Phát triển - Kết nối

Lâm Đồng: Sáng kiến làm đường nông thôn khác lạ của huyện Đạ Huoai

21/12/2021, 07:14

Không làm đường giao thông nông thôn 3,5m như quy định của tỉnh, huyện Đạ Huoai quyết định làm đường 5m, có lề đường 3 đến 4m.

Nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai có 4 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống là Đoàn Kết, Đạ P’loa, Phước Lộc, Đạ Oai.

Hiện nay cả 4 xã này đã về đích nông thôn mới (NTM) và đang trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Theo số liệu thống kê năm 2020, đồng bào DTTS có 7.487 người (chiếm 22% dân số), đa phần đồng bào là người Cờ Ho, Mạ, sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp.

img

Trên 90% đường giao thông nông thôn xã Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) đã được thảm nhựa, bê tông và cứng hóa

Người dân tự làm đường, tự quản lý, tự giám sát

Cái khác là Đạ Huoai không làm theo chuẩn tối thiểu 3,5 mét như quy định, vì với quy cách ấy chỉ ít năm sau lại phải vận động hiến đất mở đường. Từ năm 2019 Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định mặt đường phải đạt tối thiểu 4 mét, lề đường 2 mét; nơi nào làm đường 5 mét, lề đường 3 hoặc 4 mét thì sẽ được ưu tiên hỗ trợ vật tư làm trước. Nơi nào chỉ làm mặt đường 3,5 mét thì hỗ trợ sau.

Đầu tiên, không ít xã phản đối cho rằng lãnh đạo huyện thiếu công bằng. Nhưng huyện vẫn quyết làm vì các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phải có cái nhìn xa hơn chứ không dừng ở tầm trước mắt. Trong triển khai thực hiện, lãnh đạo huyện quyết định để dân tự làm, tự quản, tự giám sát; Cùng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao trách nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch và các Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp kiểm tra vật tư hỗ trợ, chất lượng công trình. Kết quả, phần vật tư nhà nước hỗ trợ không bị tiêu hao vô hình; chất lượng công trình đảm bảo 100% yêu cầu kỹ thuật.

Bây giờ ở Đạ Huoai, đường nông thôn không còn nhỏ hẹp, xe tải vận chuyển vật tư đến tận vườn, đã xuất hiện nhiều xe bán tải của nông dân, bộ mặt một số vùng nông thôn ở Đạ Huoai hiển hiện nét văn minh như nông thôn của một số nước phát triển trong khu vực…

Trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS , huyện đã tập trung đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng kinh phí kế hoạch năm 2020 gần 34 tỷ đồng. Cụ thể: Đầu tư các tuyến đường như đường Thôn 1, Đạ Tồn đi buôn B’kẻh của thị trấn Mađaguôi; đường từ Quốc lộ 20 đi vào trung tâm xã Đạ P’loa; hỗ trợ đào ao, hồ xã Đoàn Kết; đường nội đồng xã Đoàn Kết...

Ông Lưu Hồng Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: Trong những năm qua, huyện Đạ Huoai luôn chú trọng công tác phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Năm 2021 huyện phấn đấu giảm nghèo toàn huyện là 12/69 hộ, trong đó có 7 hộ nghèo là đồng bào DTTS; giảm 45/69 hộ cận nghèo, trong đó có 21 hộ đồng bào DTTS.

Làm tốt công tác dân vận

Theo đánh giá của UBND huyện Ðạ Huoai, để đạt được kết quả tốt trong công tác vận động quần chúng tham gia hiến đất, cần phải quan tâm giải quyết một số vấn đề: Trước hết chính quyền phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch thực hiện đầu tư đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn và công khai quy hoạch, tổ chức tuyên truyền để nhân dân thấy được ý nghĩa về mặt KT-XH cũng như dân sinh của từng con đường khi được đầu tư.

img

Những cung đường hẻo lánh qua các buôn làng cũng được bê tông hóa

Tất cả các chủ trương về đầu tư, phương châm thực hiện đều được quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và toàn thể nhân dân.

Giao trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong việc vận động nhân dân để giải phóng mặt bằng, coi đây là tiêu chí trong đánh giá, phân loại tổ chức Ðảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở.

Lãnh đạo huyện phải dành thời gian đúng mức để dự và chủ trì các hội nghị ở cơ sở đối với những công trình liên quan đến nhiều hộ dân phải giải tỏa.

Chính quyền địa phương thực hiện công bằng, bình đẳng giữa tất cả các hộ dân. Chính quyền phải nghe tâm tư, nguyện vọng và những nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm giải quyết công việc hợp lý, công bằng, công khai, dân chủ.

Khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng thì dự án phải thực hiện đúng tiến độ đã đề ra, bảo đảm lòng tin đối với nhân dân. Cuối cùng, sau mỗi dự án phải tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra những nhân tố tích cực nhất trong cuộc vận động để tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong nhân dân...

Cách làm của chính quyền đã được nhân dân toàn huyện ủng hộ. Việc hiến đất làm đường đã được người dân ủng hộ cách đây hàng chục năm. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tuệ ở tổ 11, khu phố 5. Chồng là thợ hồ, chị ở nhà làm gia công mây tre đan nuôi bốn đứa con ăn học. Ấy vậy mà khi cán bộ thị trấn vận động, anh chị đã sẵn sàng hiến 8 m đất mặt tiền với tổng diện tích 1.144 m2, trong tổng số 18 m đất mặt tiền của nhà mình để cho Nhà nước làm đường.

Chị Tuệ tâm sự: "Ban đầu cũng tiếc, vì nếu đem bán, gia đình tôi sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi suy tính, tôi thấy mình đã quyết định đúng và chúng tôi hạnh phúc vì đã đóng góp được một phần trách nhiệm với Nhà nước và bà con nơi đây".

Gia đình bác Ngô Quốc Ðạt, ở tổ 9, khu phố 4 có tất cả 4 sào đất, nhưng khi có chủ trương làm đường bác Đạt đã hiến 230m2. Vợ bác Ðạt cho biết: "Khi ấy gia đình tôi có ba con đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, một cháu đang học lớp 11. Mỗi năm chúng tôi phải chu cấp trên 30 triệu đồng cho các cháu ăn học". Với người nông dân, trong thời buổi chi phí đắt đỏ thế này, nuôi một người con học đại học vất vả như thế nào, họ phải chắt chiu, tích cóp từng đồng, giảm mọi chi phí trong gia đình để gửi tiền cho con ăn học. Ðể từ đó, mới hiểu được tấm lòng của bà con, khi họ sẵn sàng hiến hàng nghìn mét đất vì sự nghiệp chung...

Hay như xã Hà Lâm năm 2020 có 124 hộ tham gia hiến đất với diện tích khoảng gần 30.000m2. Có người hiến nhiều, người hiến ít; có người hiến vài chục m2, cũng có người hiến hàng nghìn m2. Ðó quả là một việc làm hết sức cao cả, đáng hoan nghênh.

Trong danh sách của huyện có những cái tên như: ông Nguyễn Văn Thuấn ở thôn 4 hiến 600m2 đất đã trồng sầu riêng 6-7 năm tuổi đang cho thu hoạch; ông Trần Thế Ðồng đã dời nhà và chặt bỏ 30 cây mít tố nữ để bàn giao 1.000m2 đất cho địa phương làm đường, nhân dân thôn 4 đã tự nguyện chặt bỏ 300 cây sầu riêng và mít tố nữ, chôm chôm để làm đường.

Huyện Đạ Huoai chưa có thống kê chính xác, nhưng nếu Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù theo giá thị trường, có lẽ số tiền phải lên đến hàng chục tỷ đồng. Chỉ biết rằng, riêng thiệt hại về hoa màu trên đất của bà con, theo tính toán của UBND huyện đã lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.