Lựa chọn đất dọc đường mới
Không còn cảnh nhộn nhịp về các vùng quê, những ngọn đồi cao, đất ven hồ, ven suối để chọn mua đất view đẹp, những nhà đầu tư bất động sản tại Lâm Đồng giờ có xu hướng chọn những khu trung tâm đô thị, nơi đang phát triển. Đặc biệt, bất động sản gần các dự án giao thông được quan tâm nhiều nhất.
Tại huyện Lâm Hà, dù lâu nay bất động sản trầm lắng, nhưng hai bên đường khu vực dự án vành đai Đinh Văn - Đạ Đờn giá tăng rất nhanh. Tuyến đường này đi qua đồi trồng dâu, cà phê và lúa, xưa nay người mua - bán giao dịch tính bằng hecta, tính ra khoảng 300 nghìn đồng/m2. Dự án đường vành đai dự tính chạy qua, lập tức cách mua chuyển thành mét vuông, giá cũng tăng lên từ 1-2 triệu/m2.
Nơi đang sốt nhất phải kể đến khu vực dự án đường vành đai đi qua TP Đà Lạt, có chiều dài gần 7,5km, thiết kế rộng 20m. Anh Hoàng Đức Quyết, một nhà môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho biết, rất nhiều người đang tìm đến đây để đầu tư.
Hướng tuyến đường vành đai trên có điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn); điểm cuối là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân.
Theo anh Quyết, khu vực rẻ nhất là đoạn đi qua khu nghĩa trang Du Sinh (gần đường Huyền Trân Công Chúa). Tại đây, trước khi khởi công tuyến đường tránh (2021) đất có giá khoảng 5 triệu đồng/m2. Đến nay giá đã lên tới khoảng 8 triệu đồng/m2.
"Hot nhất là đoạn đường Trúc Lâm Yên Tử gần hồ Tuyền Lâm vì gần khu du lịch, gần TP Đà Lạt, lại có quy hoạch phát triển khu đô thị mới, có xây dựng chợ, trường học nên giá cực cao. Tôi mới dẫn người mua một lô giá lên đến 12 triệu đồng/m2", anh Quyết cho biết.
Ngoài ra, dọc tuyến QL27C từ Lâm Đồng đi các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa từ cuối năm 2023 có thông tin sẽ đầu tư làm đường gần 2.000 tỷ đồng, giá đất cũng rục rịch tăng mạnh.
Theo anh Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty Bất động sản Lâm Đồng, giá đất dọc tuyến QL27C đã tăng từ 25-40% so với trước. Đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, thậm chí tăng lên gần gấp đôi so với trước năm 2023.
Giao dịch đất nền sôi động
Theo tổng hợp của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng từ 47 tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 4.140 giao dịch bất động sản trong ba tháng đầu năm 2023, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân khúc đất nền, đất để xây dựng nhà ở (gồm cả đất trong và ngoài dự án phát triển nhà ở) có tới hơn 3.810 giao dịch, tổng giá trị 4.597 tỷ đồng. Bình quân mỗi nền đất có giá khoảng 1,2 tỷ đồng.
Giao dịch mua bán đất ngoài các dự án hạ tầng giao thông còn tập trung vào các trung tâm huyện, thành phố. Giao dịch đất nền tập trung tại các huyện như: Bảo Lâm (925 giao dịch), Đức Trọng (679 giao dịch), Lâm Hà (562 giao dịch), Di Linh (383 giao dịch), TP Bảo Lộc (364 giao dịch).
Đặc biệt, TP Đà Lạt chỉ có 209 giao dịch đất nền trong quý I/2024, nhưng giá trị giao dịch lại cao nhất tỉnh, đạt 1.684 tỷ đồng.
Riêng những địa phương như: Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà từng là tâm điểm sốt đất phân lô bán nền gần ba năm trước, dẫn đến giá bị đẩy lên cao, giờ các nhà đầu tư phải bán cắt lỗ trên dưới 50%.
Bất động sản đô thị nhích nhẹ
Về loại hình nhà ở riêng lẻ (nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng hoặc nhà ở do chủ đầu tư xây dựng để bán tại các dự án nhà ở thương mại), theo báo cáo, toàn tỉnh Lâm Đồng trong quý I/2024 có 311 giao dịch với tổng giá trị 1.050 tỷ đồng. So với quý trước, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ tăng 23 căn.
Đối với căn hộ chung cư, trong quý I/2024, tại Lâm Đồng có 21 giao dịch căn hộ với tổng giá trị 18 tỷ đồng. Tất cả các giao dịch đều diễn ra tại TP Đà Lạt. So với quý trước, lượng giao dịch căn hộ chung cư tại Lâm Đồng tăng 11 căn, tổng giá trị giao dịch tăng 5,3 tỷ đồng.
Dự kiến, khi 5 dự án gồm: Khu đô thị mới số 6, Trại Mát tại phường 11, quy mô 66,06ha; dự án Khu dân cư số 5 tại phường 4, quy mô 37,54ha; Khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp tại phường 11, quy mô 0,308ha; Khu nhà ở thung lũng hoa Đà Lạt tại phường 11, quy mô 1,52ha; Khu công viên văn hóa và đô thị thành phố Đà Lạt tại phường 2, quy mô 0,97ha, bất động sản đô thị tại TP Đà Lạt sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng.
Đà Lạt sẽ thành đô thị du lịch cấp quốc gia
Trong đồ án "Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045", TP Đà Lạt và vùng phụ cận được định hướng phát triển với TP Đà Lạt mở rộng (sáp nhập huyện Lạc Dương) là đô thị trung tâm, kết hợp cùng 4 đô thị vệ tinh bao gồm: đô thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ, đô thị D’ran và đô thị Nam Ban, với tổng diện tích trên 336.000ha.
Quy hoạch tận dụng lợi thế từ hệ thống đường cao tốc được định hướng xây dựng trên địa bàn CT25, CT26, CT27 và định hướng nâng cấp sân bay Liên Khương trong tương lai để phát triển kinh tế cho địa phương với hệ thống các khu dịch vụ logistics hiện đại, cảng cạn và hệ thống công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản tại khu vực Đức Trọng.
Quy hoạch cũng định hướng tiếp tục phát triển trục di sản Đông - Tây, trục cảnh quan sông Cam Ly và hệ thống công viên đô thị, công viên chuyên đề và các khu du lịch giải trí cấp quốc gia và cấp vùng hướng tới hình ảnh một đô thị đến từ thiên nhiên… đưa Đà Lạt trở thành một đô thị du lịch cấp quốc gia, một đô thị di sản về văn hóa, môi trường tự nhiên, một đô thị sáng tạo về nghệ thuật - âm nhạc của UNESCO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận