Chuyện dọc đường

Làm gì để cán bộ “không muốn tham nhũng”?

29/01/2021, 05:52

Cần thiết phải có cơ chế bảo đảm, đãi ngộ, cải cách chế độ tiền lương hợp lý để cán bộ “không cần, không muốn tham nhũng”...

img

Tranh minh họa

Kiểm soát quyền lực là nội dung được Đảng ta đặt ra từ những kỳ đại hội trước. Bởi người có chức vụ, quyền hạn nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.

Để kiểm soát quyền lực hiện nay chúng ta đã có nhiều quy chế, giải pháp được triển khai chặt chẽ đến từng đảng viên và tổ chức đảng.

Đơn cử trong văn kiện dự thảo Đại hội Đảng XIII đã thể hiện sự khác biệt so với trước đây. Từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “không thể, không dám và không cần”. Lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”, ngoài “ba không” như trước đây thì giờ có thêm “một không” nữa là “không muốn” tham nhũng.

Việc đưa nội dung “không muốn” tham nhũng vào như vậy cho thấy quyết tâm của Đảng ta là chống tham nhũng từ “trong trứng nước”. Có nghĩa là ngay cả trong suy nghĩ anh cũng không có cơ hội, không muốn thực hiện hành vi tham nhũng. Nhưng làm thế nào để mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức vụ quyền hạn “không muốn tham nhũng”?

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, mức đãi ngộ, thu nhập của cán bộ công chức hiện nay là chưa cao, nhiều vị trí chưa tương xứng với trách nhiệm và công việc phải thực hiện.

Vì thu nhập chưa tương xứng nên nhiều người mới nghĩ, mới làm những việc tiêu cực để có tiền. Bởi vậy, cần thiết phải có cơ chế bảo đảm, đãi ngộ, cải cách chế độ tiền lương hợp lý để họ “không cần, không muốn tham nhũng”. Điều này có nghĩa rằng khi người ta yên tâm về vấn đề kinh tế rồi thì tham nhũng, tiêu cực sẽ được hạn chế.

Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là khi đã có mức thu nhập thỏa đáng rồi thì người ta sẽ không tham nhũng, tiêu cực nữa. Bởi thực tế cho thấy có những những người đâu phải quá túng thiếu nhưng vẫn tham nhũng, tiêu cực đó thôi?

Vì thế, bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức, cần phải kiên trì giáo dục, tạo ra ý thức không muốn tham nhũng, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra trong đảng cần phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, để cho mỗi cán bộ luôn luôn suy nghĩ: Nếu có hành vi tham nhũng thì chắc chắn sẽ bị phát hiện, vì thế ngay từ trong suy nghĩ họ đã “không muốn” tham nhũng rồi. Điều rất cần thiết nữa là phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng”.

Để thiết lập được các cơ chế đó, việc trước hết phải làm là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng phải được thể chế hóa thành pháp luật.

Các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm công khai, minh bạch, không có sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Trong nhiệm kỳ qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những kết quả rất tích cực, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Tôi rất mong tinh thần này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong khóa XIII, với phương châm đã nói là làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có lúc nào ngừng nghỉ.

Làm được như vậy, tôi tin là bất kỳ ai cũng sẽ “không muốn tham nhũng” nữa!

Lê Như Tiến - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.