Xã hội

Lạ lùng tàu thuyền chật vật tìm chỗ đỗ cạnh khu neo đậu triệu đô

29/09/2022, 06:00
image

Đầu tư gần 60 tỷ đồng, nhưng Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại xã Tiến Tới, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) vẫn đang bỏ không.

Luồng vào, bến đậu cạn trơ đáy khi triều xuống

Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền nghề cá (Khu neo đậu) tại xã Tiến Tới, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư 57,6 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư được triển khai đầu tháng 10/2019 đưa vào sử dụng đầu tháng 7/2020.

Công suất khu neo đậu theo phê duyệt dự án có thể đáp ứng cho 150 tàu thuyền nghề cá. Nhưng lạ là, từ khi đi vào sử dụng đến nay, tàu, thuyền nghề cá của ngư dân trên địa bàn không thể vào được Khu neo đậu.

img

Người dân nhặt phế liệu ở Khu neo đậu trị giá gần 60 tỷ đồng

Ông Phạm Xuân Hương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hải Hà cho hay, địa phương có truyền thống vươn khơi, bám biển. Hiện toàn huyện có hơn 800 phương tiện với tổng sản lượng khai thác trên 10 vạn tấn/năm.

Trên địa bàn hiện có 2 khu neo đậu ở thị trấn Quảng Hà và xã Tiến Tới chỉ đáp ứng được nhu cầu neo, đậu cho trên 350 phương tiện. Như vậy, nhu cầu bến neo, đậu cho các phương tiện nghề cá ở địa phương còn rất lớn, chưa kể tàu thuyền các nơi ghé vào.

img

Mặt bằng Khu neo đậu chỉ có vài chiếc quán tạm bợ sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động

"Trong khi đó, Khu neo đậu tại xã Tiến Tới dù đã được đầu tư xong giai đoạn 1, nhưng hiện nay, công năng sử dụng còn một số bất cập, khiến cho phương tiện khó vào neo đậu, nhất là lúc vào tránh, trú bão", ông Hương nói.

Ghi nhận thực tế, Khu neo đậu rộng hàng ngàn mét vuông, nhưng khu vực dành cho các hạng mục dịch vụ nghề cá vẫn bỏ trống, chỉ có một vài quán nước tạm bợ và một quầy nhỏ phục vụ việc đăng ký tàu thuyền vào, ra cảng.

img

Vùng mặt nước cảng Khu neo đậu cạn trơ đáy khi thủy triều xuống

Khu vực đường dẫn từ mặt cảng xuống phương tiện cũng được thiết kế rất hẹp, hai người đi bộ ngược chiều còn khó khăn, huống chi phải khuân, vác hàng hóa lên, xuống tàu thuyền.

Chỉ vào những ụ nổi chiếm diện tích khá lớn nằm ở ngổn ngang trong vùng mặt nước cảng, ông Hoàng Đức Hải, ngư dân ở xã Tiến Tới ngao ngán: "Vùng mặt nước vốn đã hẹp, lại bị những ụ sửa chữa chiếm phần lớn diện tích. Các bậc lên xuống thì bất cập, nếu như tàu đỗ ở cuối cảng, người dân muốn lên được bờ thì lại phải nhờ thuyền, còn không thì phải bơi hàng chục mét vào phía trong mới có bậc để lên bờ".

>>> Clip: Toàn cảnh Khu neo đậu vắng bóng tàu thuyền vì còn nhiều bất cập:

Theo ông Hải, điều bất cập nhất của các ụ nổi này là khi triều cường, tàu thuyền vào được sát mặt cảng. Nhưng khi nước rút xuống thì ngư dân có muốn cho phương tiện ra cũng đành bất lực do bị mắc cạn.

"Đặc biệt, khi thủy triều lên, tàu thuyền vào tránh bão, lúc nước xuống, do nhiều chủ phương tiện chưa quen, nên đỗ một nửa trên ụ, một nửa bên ngoài thì sẽ không kịp đánh tàu thuyền ra, khiến tàu thuyền dễ bị lật chìm. Vì thế, dù muốn tránh trú bão, nhưng phương tiện lạ vẫn không dám vào Khu neo đậu", ông Hải cho hay.

img

Trong khi vùng mặt nước hẹp, thì ụ nổi lại được bố trí quá rộng và lối lên, xuống không có khiến ngư dân gặp khó khi tàu thuyền vào neo đậu

Điểm bất cập nữa của dự án này là hệ thống đê bao Khu neo đậu đang có nguy cơ bị thủy triều, nước lũ phá hủy dù mới đưa vào sử dụng được hơn 2 năm.

Theo quan sát thì tuyến bờ kè ở khu vực phía đông nam Khu neo đậu đang có nguy cơ bị sóng "nuốt chửng". Theo nhiều ngư dân, khi mới hoàn thành, tuyến kè này khá rộng, nhưng chỉ sau mấy trận mưa, bão đã bị bào mòn một phần không nhỏ.

img

Lối lên, xuống phương tiện quá hẹp, hai người tay không ngược chiều tránh nhau đã khó

Trông chờ dự án giai đoạn 2?

Để hoàn thiện Khu neo đậu, đáp ứng được nhu cầu tránh, trú bão của tàu thuyền nghề cá trên địa bàn, tháng 5/2022, UBND huyện Hải Hà đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh để đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư dự án giai đoạn 2 với quy mô hoàn thiện là đảm bảo cho 500 tàu công suất đến 500CV.

img

Tuyến đê bao phía ngoài đã bị sóng đánh mòn vẹt

Ông Phạm Xuân Hương cho biết: Các hạng mục của giai đoạn 2 được địa phương đề xuất gồm: Nạo, vét tuyến luồng dài 12km đáp ứng cho tàu, thuyền ra vào thường xuyên; xây dựng khu tránh, trú bão rộng 11ha đáp cho 350 phương tiện; xây dựng tuyến đường từ QL18A đến cảng dài 3km để đáp ứng được nhu cầu phương tiện vận tải ra, vào cảng vì hiện nay, tuyến đường ra đây phải qua khu dân cư rất nhỏ, hẹp.

"Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự án khoảng 200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước", ông Hương thông tin.

>>> Clip: Tuyến đê bao Khu neo đậu bị sóng đánh xói lở nghiêm trọng:

Cùng với đó, việc triển khai giai đoạn 2 với hệ thống kè kiên cố hơn sẽ "cứu nguy" cho tuyến kè hiện hữu đang có nguy cơ bị sóng biển nhấn chìm.

Mặt khác, việc triển khai tuyến đường kết nối từ Khu neo đậu ra QL18A không chỉ giải phóng 2 triệu m3 đất, đá tồn đọng được nạo, vét từ giai đoạn 1 phục vụ cho việc san, lấp mặt bằng nhiều dự án tại khu vực miền Đông của tỉnh đang có nhu cầu rất lớn mà cũng là cơ hội tiêu thụ lượng lớn vật liệu nạo, vét luồng, vùng mặt nước cảng giai đoạn 2…

img

Diện tích mặt cảng thì nhiều, nhưng do bố trí không hợp lý, nên tàu thuyền đành đỗ ở xa.

"Hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp trình cấp có thẩm quyền đưa dự án giai đoạn 2 vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ quan nào được phân công làm chủ đầu tư dự án thì vẫn còn đang phải chờ. Khi có chủ trương về chủ đầu tư thì mới triển khai được dự án", ông Hương cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.