Giáo dục

Lạ lùng học sinh trả học phí bằng… rác thải nhựa ở Ấn Độ

06/06/2019, 12:00

Một ngôi trường ở Ấn Độ đã quyết định yêu cầu học sinh nộp học phí bằng rác thải nhựa thay vì dùng tiền như thông thường.

img

Parmita và Mazin, 2 chuyên gia về giáo dục và công tác xã hội đã thành lập ngôi trường mang tên Akshar để giúp những đứa trẻ kém may mắn ở địa phương có được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Một trong những khó khăn mà họ gặp phải là thuyết phục người dân địa phương cho con đi học vì nhiều trẻ em ở đây phải làm việc trong các mỏ đá để giúp đỡ gia đình.

Để thu hút được học sinh đến trường, Parmita và Mazin đã tạo ra một mô hình giảng dạy đặc biệt, nơi những đứa trẻ lớn hơn dạy trẻ nhỏ hơn và nhận thanh toán bằng tiền mà chúng có thể sử dụng để mua một số thực phẩm ở cửa hàng gần đó hoặc những thứ khác từ internet.

img

Chống lại lao động trẻ em và đưa trẻ em trở lại trường học không phải là vấn đề duy nhất mà Parmita và Mazin phải giải quyết. Để sưởi ấm ngôi nhà, nhiều người dân địa phương đã đốt lửa từ rác thải nhựa và khói độc lại tràn ngập khu phố.

Khi những người sáng lập ngôi trường nhận ra thảm họa sinh thái này lớn đến mức nào, họ đã tìm ra một giải pháp tuyệt vời đó là yêu cầu học sinh trả học phí bằng rác thải nhựa. Do đó, mỗi sáng, ngoài việc mang cặp sách đi học, các học sinh của trường Akshar còn đem theo những chiếc túi chứa đầy rác thải nhựa mà chúng thu thập được.

img

Khuôn viên trường học có trung tâm tái chế riêng, nơi tất cả rác thải do học sinh thu gom được chuyển thành vật liệu xây dựng. Các túi nylon được nhét bên trong chai nhựa và biến thành gạch sinh thái dùng cho các dự án xây dựng. Một trong những cách trẻ em sử dụng những viên gạch này là xây dựng bồn hoa trong sân trường.

Trường dạy cho bọn trẻ về tất cả các mối đe dọa mà nhân loại đang gặp phải để chúng trở nên có trách nhiệm hơn với môi trường. Ở đây, trẻ em được dạy các công nghệ làm vườn, máy tính, năng lượng mặt trời và chúng tham gia vào việc giáo dục cộng đồng về tất cả những nguy hiểm của việc đốt rác thải nhựa. Theo Parmita, công việc khó khăn mà trẻ em và giáo viên của trường đang làm đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân địa phương tham gia vào các chiến dịch tái chế và khiến họ nhận thức được các vấn đề sinh thái mà cộng đồng đang phải đối mặt.

img

Trường Akshar cũng có một nơi trú ẩn riêng dành cho động vật. Học sinh và nhân viên đã làm nhà cho 20 con chó bị bỏ rơi và bị thương. Tất cả các động vật vào nơi trú ẩn được làm sạch, tiêm phòng và khử trùng.

Học sinh có trách nhiệm chăm sóc động vật, cho chúng ăn và uống thuốc cho đến khi chúng tìm được chủ mới. Những người sáng lập trường hy vọng rằng, nhiều trường học sẽ áp dụng mô hình này và trẻ sẽ học được sự đồng cảm cũng như các nguyên tắc cơ bản của chăm sóc y tế.

img

Kết hợp với chính phủ và các trường học, Parmita và Mazin đang có kế hoạch để cải tổ 100 trường học tại Ấn Độ trong vòng 5 năm với chương trình học giúp các em có trách nhiệm hơn với môi trường và cộng đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.