Tàu qua khu Nhà Dầu (Khâm Thiên, Hà Nội) như đi trên vỉa hè |
Vi phạm nhức nhối
Trong tiếng máy ầm ầm trên cabin đầu máy, lái tàu Hà Minh Tâm (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) vừa chăm chú điều khiển tàu qua khu đoạn Hà Nội - Thường Tín vừa nói: “Đây là khu đoạn mà cánh lái tàu sợ nhất. Mỗi lần qua đây, tàu như đi trên vỉa hè, đủ các loại vật liệu, rồi mái che, mái vẩy lấn vào hành lang đường sắt. Đã vậy, lại lắm đường ngang, lối đi dân sinh, nguy cơ xảy ra TNGT không biết lúc nào”.
Quan sát của PV Báo Giao thông, tàu vừa qua chắn đường ngang Khâm Thiên vào khu vực Nhà Dầu rồi ra đường Giải Phóng, đã thấy nhà cửa, hàng quán san sát dọc theo đường tàu, nhưng không có hàng rào ngăn cách. Người dân chế tấm đan, tấm gỗ giữa hai thanh ray làm lối đi. Thậm chí, ngồi cả trên đường sắt, tận dụng thanh ray để kê làm đồ mộc và vô tư dựng bạt, xe máy sát đường tàu...
Theo thống kê của Ban An ninh - An toàn, đến tháng 5/2017, trên địa bàn Hà Nội có 376 lối đi dân sinh. 5 tháng đầu năm xảy ra 14 vụ TNGT đường sắt, giảm 4 vụ so cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn chiếm 12% tổng số các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn cả nước, làm chết 6 người, làm bị thương 8 người. Đáng nói là, trong 14 vụ, có tới 5 vụ xảy ra tại lối đi dân sinh làm 3 người chết, 6 vụ xảy ra do nạn nhân đi, đứng, nằm, ngồi... trên đường sắt, làm 3 người chết. |
Công nhân tuần đường Trương Xuân Cường (Cung đường Hà Nội, Công ty CP Đường sắt Hà Hải) chia sẻ, hành lang đường sắt ở đây dân lấn chiếm quá nhiều, xe cộ, vật liệu để tràn lan. “Quy định là phải cách 5m (tính từ vai đường sắt), nhưng ở đây vi phạm phổ biến. Từ xưa đến nay, người dân quen sinh sống, bán hàng rồi. Đi tuần nhắc thì họ thu vào, mình đi họ lại bày ra. Dân làm gỗ, đổ cả nước vôi ra đường sắt, hỏng hết đường”, anh Cường ngao ngán.
Không chỉ trên tuyến Bắc - Nam đoạn từ ga Hà Nội đến Thường Tín mà thực trạng này phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Điển hình như hành lang đường sắt khu vực Gia Lâm, Long Biên, tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển hay khu vực cầu Thăng Long. Đơn cử khu vực chợ tạm Tân Xuân, người dân họp chợ ngay sát các trụ cầu Thăng Long. Hay tại khu vực đường dẫn lên cầu địa bàn xã Hải Bối (huyện Đông Anh), phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các đối tượng ngang nhiên phá dỡ hàng rào, “nhảy dù” mở hàng quán, để vật liệu xây dựng, tập kết xe cộ, máy móc.
Ông Dương Văn Thư, Phó ban An ninh - An toàn Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Hà Nội là địa phương có tới 6 tuyến đường sắt chạy qua, với tổng chiều dài hơn 162km. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng các yếu tố lịch sử để lại, hiện Hà Nội là địa phương có tình trạng vi phạm trật tự hành lang ATGT đường sắt phức tạp nhất. Chỉ riêng giao cắt cùng mức hiện có 560 giao cắt; Tính bình quân có 3,45 giao cắt/km, vào loại cao nhất của cả nước. Đa số các giao cắt không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như: Bị che khuất tầm nhìn, độ dốc lớn, đường bộ và đường sắt song song liền kề, nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Địa phương phải có trách nhiệm
Theo ông Dương Văn Thư, để lập lại trật tự ATGT đường sắt tại khu vực qua Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã ra quân quyết liệt, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, kéo giảm TNGT đường sắt như: Rào thu hẹp đường dân sinh, không cho phương tiện cơ giới qua lại; Cắm biển “Chú ý tàu hỏa”; Làm hàng rào ngăn để xóa bỏ lối đi dân sinh. Tính đến tháng 5, trên địa bàn Hà Nội, ngành Đường sắt đã lắp đặt thêm cần chắn tự động tại 36/72 đường ngang cảnh báo tự động. Thành phố cũng cử người cảnh giới tại 26 điểm đường ngang biển báo, cảnh báo tự động và đường dân sinh nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt cao. Hiện, đường sắt đang đề nghị thành phố cử người cảnh giới tại 20 điểm đen nữa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời. Lâu dài vẫn phải làm đường gom.
Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái Phạm Nguyễn Chiến cho biết, để công tác xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt hiệu quả, thực sự có tính răn đe, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ Chính phủ tới chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua. “Cần quy định rõ vai trò chủ trì của chính quyền địa phương sở tại trong công tác xử lý vi phạm hành lang ATGT đường sắt, trong đó có việc chủ trì về kinh phí thực hiện”, ông Chiến nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, theo quy định địa phương phải có trách nhiệm và thực hiện giải pháp đóng các lối dân sinh nguy hiểm, lối dân sinh nhỏ hoặc thu hẹp lại; Cắm biển báo tại các đường thuộc địa phương quản lý. Tuy nhiên, do một số địa phương chưa có quy hoạch đất dọc đường sắt nên vi phạm lấn chiếm hành lang vẫn diễn ra. Việc quản lý các tuyến đường ngang, đường dân sinh thuộc thẩm quyền của địa phương như đường xã, đường nội đồng còn kém nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các giao cắt đường bộ - đường sắt này…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận