Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất vốn vay làm khó dự án BOT giao thông (Trong ảnh: Một đoạn QL1 qua TP Bắc Giang đã được nâng cấp). Ảnh: Hữu Tuấn |
Nhiều ý kiến đề xuất đề nghị Bộ Tài chính sớm điều chỉnh nội dung quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 55/2016 để phù hợp với thực tế, nhất là cách xác định mức lãi suất vốn vay của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Cách xác định lãi suất phải phù hợp thực tế
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 55/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Theo dự thảo, Bộ Tài chính tập trung chủ yếu vào nội dung quy định sửa đổi mức lãi suất vốn vay tính toán trong các dự án PPP và điều khoản chuyển tiếp với những trường hợp áp dụng quy định về mức trần lãi suất mới.
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định, mức lãi suất vốn vay trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận theo các nguyên tắc: Không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn tương ứng với thời gian của hợp đồng dự án trong 15 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án; không vượt quá mức lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Trao đổi với Báo Giao thông về quy định mức lãi suất vốn vay không vượt quá mức lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thường không công bố công khai và lãi suất cho vay phụ thuộc vào lĩnh vực, chỉ số tín nhiệm của khách hàng nên có thời điểm việc thu thập không thể thực hiện được. Thực tế, các ngân hàng thương mại cũng chỉ công bố lãi suất cơ sở (lãi suất huy động) kỳ hạn dài nhất trên 36 tháng.
“Mức lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn cần xác định bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ dao động 4,5%. Đồng thời, Bộ Tài chính cần lấy thêm ý kiến của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo thông tư ban hành phù hợp với cơ chế thị trường”, ông Huy nói.
Đối với quy định, mức trần lãi suất bằng 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian của hợp đồng dự án trong vòng 15 phiên đấu thầu phát hành thành công, theo báo cáo Bộ Tài chính tại Văn bản 7307 ngày 2/6/2017, mức trần lãi suất theo hệ số 1,5 lần lãi suất TPCP trong 6 tháng gần đây có giá trị dao động từ 9,09%/năm đến 11,37%/năm tùy kỳ hạn (kỳ hạn 10 năm là 9,09%/năm, kỳ hạn 15 năm là 10,59%/năm và kỳ hạn 20 năm là 11,37%/năm). Trong khi đó, tại Văn bản 3327 ngày 10/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng mức lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 9,3% - 11%/năm.
“Qua so sánh cho thấy, mức lãi suất trần bằng 1,5 lần lãi suất TPCP cơ bản phù hợp với mức lãi suất trung, dài hạn hiện nay các ngân hàng tín dụng đang cho vay. Tuy nhiên, trong tương lai có thể số liệu lãi suất trúng thầu TPCP không có hoặc không liên tục, không kịp thời do Chính phủ không tiếp tục phát hành trái phiếu hoặc đấu thầu không thành công, khi đó số liệu về mức trần lãi suất 1,5 lần TPCP sẽ không còn phù hợp với thực tế thị trường tín dụng”, ông Huy nói và cho rằng, Bộ Tài chính cần bỏ tiêu chí này trong việc xác định mức lãi suất vốn vay như dự thảo ban hành.
Thông tư 55/2016 được Bộ Tài chính ban hành ngày 23/3/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập. Điển hình, tại Khoản 3, Điều 17, Thông tư 55 quy định: Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới hình thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án… Theo quy định của Thông tư 55, mức lãi suất vốn vay rất thấp và không sát với thực tiễn, khiến các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào các dự án PPP, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông không thể huy động được nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng để đầu tư dự án. |
Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi, bổ sung
Mới đây, trả lời Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến sửa đổi Thông tư 55/2016, trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký ban hành, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh lại một số điều khoản của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị mức lãi suất vốn vay được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu nhà đầu tư; Trường hợp đấu thầu: Mức lãi suất vay vốn do Nhà đầu tư tự quyết định để tính toán phương án tài chính trong hồ sơ dự thầu đảm bảo giá dự thầu cạnh tranh nhất; Trường hợp chỉ định nhà đầu tư: Mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư theo nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu nhà đầu tư...
Trong diễn biến mới nhất, nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đã có ý kiến gửi Bộ Tài chính về việc tham gia góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính. Theo đại diện Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Bộ Tài chính tiến hành điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 55/2016 là rất cần thiết để đảm bảo các quy định phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về cách xác định mức lãi suất vốn vay trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung của Thông tư 55/2016, đại diện nhà đầu tư BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, sửa đổi trên nguyên tắc: “Mức lãi suất vốn vay được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% hoặc 5% của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu nhà đầu tư”.
Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung thêm trong dự thảo Thông tư sửa đổi nội dung: “Đối với các dự án đã có văn bản của Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc trong việc xác định lãi suất vốn vay trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận