Phát mại tài sản cầm cố - một trong những biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu Bộ KH&ĐT không đưa kiến nghị dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các DN Nhà nước vào báo cáo trình QH. Theo ông, có cách nào để tháo nút thắt trong xử lý nợ xấu hiện nay?
Tôi cho rằng, sửa đổi một số quy định của pháp luật hiện hành nhằm thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu là điều các ngân hàng cần hơn việc dùng vốn ngân sách tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu như một số kiến nghị trước đó.
Theo ông Trương Văn Phước, tăng trưởng tín dụng khó khăn vừa qua không hẳn do nợ xấu mà do doanh nghiệp không dám vay vì sức cầu nền kinh tế còn yếu. Nhưng dù doanh nghiệp không vay mới, thì trong nền kinh tế vẫn còn dư nợ tín dụng khoảng 4-5 triệu tỷ đồng - đang nằm trong các nhà máy, phân xưởng, nguyên vật liệu…, góp phần giúp nền kinh tế vận hành, tăng trưởng. |
Nội dung sửa đổi, trước hết, đó là thủ tục pháp lý để tiến hành phát mãi tài sản thế chấp trong trường hợp người đi vay không có khả năng trả nợ. Theo quy định, nếu ngân hàng và khách hàng không thỏa thuận được về phương án xử lý tài sản đảm bảo sẽ phải chờ sự phán quyết của TAND có thẩm quyền.
Trên thực tế, trường hợp khách hàng hợp tác rất ít, nên quá trình phát mại tài sản thông thường phải mất vài năm, có vụ việc kéo dài đến 5-7 năm, làm ngân hàng tăng chi phí trong khi nhiều tài sản sụt giảm giá trị nghiêm trọng. Do vậy, cần sửa đổi quy định, theo đó, tất cả các khoản vay khi quá hạn, tài sản đảm bảo có thể đưa ra trung tâm thẩm định định giá, đấu giá để phát mại.
Cũng theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng không được dùng quá 50% vốn điều lệ để mua tài sản cố định, trong khi đó, những tài sản cấn nợ, siết nợ cũng được tính vào hoạt động mua sắm tài sản cố định. Nếu không loại bỏ quy định máy móc này, các ngân hàng không thể mạnh tay thu hồi tài sản đảm bảo được.
Tôi lấy ví dụ, ngân hàng A cho doanh nghiệp B vay 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp không trả được nợ, tài sản thế chấp được định giá nhanh chóng, ngân hàng đứng ra mua lại và doanh nghiệp sẽ có tiền để trả ngân hàng. Như vậy, nợ xấu của ngân hàng mất đi. Và nếu các quy định nói trên được sửa đổi, tôi tin rằng quá trình xử lý nợ xấu của chúng ta sẽ rút ngắn được vài năm so với mục tiêu.
Nếu ngân hàng nào cũng cấn nợ, siết nợ như vậy, vốn liếng sẽ đọng cả trong mớ tài sản thế chấp, lấy đâu tiền mới để quay vòng, nhất là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, thưa ông?
Nhưng nếu các ngân hàng không làm điều này thì nợ xấu cũng không tốt lên và họ cũng vẫn không có tiền để quay vòng. Còn nếu cấn nợ, siết nợ bằng cách trên, sẽ giúp ngân hàng thu hồi được một khối tài sản và họ có thể bán ra được đồng nào tốt đồng đó.
Cùng với đó, chúng ta phải tạo điều kiện để khơi thông thị trường bất động sản, bằng cách xây, sửa khung pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài mua nhà, mua đất, tạo ra niềm tin, sự hưng phấn… Khi thị trường bất động sản chuyển động, thị trường tài sản bảo đảm tăng giá trị. Các tổ chức tín dụng, khi có thêm dòng vốn để hoạt động, dư nợ tín dụng tăng, khối tín dụng lành mạnh sẽ góp phần giúp “khối u” nợ xấu teo dần lại…
Với diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay, theo tính toán của ông, giá trị tài sản đảm bảo liệu “còn đủ” để xử lý nợ xấu?
Ngay cả với tình trạng giảm giá mạnh vừa qua của thị trường bất động sản, tổng giá trị tài sản đảm bảo vẫn lớn hơn tổng dư nợ của nền kinh tế - vào khoảng 4-5 triệu tỷ đồng hiện nay. Bởi thông thường, các ngân hàng bao giờ cũng định giá tài sản thấp hơn giá trị thị trường và cũng chỉ cho vay 60-70% giá trị tài sản đảm bảo. Tôi lấy ví dụ, với tài sản đảm bảo là một lô đất trị giá 20 tỷ đồng, khách hàng cũng chỉ vay vốn được khoảng 10 tỷ đồng. Do vậy, ngay cả khi tài sản này giảm tới 50%, ngân hàng siết nợ cũng thu đủ ít nhất tiền gốc.
Xin cảm ơn ông.
Thảo Nguyên
(Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận