Thi công nâng cấp, mở rộng QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức BOT - Ảnh: Khánh Linh |
Chỉ đạo tại buổi sơ kết thực hiện kế hoạch quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2017 diễn ra sáng qua (5/4), Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, kinh phí cho đầu tư hạ tầng giao thông đang rất khó khăn, đòi hỏi Bộ GTVT phải hết sức năng động để huy động các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư BOT làm phải minh bạch, đúng luật, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Đường độc đạo tránh làm BOT
Việc đầu tư xây dựng các dự án BOT tiếp tục là vấn đề dành được sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị sơ kết sáng qua. Phát biểu chỉ đạo tại đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, kinh phí cho đầu tư hạ tầng giao thông đang rất khó khăn, trong khi đó nhu cầu đi lại của người dân càng ngày càng lớn, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao. Điều này đòi hỏi Bộ GTVT phải năng động để huy động các nguồn lực đầu tư.
Trong quý I/2017, Ban Cán sự Đảng Bộ đã ban hành 5 nghị quyết, Bộ đã ban hành 1 chỉ thị, 16 công điện và trên 4.000 văn bản chỉ đạo, điều hành; kịp thời triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP... |
“Trước mắt, có nhiều việc quan trọng cần dành sự quan tâm thích đáng như: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Trong điều kiện nguồn vốn rất hạn chế như hiện nay, chỉ có thể đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, thực tế là các tổ chức tín dụng trong nước đều đã cho vay kịch trần, trong khi huy động nhà đầu tư nước ngoài khó khăn. Sau 10 năm thí điểm kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cho dự án Dầu Giây - Phan Thiết, đến nay, chúng ta vẫn chưa thể tìm được nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng chia sẻ, năm qua, chúng ta làm được rất nhiều việc liên quan đến BOT. “Thông thường, khi nghĩ đến BOT, mọi người chỉ nghĩ đến khởi công bao nhiêu dự án và “sốt ruột” khi không có dự án mới, trong khi trên thực tế, ngoài việc khởi công khánh thành, chúng ta đã làm rất nhiều việc, trong đó có tổng kết đánh giá, quyết toán dự án”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm: “Chúng ta đã rất dũng cảm rà soát và dừng khá nhiều dự án; từ chối nhiều dự án BOT như tuyến tránh, đường độc đạo, bởi như vậy không khác gì tước quyền đi lại của người dân. Nếu tiếp tục làm những dự án này thì câu chuyện phản đối thu phí cầu Bến Thủy sẽ lại xảy ra”.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa kết luận hội nghị - Ảnh: Tạ Tôn |
Đưa vào khai thác 14 công trình, dự án trong Quý II
Về những nhiệm vụ cần sự quan tâm triển khai trong quý II/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu hoàn thiện báo cáo giải trình Luật Đường sắt sửa đổi bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Đây là cơ sở phát triển ngành Đường sắt thời gian tới. “Tôi đã 2 lần đi tàu khách tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn và thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực này nếu thay đổi tổ chức, quan niệm tiếp cận khách hàng”, Bộ trưởng nói.
Một số công việc khác được Bộ trưởng chỉ rõ là triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017; Hoàn thiện Dự thảo Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng để thực hiện độc lập trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHK quốc tế Long Thành; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chỉnh Quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất; Sớm hoàn thiện báo cáo xin thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Cùng với việc khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác 14 công trình, dự án Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số dự án phải sớm triển khai thi công trong quý II như: Cải tạo, nâng cấp QL21B, xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, xây dựng cầu Thịnh Long, mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc và xây mới đường lăn E7 - CHKQT Đà Nẵng...
Về công tác đảm bảo ATGT, Bộ trưởng chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, tổ chức điều tiết, bảo đảm ATGT, nhất là trong các đợt cao điểm nghỉ lễ Giỗ Tổ 10/3 Âm lịch, 30/4-1/5, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông... Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải và ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa, lũ; Bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra tải trọng xe, triển khai Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Đường sắt sẽ có khoang C, vé VIP như hàng không Cho biết ngành Đường sắt đang rất nỗ lực để giành lại thị phần, Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt VN Vũ Anh Minh khẳng định, sẽ tập trung đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng như mô hình mà hàng không đã làm là áp dụng dải giá vé, lập biểu đồ chạy tàu mới. “Sẽ ưu tiên tàu đẹp, giờ đẹp cho các tuyến có cự ly trung bình để tăng khả năng cạnh tranh. Với các tuyến cự ly dài có toa đẹp, toa VIP. Các nhà ga lớn sẽ xây dựng phòng C cho khách VIP”, ông Minh nói và cho biết thêm, sẽ mở rộng dịch vụ bán vé đa phương thức, xuống Lào Cai sẽ có ô tô đưa đón, tới Vinh có ô tô đón đi Cửa Lò... Khẳng định một trong vấn đề nhức nhối khiến hành khách “kêu ca” nhiều nhất là vấn đề vệ sinh, ông Minh cho biết, ngày 14/4, TCT sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động triển khai chương trình làm sạch tàu, sân ga. Phần vệ sinh tại 2 đầu bến sẽ do các công ty vệ sinh chuyên nghiệp đảm nhận còn vệ sinh trong hành trình thì do tiếp viên phụ trách. Đường sắt từ nay sẽ hết cảnh chờ mưa cho sạch tàu. Tích cực phòng ngừa cướp biển Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, đến hết tháng 3, đã có 2 tàu biển bị cướp biển tấn công, một số thuyền viên bị bắt cóc làm con tin. “Trước tình hình này, Cục Hàng hải VN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm VN rà soát lại toàn bộ việc đánh giá, triển khai thực hiện kế hoạch an ninh tàu biển đã được phê duyệt; Tổ chức cảnh báo, khuyến cáo với chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên; Tăng cường phối hợp giữa 2 Cục để có thể kiểm tra 100% tàu thuyền VN đi vào các khu vực có nguy cơ cướp biển cao”, ông Sang nói và cho biết thêm: Cũng nhờ những chỉ đạo kịp thời và sát sao này nên thời gian qua, có 2 tàu biển đã thoát được sự truy đuổi của cướp biển. “Vừa qua đã xảy ra 2 vụ cướp biển rượt đuổi theo tàu nhưng nhờ sự phối hợp, chuẩn bị trước của tàu như tăng cường cảnh giới, phát hiện từ xa, giăng hàng rào dây thép gai xung quanh tàu, đóng các cửa buồng máy... cũng như nhờ sự theo dõi, khuyến cáo kịp thời của trung tâm an ninh hàng hải, thông báo tới lực lượng chức năng của Philippines, cướp biển đã bỏ đi”, ông Sang thông tin. T.B |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận