Tây Ban Nha định hướng La Liga nên hỗ trợ để các đội bóng nhỏ có nguồn thu tốt hơn từ bản quyền truyền hình, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và giúp giải đấu xuất hiện thêm nhiều trận đấu hấp dẫn, ông Tùng thẳng thắn nhìn nhận: “Đây là vấn đề cố hữu của La Liga, không dễ giải quyết bởi bản thân việc có bán được bản quyền truyền hình hay không phụ thuộc hoàn toàn vào hai ông lớn trên. Vì lẽ đó, họ được hưởng phần trội hơn (khoảng 30%) cũng dễ hiểu. Nó cũng giống như việc doanh nghiệp lớn, đầu tư mạnh thì lợi nhuận sẽ cao hơn ông làm ăn nhỏ là bình thường”.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu tài chính thể thao của Deloitte Dan Jones cũng đưa ra ra dự đoán không mấy khả quan cho La Liga: “Thành công liên tiếp của Real Madrid và Barcelona ở Champions League thúc đẩy giá trị thương mại La Liga lên cao. Giờ cả hai đều chững lại, nên việc mất đi ngôi sao hàng đầu sẽ là đòn giáng mạnh vào tham vọng vươn lên của giải đấu này. Các CLB thậm chí còn lâm vào cảnh khốn đốn, bởi ngoài Barcelona và Real Madrid, khoản tiền từ bản quyền truyền hình, tài trợ chiếm tới 80% của họ. Kịch bản xấu nhất, nhiều đội bóng thậm chí sẽ gặp khó khăn trong việc trả lương cầu thủ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận