Y tế

Lạm dụng kháng sinh, thuốc chữa bệnh sẽ vô hiệu

27/11/2015, 19:00

88% thuốc kháng sinh bán không theo đơn thuốc, đó là con số thống kê mới nhất của Bộ Y tế.

11
Mua kháng sinh dễ hơn mua rau (ảnh minh họa)

Suýt mất mạng vì lạm dụng kháng sinh

Cách đây không lâu, bé Đ.Q.V (8 tháng tuổi, Hải Hậu, Nam Định) nhập viện với căn bệnh viêm màng não mủ biến chứng, sốc nhiễm khuẩn và tiên lượng ban đầu rất xấu. Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (BV Bạch Mai), một trong những nguyên nhân khiến các bác sỹ bị đánh lạc hướng trong việc chẩn đoán bệnh là do bé được điều trị kháng sinh không đúng trước khi nhập viện. Suốt một tuần nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện viêm phổi, điều trị không dứt và có biểu hiện bệnh tăng nặng. Bằng kinh nghiệm lâu năm, nghi ngờ bệnh nhi mắc viêm màng não, các bác sỹ quyết định cho chọc dịch màng não tủy và kết quả như dự đoán. Một phác đồ đặc biệt với liều dùng kháng sinh mạnh nhất được đưa ra, sau hơn ba tháng điều trị, bệnh nhi may mắn thoát “lưỡi hái tử thần”.

“Việc sử dụng loại thuốc không hợp lý hoặc lạm dụng kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới. Hệ lụy kéo theo là sự gia tăng các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc, thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, trở thành gánh nặng cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội”.

Ông Lương Ngọc Khuê
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế

Tương tự, trường hợp bệnh nhi N.V.L (12 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) cũng khiến các bác sỹ “đau đầu” vì tình trạng kháng kháng sinh khi điều trị nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, phải thở máy, tuy nhiên, dùng đến loại kháng sinh điều trị tụ cầu thế hệ 2 vẫn không đáp ứng. Buộc bác sỹ phải đổi kháng sinh thế hệ 3, loại thuốc cuối cùng dùng để điều trị tụ cầu vàng. May mắn, bệnh nhân đáp ứng điều trị với loại kháng sinh này. Sau gần hai tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã hồi phục. Với trường hợp này, theo BS. Dũng, nguyên nhân phải dùng đến kháng sinh thế hệ cuối cùng vì cơ thể trẻ đã kháng thuốc do cha mẹ tự ý sử dụng kháng sinh trước khi nhập viện.

Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, có đến 70-80% cha mẹ tự ý cho trẻ uống 1-2 loại kháng sinh trước khi đến khám và điều trị tại khoa. Hậu họa của lạm dụng kháng sinh là khôn lường.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: “Nhiều cha mẹ hễ thấy con ho, sốt là lập tức mua kháng sinh cho con uống mà không cần khám bác sỹ. Chỉ đến khi bệnh tình trẻ tăng nặng mới cho nhập viện”.

Nhận định về tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, hiện ở Việt Nam, các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh ở mức báo động. Nguy cơ đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm gần hiển hiện nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Bất chấp luật vì…lợi nhuận

Trước thực trạng, tùy tiện mua bán và sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận: “Chưa có nước nào mà mua thuốc kháng sinh lại dễ như ở Việt Nam. Cho dù, Bộ Y tế đã có quy định yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn của bác sỹ, tuy nhiên, nhiều nơi không thực hiện, trong khi chế tài xử phạt thấp”. Cùng quan điểm, ông Cao Hưng Thái nhận định: “Việc kiểm tra giám sát chưa sát sao, chỉ thỉnh thoảng hoặc vô tình có vài nhà thuốc bị phát hiện vi phạm. Vì lợi nhuận, các nhà thuốc sẵn sàng bán không cần đơn của bác sỹ.”

Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Luật Dược cấm bán thuốc không theo đơn đối với các loại thuốc phải kê đơn, đồng thời có quy chế rõ ràng về việc kê đơn đối với bác sỹ. Tuy nhiên, vẫn cần phải bổ sung thêm quy định và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, nhất là đối với nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc ngoài bệnh viện. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt. Theo đó, thời gian tới, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Quản lý dược nghiên cứu, phối hợp ban hành Thông tư về kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.

“Trong Luật Dược sửa đổi Bộ Y tế đang trình Quốc hội (dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp tới) có đề cập đến quy định cấm mua, bán thuốc không có đơn của bác sỹ”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.