Sáng nay (30/6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 với sự tham dự của hơn 81.000 đại biểu trong toàn quốc.
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo tổ chức, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Tại hội nghị này, sẽ có thông điệp mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư gửi tới toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào tháng 8/2021
Chia sẻ về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và những kỳ vọng cho thời gian tới, nhiều chuyên gia bày tỏ mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng...
Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Nhân dân giám sát, kiểm soát
Tháng 1/1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ lần thứ VII, Đảng ta đã nhận định, tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đối với đất nước.
Nhìn lại 28 năm qua, nhất là 10 năm trở lại đây, chúng ta đã nhận diện, tìm kế sách để khắc chế và tiêu diệt tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao nhất.
10 năm qua là 10 khó khăn và gian khổ, vượt qua không ít khúc quanh co, có lúc thăng trầm. Chống tham nhũng được nhận diện một cách toàn diện, sâu sắc hơn, từ thủ đoạn tham nhũng, đối tượng tham nhũng, lực lượng tham nhũng. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta không chỉ chủ động, mạnh mẽ ở trong nước mà còn chủ động hợp tác liên kết với quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Chúng ta đã xử lý rất nghiêm khắc trên tinh thần không vùng cấm, không ngoại lệ, không trừ một ai, từ cán bộ cấp cơ sở đến thứ trưởng, bộ trưởng, từ đảng viên không giữ chức vụ đến ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, với tinh thần xử lý kiên quyết không vùng cấm, không vùng tránh, không ngoại lệ và dứt khoát không chừa một ai, một cấp nào và một phương diện nào.
Trước thực trạng tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu… và tác họa khôn lường, vấn đề rường cột cốt tử ở đây là, làm tốt yếu tố cán bộ. Phải lựa chọn cán bộ có quyết tâm, có năng lực, có đạo đức. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền… phải gương mẫu - trung thực - liêm sỉ và kỷ luật trong phòng chống tham nhũng.
Không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng được. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực.
Đặc biệt, tất cả phải sống trong lòng nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương): Không để "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Trong 10 năm qua, sau khi được kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)
Trước đây chúng ta đã có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là tham nhũng gắn liền với quyền lực nhà nước mà cơ quan chỉ đạo lại là cơ quan quyền lực nhà nước, như vậy chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI bàn một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Trong đó, kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo.
Và giờ đang kiện toàn Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh do các bí thư Tỉnh uỷ, thành uỷ làm trưởng ban để tăng cường sự giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Củng cố niềm tin của nhân dân
Bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân” và cũng không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cách đây 10 năm tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến cam kết của 16 thành viên lúc đó phải “liêm, dũng, chính, trực”.
Trong thời gian này, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu; từ bị động, đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ.
Qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Làm tốt công tác cán bộ
Bài học thực tiễn do chọn người không đúng mới nảy sinh tham nhũng chính sách, nảy sinh lạm dụng chính sách trục lợi. Bởi vậy, tiên quyết nhất là chọn nhân sự đúng tầm, có năng lực tư tư duy, có tâm trong sáng vì việc chung chứ không vì cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.
Phải xây dựng được cơ chế như Tổng Bí thư nói "Không thể, không muốn và không cần tham nhũng”. Giải pháp đấy tập trung vào tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt chức danh lãnh đạo, để người với tới thì lưới pháp luật chạm đến, để từ bỏ mưu mô chui sâu, leo cao vào bộ máy, trục lợi".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận