Hạ tầng

Làm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam xóa đảo 3 “không”

07/02/2016, 15:10

Đến công trường cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện những ngày cuối năm, chỉ thấy giữa mênh mông của biển...

50

Giàn lao lắp khổng lồ này có thể trong một lúc nâng ghép19 đốt dầm trọng lượng 80 tấn

Những đốt dầm đang được dàn máy khổng lồ lắp ghép nhẹ nhàng nhưng rất chính xác như chơi Lego.

Từ “ống vải địa kỹ thuật” đến “vòng vây cọc ván thép”

Nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) là thành viên đứng đầu liên doanh Sumitomo Mitsui - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty XD CTGT 4 chịu trách nhiệm thi công phần cầu vượt biển dài 5,4 km đã xây dựng biện pháp thi công làm đường công vụ trên biển từ phía quận Hải An đi ra, dài khoảng 4 km. Đường công vụ được thực hiện theo công nghệ “ống vải địa kỹ thuật”. Đây là hệ thống ống vải có đường kính khoảng từ 4,6m đến 9,5m, mỗi ống dài 50 m ghép lại với nhau, được bơm đầy cát bên trong, tạo thành một bờ đê bao vững chắc, chịu được sóng biển.

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là công trình trọng điểm, được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, với gần 12 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 1.800 tỷ đồng. Dự án có điểm nhấn là hơn 5,4 km cầu vượt biển, khổ thông thuyền hai khoang rộng 100 m, cao 12 m; tốc độ thiết kế 80 km/h, đường dẫn dài hơn 10 km, quy mô bốn làn xe. Ban QLDA 2 được Bộ GTVT giao đại diện chủ đầu tư. Liên danh các nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Cienco 4 (Việt Nam) trúng thầu xây lắp chính của dự án.

Dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và cần được tiến hành đồng thời với dự án xây dựng tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Ngồi trên xe, kỹ sư Đào Văn Long, Giám đốc Tư vấn giám sát dự án cho biết, công nghệ này chủ yếu được sử dụng để làm đê bao lấn biển. Việc sử dụng công nghệ này tại dự án, ngoài ý nghĩa làm đường công vụ để thi công còn có mục tiêu lấn biển để xây dựng hạ tầng cho các dự án, sau khi cụm công trình này đưa vào khai thác.

Với phong thái chuyên nghiệp, đầy đủ các trang phục bảo hộ trên người, ông Yamaji, đại diện nhà thầu Sumitomo Mitsui và cũng là Giám đốc Liên danh nhà thầu cùng các đồng nghiệp đứng sẵn chờ chúng tôi ở khu vực đốt dầm P9. Chỉ lên những tấm bê tông cực lớn đang được lắp ghép trên một giàn thép khổng lồ, ông Yamaji nói, để ghép lại thành cầu, các khối đốt dầm nặng đến hơn 80 tấn đã được đúc bên ngoài công trường và vận chuyển đến đây bằng xe đặc chủng, siêu trường siêu trọng. Tổng cộng gần 5 km vượt biển khó nhất do Sumitomo đảm nhận đều sử dụng công nghệ lao lắp. Để khớp các đốt với nhau, nhà thầu dùng một giàn lao “khủng”, lên đến 1.400 tấn nâng các đốt dầm lên nối với nhau. Giàn lao rất mạnh có thể nâng một lúc 19 dầm đúc sẵn có trọng lượng 80 tấn.

Theo ông Yamaji, với công nghệ này, do được làm song song kết cấu phần trên và đúc đốt dầm bên ngoài nên thời gian được rút ngắn, chỉ bằng 1/3 so với thi công truyền thống. Ngoài việc sử dụng giàn lao lắp khổng lồ thì phần móng của dự án đã được Sumitomo sử dụng công nghệ “vòng vây cọc ván thép. Công nghệ này đã từng làm tại cầu Nhật Tân và áp dụng tại đây là lần thứ hai…”.

Nhìn bao quát cả công trường rộng lớn, kéo dài đến 16 km trên biển với ba nhà thầu, theo ông Yamaji, khó khăn nhất vẫn là việc quản lý toàn bộ dự án. Ba nhà thầu liên danh (Sumitomo - CIENCO4 - Trường Sơn) có phạm vi công việc khác nhau nên việc quản lý khối lượng lớn các hạng mục để bảo đảm sự thống nhất, tiến độ, chất lượng luôn là một thử thách. Hơn thế, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra để tàu bè quốc tế ra vào mà không ảnh hưởng đến công trình…

Tuyến đường ra biển lớn

Những ngày cuối năm Ất Mùi, đứng dưới những đốt dầm đang được lắp ghép, ông Bùi Huy Kiểm, Trưởng phòng QLDA 3, phụ trách dự án Tân Vũ - Lạch Huyện chỉ tay về phía đảo Cát Hải, theo những đường găng công trình đã thành hình, nói: “Không lâu nữa sau khi dự án này hoàn thành, cuối tuyến sẽ là cảng nước sâu Lạch Huyện, sâu tới 14 m. Đây sẽ là nơi ra vào của tàu thuyền lớn từ nhiều nước mang hàng về. Sau khi hoàn thành dự án này và việc đưa cảng Lạch Huyện vào khai thác sẽ đảm bảo việc lưu thông hàng hóa không chỉ đối với Việt Nam mà còn mang ý nghĩa quan trọng của hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng. Đến nay, dù công trình này chưa hoàn thành nhưng đã có một số công ty ra lấn biển để thực hiện các dự án trong tương lai”.

Về tiến độ dự án, ông Kiểm cho biết đang vượt xa so với kế hoạch và chỉ hơn một năm nữa công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này sẽ hoàn thành. Công việc còn nhiều nhưng vẫn chạy đều nên cũng bớt lo.

Đón chúng tôi ở bến Ninh Tiếp, kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Điều hành nhà thầu CIENCO4 cho biết, có 400 công nhân của tổng công ty đang thi công. Đây là công trình quy mô lớn nhưng do sử dụng nhiều công nghệ đã được làm quen nên không có bất kỳ bỡ ngỡ nào. Được sự ủng hộ rất lớn của địa phương nên công tác GPMB rất thuận lợi. Chỉ có sinh hoạt của cán bộ, kỹ sư là hơi khó khăn, mọi thứ từ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đều phải mang từ đất liền ra. Tuy nhiên, anh em cũng được tổng công ty rất quan tâm, đời sống của cán bộ, công nhân được trả theo chế độ biển đảo, xa nhà. Bà con dân đảo cũng tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu thi công.

“Bà con còn cho biết, cây cầu này chính là ước mơ ngàn đời của 5 nghìn người dân trên đảo. Đây chính là động lực lớn để anh em công nhân nỗ lực hết mình, làm ba ca liên tục để đảm bảo tiến độ chung của dự án”, anh Hùng nói.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Phó giám đốc dự án tâm sự về câu chuyện “ba không” trên đảo Cát Hải: “Khi bắt đầu đến đây, bà con tâm sự trên hòn đảo này có 3 cái “không”: Không có ô tô, không có nhà nghỉ, khách sạn và không có người trong độ tuổi lao động. Không có ô tô là vì đảo không có đường. Không có nhà nghỉ, khách sạn vì điều kiện kinh tế và sinh hoạt của đảo. Do vậy mọi công việc phải kết thúc trước 17 giờ để kịp ra phà vào đất liền làm ăn buôn bán”. Ông Dũng chỉ về cuối tuyến: “Cụm dự án này hoàn thành, khi đó Cát Hải sẽ đổi đời. Từ xưa đến nay ở đây chỉ nổi tiếng về nước mắm truyền thống. Thế nhưng khi cảng Lạch Huyện hoàn thành, nơi đây không chỉ phá thế cô lập mà còn trở thành địa điểm lý tưởng, thành trạm trung chuyển hàng hóa, kinh doanh”.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Văn Thành tâm sự, công trình này là mong mỏi của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố để phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, nhằm đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển kinh tế biển, góp phần đưa cả nước mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển. Đây được ví như “gạch nối” hết sức quan trọng, gắn liền các khu vực kinh tế đang phát triển tại phía Đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng. Nếu không có dự án này, cảng Lạch Huyện sẽ không phát huy được hiệu quả với vai trò cảng nước sâu quốc tế.

Chỉ hơn một năm nữa, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ được hoàn thành, như là một gạch nối hoàn hảo cho các đại công trình giao thông và hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.