Gần 80% tai nạn liên quan đến tàu cá
Con số trên được ông Vũ Việt Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam thông tin với PV Báo Giao thông.
Nhiều nguyên nhân khiến tàu cá là đối tượng dễ bị xảy ra tai nạn, sự cố trên biển. Ảnh: Sỹ Tuyên
6 tháng đầu năm nay, Trung tâm nhận được 148 vụ báo nạn trong đó có 111 vụ báo nạn, đã phối hợp tìm kiếm cứu nạn 89 vụ, cứu và hỗ trợ 287 người cùng 16 tàu.
Ngư dân đi biển hay bị tai nạn bởi nhiều nguyên nhân, có thể do tình hình thời tiết bất thường, chất lượng các tàu cá không đảm bảo an toàn, các phương tiện cứu sinh, tín hiệu, trang bị hàng hải, thông tin liên lạc trên tàu cá... hầu như không đủ theo quy định. Nhiều thiết bị chất lượng kém, không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, dễ hỏng hóc bất ngờ khi đang hoạt động trên biển.
Ông Lê Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản)
Đáng chú ý, số lượng tàu cá gặp nạn chiếm phần lớn với 85 vụ việc, chiếm 76,6%.
“Tàu cá luôn là phương tiện nằm trong diện hay gặp sự cố, tai nạn trên biển nhiều nhất. Các tàu hay gặp nạn chủ yếu là hoạt động xa bờ trên 30 hải lý”, ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, ngư dân hiện nay đi hành nghề vẫn chủ yếu sử dụng tàu vỏ gỗ, cũ, máy móc lắp đặt trên tàu chủ yếu là loại rẻ tiền để tiết kiệm kinh phí.
Do đó, khi mưa bão, khả năng chịu sóng của các tàu này tương đối yếu.
Máy móc yếu cũng dẫn tới những sự cố hỏng máy, tàu mất điều động phải thả trôi trên biển.
Chưa kể, tàu vỏ gỗ lâu ngày bị mọt, bào mòn, dễ dẫn tới thủng vỏ, tiềm ẩn nguy hiểm chìm tàu.
Tình huống này khá giống với các trường hợp tàu cá của Quảng Bình bị hỏng máy, thả trôi trên biển Quảng Bình.
Đó là vụ tàu QB 98084 TS bị vỡ hộp số, mất neo tại vị trí cách TP Quảng Ngãi khoảng 57 hải lý. Khi đến hỗ trợ, tàu QB 98196 TS cũng không thể lai kéo.
Cuối cùng, tàu QB 98084 TS đã chìm hẳn, còn tàu QB 98196 TS bị hỏng chân vịt, mất khả năng điều động, tàu thả trôi với vận tốc khoảng 2 hải lý/h.
“Mỗi năm, chúng tôi đi cứu nạn rất nhiều tàu trong tình trạng bị phá nước. Nhiều người dân đi biển kiểu cha truyền con nối, không có kinh nghiệm nên các kỹ năng điều động tàu thuyền trên biển cũng kém”, ông Hùng nói và cho hay, thực tế nhiều tàu không trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thuốc men nên khi gặp sự cố, dễ xảy ra tai nạn.
Chưa kể, các thiết bị thông tin liên lạc có tần số ngắn, thông tin về bờ rất chậm nên việc ứng cứu nhiều khi không kịp thời. Cùng đó, các tàu thuyền được lắp hệ thống giám sát hành trình trên biển cũng ít so với nhu cầu thực tế.
Làm gì để hạn chế thấp nhất tai nạn?
Trong mùa mưa bão, các tàu cá dễ có nguy cơ bị tai nạn. Ảnh: NT
Khánh Hòa hiện có khoảng 693 tàu đi đánh bắt xa bờ. Hoạt động đánh bắt trên vùng biển nơi đây luôn sôi động nhưng cũng không ít tàu cá đã gặp sự cố, tai nạn.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa) cho biết, mỗi năm lực lượng chức năng đều tổ chức những cuộc tuyên truyền cho ngư dân về tính thiết yếu của các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; hướng dẫn cách sơ cứu trong trường hợp có tai nạn, cách báo nạn khi gặp sự cố.
Lực lượng chức năng thậm chí hướng dẫn người dân cả cách chằng buộc, sử dụng các thùng nước trên tàu thuyền để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Én, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn là thời điểm gần mưa bão, mật độ các loài thủy hải sản nhiều hơn. Người dân đánh bắt ham, cố thêm một chút, rồi bão tới chạy không kịp.
Để phòng tránh tai nạn, sự cố trên biển, hiện nay tại khu vực Khánh Hòa, bộ phận đăng kiểm luôn kiểm tra kỹ lưỡng các tàu cá mới cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật để tàu ra khơi.
Theo Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 104 vụ/104 tàu/570 người gặp tai nạn và sự cố trên biển. Hậu quả, chìm 14 tàu, 2 tàu mất liên lạc, chết 25 người và mất tích 57 người.
Ngoài ra, địa phương cũng tích cực huy động các nguồn vốn hỗ trợ ngư dân, để người đi biển có các tàu đạt chất lượng an toàn.
Các tàu để được ra khơi để phải trang bị các thiết bị cứu sinh như: Áo phao, định vị, thiết bị giám sát hành trình…
Trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (MRCC) cũng tham gia nhiều vụ cứu nạn tàu cá.
Tuy nhiên, việc cứu nạn phần lớn phụ thuộc vào lực lượng cứu nạn địa phương, phối hợp lực lượng tại chỗ. MRCC vướng những hạn chế về mặt nhân, vật lực, chỉ có 7 chiếc tàu cứu nạn, phân trải cho các khu vực trên cả nước.
Ông Vũ Việt Hùng cho rằng, việc cứu hộ tàu cá mang tính thủ công nên khá phức tạp, cần những người có kinh nghiệm xử lý. Bởi so với tàu vận tải hàng hải, tàu cá nhỏ và các thiết bị liên lạc thiếu hiện đại.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của khi hoạt động trên biển, ngoài các trang thiết bị cứu sinh, ông Hùng khuyến cáo ngư dân cần có thêm một số thứ như đuốc cầm tay, pháo khói để dễ báo hiệu cho các tàu thuyền xung quanh ứng cứu kịp thời.
Công tác quản lý tàu thuyền cũng cần được tăng cường, chỉ cho phép các tàu thuyền đủ điều kiện bảo đảm an toàn được ra khơi; tăng cường bồi dưỡng cho bà con các kỹ năng cần thiết khi đi biển...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận