Cả hai phía y bác sĩ và bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân cần co cái nhìn nhân văn và có sự thông cảm cho nhau |
Mới đây, cộng đồng mạng lại dậy sóng trước câu chuyện về ứng xử giữa bác sĩ với bệnh nhân trong phòng bệnh. Được biết, câu chuyện này mới xảy ra gần đây, vào lúc nửa đêm ở khoa cấp cứu của BV Việt Đức. Bệnh nhân bị TNGT cấp cứu, nghi ngỡ gẫy xương ngón tay nên được bác sĩ chỉ định cho đi chiếu chụp trước khi có phương án điều trị. Tuy nhiên, phía bệnh nhân và người nhà cho rằng bác sĩ đã thờ ơ trước nỗi đau của bệnh và hành vi lỗ mãng với đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Trong tình huống này, nữ điều dưỡng đã không giữ được bình tĩnh đã có phản ứng lại.
Sau khi sự việc được phản ánh trên mạng xã hội, Bộ Y tế đã có ý kiến yêu cầu BV Việt Đức kiểm tra làm rõ sự việc này và phải báo cáo Bộ vào ngày mai.
Đây không phải lần đầu tiên có xô xát giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân khiến mối quan hệ giữa người thầy thuốc và người bệnh càng sứt mẻ.
Trao đổi về vấn đề này, GS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Cả hai phía y bác sĩ và bệnh nhân, cùng người nhà bệnh nhân cần có cái nhìn nhân văn và có sự thông cảm cho nhau. Không thể chỉ đòi hỏi từ một phía”.
Cũng theo ông Tiến, thời gian qua, Bộ Y tế rất quan tâm tới việc làm thế nào để hướng tới sự hài lòng người bệnh, mặc dù đây là vấn đề không phải một sớm một chiều có thể làm triệt để. “Bản thân chúng tôi cũng từng nhắc nhở các sinh viên, nhân viên y tế về ứng xử với người bệnh, người nhà của họ để họ thông cảm, chia sẻ được với mình, biết được những việc làm của mình”, ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, bệnh nhân và người nhà cũng cần có những chia sẻ đối với đội ngũ y bác sĩ. Nhất là ở khoa cấp cứu, nơi có mâu thuẫn nhiều nhất, nơi chứa đựng ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Ông Tiến cho hay, nhiều khi mâu thuẫn giữa hai bên nay sinh chỉ vì bệnh nhân chưa hiểu rõ chuyên môn. Một bệnh nhân khám xong chẩn đoán diễn biến tốt hay xấu phải sau 6 tiếng, thậm chí cả ngày mới được vậy nên không phải cứ 1 tiếng hay vài phút phải kiểm tra bệnh nhân. Nhưng người bệnh cảm thấy mình bị bỏ rơi không được quan tâm, bác sĩ chỉ xem có một lần và cũng chẳng cho thuốc men gì cả. Đôi khi, người nhà cũng không biết có một số bệnh phải chống chỉ định dùng thuốc, kể cả bệnh nhân có đau vẫn phải theo dõi trước khi đưa ra quyết định có phẫu thuật hay không.
Thực tế ngành y đã có không ít bài học bác sĩ có trình độ nhất định kinh nghiệm chưa nhiều thấy bệnh nhân đau quá cho thuốc bệnh nhân để giảm đau sau đó làm lu mờ, mất triệu chứng nên để triệu chứng xuất hiện và chỉ định mổ thì đã quá muộn. Có những người bệnh kêu đau, bác sĩ cho viên thuốc giảm đau đó không phải là tốt mà có thể thành ra hại người bệnh. Những điều đó người nhà bệnh nhân phải hiểu được và chia sẻ.
“Hiện nay trong ngành y rất ít khi bác sĩ giải thích được điều đó, mà họ chỉ khám xong rồi đi ra luôn vì họ không đủ thời gian để giải thích. Khám xong họ giao cho điều dưỡng theo dõi, người nhà thấy bác sĩ khám xong rồi đi luôn không giải thích cặn kẽ, không cho thuốc gì là họ làm ầm lên. Họ không biết rằng xử lý như thế mới tốt cho người bệnh. Bác sĩ cũng có phần lỗi quá đông bệnh nhân không giải thích cho người nhà”, ông Tiến chia sẻ.
Nhiều lúc xem lại thấy nhân viên y tế cũng đúng họ phải cân nhắc xem xét bệnh nhân nào nguy hiểm, bệnh nhân nào ít nguy hiểm sau. Nhưng khi người bệnh không hài lòng nhân viên cũng phải tự xem mình vì sao như thế. Cổ nhân đã từng có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, vậy nên mỗi cán bộ y tế cũng cần nhìn lại mình trước, nếu có cách giải thích với bệnh nhân thì những trường hợp đó không xảy ra.
“Tôi nghĩ cần có sự chia sẻ, thông cảm giữa người bệnh và bác sĩ để hiểu nhau nhìn nhận vấn đề nhân văn khách quan”, ông Tiến cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận