Đường sắt

Lái tàu kể lại phút kéo phanh hãm tốc độ qua đường ngang không gác chắn

12/10/2022, 15:03
image

Lái tàu phát hiện gác chắn ngang chưa đóng kịp, lập tức vừa kéo còi báo hiệu liên tục và kéo phanh hết sức để hãm tốc độ của tàu...

Ngày 12/10, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với lái tàu trong vụ đầu tàu hỏa số 6561 dừng khẩn cấp tại TP.HCM chiều 8/10 vừa qua.

Phải nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Trịnh Quốc Phương, nhân viên lái tàu chính, thuộc Phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (Tổng Công ty đường sắt VN). Bởi những ngày qua anh Phương vẫn làm việc bình thường, lái tàu ra Bắc vào Nam liên tục.

Làn da ngăm đen, khuôn mặt có phần chững chạc hơn so với tuổi 37, anh Trịnh Quốc Phương đã là lái tàu phụ từ năm 2011 và trở thành lái tàu chính từ 5 năm nay.

Nói về sự cố ngày 8/10 tại điểm giữa đường sắt với đường Phạm Văn Đồng, anh Phương nhớ lại hôm đó mình là người điều khiển đầu máy số hiệu 6561. Đầu máy này vận hành lâu nay và đang cho chạy thử để test lại các thông số trước khi chuẩn bị vận hành tiếp.

Anh Phương là người điều hành đầu máy từ ga Sài Gòn xuống ga Hố Nai (Đồng Nai) và đang chạy ngược về để test. Trên đầu máy lúc đó còn có thêm một lái phụ khác.

Nhớ lại sự cố dừng tàu khẩn cấp, anh Phương chia sẻ: Thời điểm đó khoảng 13h30 phút. Khi chạy qua khỏi ga Bình Triệu (cách nơi xảy ra sự cố tầm 1 km - PV) anh Phương đã kéo còi báo hiệu theo quy định. Khi đó, đầu tàu chạy với tốc độ khoảng 30km/h.

img

Hình ảnh vụ việc xảy ra vào chiều 8/10 tại đường ngang Km 1721+838 (TP.HCM), chắn chưa đóng nhưng đầu máy đơn chạy ra đường ngang và dừng lại.

Anh Phương kể tiếp: Khi còn cách điểm giao giữa đường Phạm Văn Đồng và đường ray xe lửa (nơi xảy ra sự cố) khoảng hơn 100m, phụ lái và tôi phát hiện gác chắn ngang chưa đóng kịp. Ngay lập tức tôi vừa kéo còi báo hiệu liên tục và đạp thắng hết sức để hãm tốc độ của tàu lại. Thời điểm đó có mưa nên hãm tốc độ tàu cũng có phần khó khăn. Đầu tàu chạy thêm 50m nữa mới dừng lại hẳn.

"Rất may mắn không xảy ra thiệt hại gì đáng kể. Khi đầu tàu dừng, nhân viên gác chắn có trao đổi với chúng tôi lý do tại sao như thế nhưng chúng tôi phải tiếp tục vận hành đầu tàu về ga. Mọi vấn đề sẽ làm báo cáo, giải trình với lãnh đạo, tôi trao đổi với nhân viên gác chắn như vậy”, anh Phương nói.

Sau sự cố, anh Phương vẫn tiếp tục công việc lái tàu bình thường ra Bắc vào Nam, nhưng cũng cẩn trọng hơn trong quá trình làm việc. “Nghề lái tàu nguy hiểm lắm, rất tổn hại sức khỏe và đòi hỏi tinh thần phải vững", anh Phương chia sẻ và cho biết trước đây cũng từng gặp sự cố tàu tông một chiếc máy cày, may mắn không thiệt hại về người.

Đánh giá về sự việc vừa qua, anh Phương cho rằng đó là một sự cố trong nghề, nhưng cũng là may mắn vì đầu tàu băng ngang qua đoạn giao cắt đường bộ trong khi đường ngang chưa đóng kịp, nhất là đi vào nơi dân cư đông đúc của TP.HCM.

"Tổ lái của chúng tôi làm việc theo đúng quy trình. Làm nghề lái tàu tinh thần phải vững, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng để xử lý những sự cố có thể xảy ra. Nhiều anh em lái tàu ám ảnh bởi những vụ tại nạn chết người, phải nhịn ăn nhiều ngày liền".

Lái tàu chính Trịnh Quốc Phương đang thao tác lại quá trình xử lý khi phát hiện gác chắn chưa đóng kịp nên phải dừng đầu tàu khẩn cấp vào chiều 8/10 - Thực hiện clip: Quang Phương. (Do không phải trong ca trực nên anh Phương mang trang phục chưa đầy đủ theo quy định của ngành).

Trao đổi với phóng viên về sự cố dừng đầu tàu đột ngột trên, ông Trần Thanh Băng, Quản đốc Phân xưởng vận dụng đầu máy Sài Gòn, Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty đường sắt VN), cho hay, hiện việc đúng sai như thế nào vẫn chờ kết quả từ cấp trên.

"Sự cố dừng tàu đó là ngoài ý muốn, nhân viên lái tàu đã làm rất tốt, đúng quy trình. Rất may mắn là không có thiệt hại gì đáng kể. Đầu tàu gặp sự số hôm đó hiện đang vận hành tiếp rồi”, ông Băng nói.

Được biết, sự việc hy hữu nói trên xảy ra vào khoảng 13h30' ngày 8/10 khi đầu máy tàu hỏa đang trên đường chạy về ga Sài Gòn. Khi phát hiện gác chắn chưa đóng, lái tàu đã nhanh chóng phản xạ cho tàu chạy chậm lại từ xa rồi dừng lại tại vị trí gác chắn. Sự việc không gây nguy hiểm cho người đi đường nhưng làm cho nhiều người đi đường lúc đó “đứng tim”.

TP.HCM xử lý nghiêm vụ tàu vào ga phải dừng khẩn cấp khi gác chắn chưa hạ

Ban ATGT TP.HCM vừa có văn bản gửi ngành Đường sắt yêu cầu chấn chỉnh công tác bảo đảm ATGT sau vụ đầu máy tàu hỏa vào chắn đường ngang trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) phải dừng khẩn cấp khi chắn chưa đóng.

Ban ATGT TP.HCM đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang trên địa bàn TP, tuyệt đối không để xảy ra những vụ việc tương tự.

Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ gác chắn.

Ban ATGT TP.HCM yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý gác chắn) khẩn trương đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến vụ việc nêu trên. Công ty cần khẩn trương nghiên cứu đầu tư nâng cấp bằng ứng dụng công nghệ để dự báo chính xác hơn giờ tàu qua chắn, đồng bộ với hệ thống tín hiệu đường sắt.

Với đường ngang Nguyễn Văn Trỗi, đường ngang Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) có khoảng mở dải phân cách lớn, tạo thành nút giao giữa đường ngang với các tuyến đường dọc theo đường sắt gây ùn tắc giao thông.

Do đó, Ban ATGT TP đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu phương án thu hẹp khoảng mở dải phân cách tim đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Hoàng Văn Thụ tại vị trí giao cắt đường sắt tương tự vị trí đường ngang QL13 (TP Thủ Đức).

Đồng thời, xem xét lắp đặt barie đóng mở tự động, có dán phản quang, hoạt động đồng bộ với hệ thống tín hiệu đường sắt để tăng cường nhận diện cho lái tàu, góp phần bảo đảm trật tự ATGT, kéo giảm ùn tắc tại khu vực đường ngang.

Đỗ Loan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.