Lãi suất cao chỉ "làm màu"
Chị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được nhân viên chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung tại Linh Đàm gọi điện thoại thông báo khoản tiền tiết kiệm 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng hết hạn vào ngày 17/10 và gợi ý nên chuyển sang kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng ở mức thấp. Ảnh minh hoạ: G.Huy
“Khoản tiền 30 triệu đồng này trước đây gia đình chưa dùng đến nên để tạm ở ngân hàng, nhưng hai kỳ gửi 6 tháng lãi chưa được 2 triệu đồng. Khi tôi hỏi lãi suất 6 tháng hiện nay thì thấy chỉ hơn 4%, còn 12 tháng là hơn 6% nên tôi quyết định rút ra để dùng vào việc khác”, chị Hoa cho biết.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, từ đầu tháng 10 tới nay, lãi suất ngân hàng khá thấp. Mức lãi suất huy động cao nhất là tại Techcombank 7,8%/năm nhưng đây là lãi suất “làm màu” như nhiều người nhận xét bởi để được hưởng 7,8%/năm này người gửi phải đáp ứng điều kiện gửi ít nhất 999 tỷ đồng cho kỳ hạn 12 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước đầu năm là tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12% trong năm 2021, theo đó dư địa còn khoảng 5% cho 3 tháng cuối năm.
Còn lại, lãi suất huy động bình thường tại Techcombank và các ngân hàng khác đều khá thấp: Kỳ hạn dài từ 6-7%/năm, còn kỳ hạn ngắn từ 2,5-4% một năm.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), 7 tháng đầu năm tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng chỉ tăng 2,97%, trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%.
Tiền gửi ngân hàng của người dân giảm mạnh
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8 tăng 4,17% so với đầu năm (lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng). Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,293 triệu tỷ và tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,14 triệu tỷ đồng; So với đầu năm lần lượt tăng trưởng 2,95% và 5,46%.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng nói chung nhờ tiền gửi của các tổ chức tăng lên nhưng tiền gửi của người dân lại giảm đi. Trong tháng 8, tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư chỉ thêm 1.250 tỷ đồng, sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7.
Thống kê tăng trưởng tiền gửi tại ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế hơn 7 năm qua. Nguồn: BVSC
BVSC cho rằng, lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại.
Theo nhận định của BVSC, hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Chia sẻ tại họp báo quý 3 của Ngân hàng Nhà nước ít ngày trước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-1,5%/năm. Cơ quan này sẽ duy trì mặt bằng lãi suất huy động như hiện nay. “Chúng tôi không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào thời điểm hiện nay”, ông Tú thông tin.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn thanh khoản ngân hàng. Các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.
Theo BVSC, tăng trưởng huy động thấp nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào trong quý 3/2021 nhờ Ngân hàng Nhà nước vẫn đang duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ (gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở trong hơn 1 năm trở lại đây) trong khi cầu vốn có dấu hiệu tăng chậm lại.
Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng rất thấp so với mức trước khi có dịch Covid-19 (0,5-2%/năm).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận