Lãi suất cho vay giảm sẽ tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay |
Trần huy động ngắn hạn còn 5,5%
Theo quyết định của NHNN, từ 29/10, lãi suất tiền gửi ngắn hạn (1-6 tháng) tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm từ 6% xuống 5,5% năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa một số lĩnh vực, ngành Kinh tế cũng giảm từ 8% xuống 7% năm; Lãi suất tiền gửi bằng USD tối đa của cá nhân giảm từ 1% xuống 0,75%/năm. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN quyết định giữ ổn định các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Với nhận định thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, hoạt động ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp, bà Hồng cho hay, từ nay đến hết năm, tùy vào cân đối vốn của các ngân hàng, lãi suất trên thị trường sẽ còn có sự điều chỉnh.
Tại buổi họp báo, đại diện các ngân hàng lớn: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank đều ủng hộ quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn của NHNN và khẳng định, sẽ triển khai thực hiện quyết định này trên toàn hệ thống từ ngày hôm nay.
Lãi suất cho vay giảm còn 10%
NHNN nhận định, quyết định giảm trần lãi suất huy động sẽ tác động lớn tới việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, NHNN phân tích, tháng 3/2014, sau khi NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất, lãi suất huy động và cho vay bằng VND giảm 1-1,5% so với cuối năm 2013, đã góp phần tăng hiệu quả tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp. Tính đến 24/10, cho vay toàn hệ thống tăng 7,85% so với cuối năm 2013 và cả năm ước tăng 12%.
"Dù lãi suất huy động vốn giảm, nhưng từ tháng 3/2014 đến nay, huy động vốn vẫn tăng 11,88%, trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư. Điều đó cho thấy, gửi tiền vào ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân”. Ông Nguyễn Tiến Đông, (Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN) |
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Các lĩnh vực ưu tiên tín dụng như nông nghiệp, cho ngư dân vay vốn đóng tàu, cho vay gói 30 nghìn tỷ… đang được các ngân hàng tích cực triển khai cam kết cho vay và giải ngân.
“Với việc tín dụng tăng trưởng 7,85% trong 10 tháng, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu đề ra 12%-14%, bà Hồng nói.
Với thông điệp “chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế và yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét rút lãi suất cho vay VND xuống tối đa 13%/năm đối với các khoản nợ cũ.
Đáp ứng lại, lãnh đạo bốn ngân hàng quốc doanh lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank cho biết, sẽ ngay lập tức triển khai trên toàn hệ thống giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với năm lĩnh vực ưu tiên xuống không quá 10%. Tính đến ngày 9/10, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15% chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013. Dư nợ có lãi suất trên 13% chiếm 11,7% tổng số cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Về lo ngại tiến trình xử lý nợ xấu chậm chạp có thể làm gia tăng lạm phát, bà Hồng cho hay, việc xử lý nợ xấu bốn tháng qua có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 khoảng 3,88%, thấp hơn mức 4,17% cuối tháng 6; 4,11% vào tháng 7 và mức 3,9% vào tháng 8.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận