Sổ đỏ trao tay, phát sinh ngay hệ lụy
Chỉ tay vào diện tích đất rừng tự nhiên của ông Phạm Văn Hăng (trú tại thôn Nam Hải, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn) nay đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết, sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông Hăng đã bán đất rừng cho một người không ở xã Minh Châu.
Theo Luật Đất đai, phần diện tích đất do UBND huyện Vân Đồn cấp cho một số hộ dân nằm trong ranh giới do vườn quản lý, nên chính quyền địa phương không có thẩm quyền cấp đổi sổ đỏ cho dân. Đáng lẽ ra, khi tiến hành việc này, địa phương cần trao đổi với vườn để xác định rõ phạm vi, ranh giới, thẩm quyền.
Ông Khúc Thành Liên, Chánh Văn phòng Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long
“Sau khi ông Hăng bán, một số người đã mang dao lên rừng để phát cây, đơn vị đã phải phối hợp với Công an xã Minh Châu ngăn chặn, lập biên bản. Đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, nếu không ngăn chặn triệt để thì sẽ nảy sinh phức tạp, tranh chấp giữa cơ quan thực thi pháp luật với chủ rừng”, ông Mạnh cho biết.
Theo tìm hiểu, hộ ông Hăng được UBND huyện Vân Đồn cấp sổ đỏ ngày 16/6/2020 trên diện tích trên 13,48ha với mục đích là rừng sản xuất và rừng tự nhiên, thời hạn sử dụng đến năm 2049. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 1/7/2020, ông Hăng đã bán toàn bộ diện tích đất rừng trên cho một người có hộ khẩu tại xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) với số tiền 2,65 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Hăng cho biết, gia đình ông được giao sổ xanh thửa đất này từ năm 1991 để trồng, bảo vệ rừng. Tháng 6/2020, ông chuyển đổi sổ xanh sang sổ đỏ và bán đất. Việc mua, bán cũng chỉ có giấy viết tay, không cơ quan nào xác nhận.
PV đã xem tờ giấy viết tay việc mua, bán đất rừng thì chỉ thấy ghi thời gian giao tiền, giao giấy tờ, 2 bên mua, bán ký, điểm chỉ và không có người làm chứng. Như vậy, việc mua, bán đất rừng này đã vi phạm Luật Lâm nghiệp (chỉ được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn…”.
Một điều lạ là, tờ trích lục bản đồ thửa đất của ông Hăng không có ngày, tháng nhưng vẫn được Công ty TNHH MTV Tư vấn Bất Động sản Vân Đồn ký, đóng dấu để làm cơ sở cho việc giao dịch ngầm này.
Mua bán đất trong “vùng đỏ”
Một trường hợp khác còn khó hiểu hơn, là hộ ông Hoàng Đình Anh (xã Minh Châu) được UBND huyện Vân Đồn cấp sổ đỏ với diện tích 1,76ha với mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất đến tháng 12/2049.
Thửa đất này nằm phần lớn trên diện tích bãi rùa đẻ - nơi đang được sử dụng vào mục tiêu bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam và được tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng/năm để thực hiện công tác truyền thông cộng đồng. Ngay sau khi được cấp sổ đỏ, ông Anh đã bán lại miếng đất cho một người tên C. có địa chỉ tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh bức xúc: “Cứ tháng 6 - 10, rùa tụ tập về đây đẻ trứng rất nhiều. Để đảm bảo an toàn cho rùa, đơn vị đã cắm biển cấm mọi hoạt động trong khu vực. Công sức bấy lâu của anh em như thế, vậy mà giờ huyện lại cấp sổ đỏ cho dân. Nếu không kịp thời thu hồi, thì khu vực này chẳng mấy chốc rùa sẽ không dám đến đẻ nữa”.
Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, đến nay, tại tiểu khu 209A, xã Minh Châu có 29 hộ có diện tích đất lâm nghiệp nằm trong ranh giới do Ban quản lý, được UBND huyện Vân Đồn giao đất, giao rừng cho dân (sổ xanh) trước năm 2001 (năm thành lập Vườn quốc gia).
Gần đây, không hiểu vì lý do gì, một số hộ lại được huyện cấp mới, cấp đổi sổ đỏ. Cùng đó, huyện còn giao đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho 2 hộ dân với diện tích 6,4ha nằm trong ranh giới quản lý của vườn quốc gia Bái Tử Long...
Ông Khúc Thành Liên, Chánh Văn phòng Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long khẳng định: Hiện nay, vườn được chia thành 3 phân khu, riêng khu vực bãi rùa đẻ của xã Minh Châu là vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng đỏ). Việc cấp sổ đỏ vào ranh giới vườn quốc gia là trái với quy hoạch do Thủ tướng đã ký.
“Chúng tôi đã làm việc, đề nghị UBND huyện Vân Đồn rà soát, thu hồi sổ đỏ đã cấp trong Vườn quốc gia; rà soát, lập phương án đền bù, thu hồi các phần diện tích đất, rừng và mặt nước đã giao cho các tổ chức, cá nhân để giao lại cho Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý… Tuy nhiên, huyện chưa có số liệu thống kê về số hộ đã được cấp sổ đỏ để có phương án giải quyết”, ông Liên nói.
Trong khi đó, bà Châu Thị Thoan, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Đồn lại cho rằng, mọi trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ mà UBND huyện đã cấp cho các hộ dân là đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các hộ được giao “sổ xanh” trước khi có quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, do đó, việc cấp đổi từ “sổ xanh” sang “sổ hồng”, “sổ đỏ” là chuyện bình thường. Về việc các hộ dân sau khi nhận sổ đỏ đã nhanh chóng sang nhượng lại, bà Thoan cho hay: “Các hộ tự ý mua, bán ngầm với nhau, cơ quan chức năng không nắm được!”.
Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg ngày 1/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 15.783ha, với phần đảo nổi là 6.125ha, gồm hơn 80 đảo lớn, nhỏ hợp thành 3 cụm đảo chính là Sậu, Trà Ngọ và Ba Mùn. Năm 2016, Vườn quốc gia Bái Tử Long được đề cử và công nhận là di sản Đông Nam Á.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận