Trẻ nhỏ thường cho những đồ vật dễ cầm nắm vào mồm theo phản xạ và sự tò mò - Ảnh: Thùy Sinh |
Suýt mất mạng vì dị vật
Bé Nguyễn Thành N. (5 tháng tuổi, Vĩnh Phúc) nhập Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng sốt cao, quấy khóc, ho và thở khò khè. Qua chụp X-quang, các bác sỹ phát hiện có dị vật là một chiếc đinh vít nhọn dài chừng 1cm đâm sâu vào thành thực quản, gây áp-xe thực quản. Bố mẹ bệnh nhi cũng ngỡ ngàng “không biết dị vật đã chui vào miệng con mình từ khi nào”. Bệnh nhân lập tức được can thiệp nội soi, gắp dị vật thành công.
"Riêng với trẻ em viêm đường hô hấp dưới (viên phế quản, phế nang), trong trường hợp đã được điều trị tích cực mà không đạt hiệu quả thì cần nghĩ ngay tới trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở”. Bác sỹ Dương Văn Tiến |
Bé Lê Hữu K. (12 tháng tuổi, Hà Tĩnh), được gia đình đưa cấp cứu từ tuyến tỉnh rồi chuyển gấp lên tuyến T.Ư trong tình trạng nuốt đau, họng rớm máu. Trước đó, K. đã nuốt sợi dây cài áo vào bụng. Sau khi chụp X-quang, K. được các bác sỹ Bệnh viện Nhi T.Ư nội soi, kéo dị vật từ dạ dày, nhưng sợi dây cài áo đã cuộn lại và bị mắc một phần ở thực quản, một phần ở họng, có nguy cơ gây xây xước, thậm chí thủng thực quản, khiến các bác sỹ rất khó khăn mới gắp dị vật ra an toàn.
Bé Nguyễn Linh N. (15 tháng tuổi ở Hà Nội) khò khè, khó thở kéo dài hơn một tháng, cho dù được đi khám nhiều lần với chẩn đoán viêm phế quản, chỉ định uống kháng sinh và khí dung nhưng bệnh càng nặng. Tới Bệnh viện Nhi T.Ư, bé N. được chẩn đoán có dị vật đường thở, buộc phải nội soi cấp cứu. Kết quả, hai mảnh của hạt quất hồng bì nằm ở khí quản và ở phế quản gốc phải được các bác sỹ gắp ra. Sau đó, chứng khò khè khó thở của N. lập tức biến mất.
Theo TS. Phan Thị Hiền, phụ trách khoa Nội soi, Bệnh viện Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca. Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, đinh vít, dây xích... “Phần lớn hóc dị vật thường xảy đến với các bệnh nhi nhỏ tuổi, dị vật lại cắm sâu gây loét xung quanh thành thực quản nên việc gắp ra rất khó khăn. Những trường hợp hóc dị vật phát hiện chậm trễ, để lâu sẽ dẫn tới thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng”, TS. Hiền cho biết.
Để trẻ tránh xa vật dụng nhỏ
Theo các bác sỹ, trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, tò mò, hay có thói quen cho các vật vào miệng. Dị vật vô tình rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Theo bác sỹ Dương Văn Tiến, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện GTVT T.Ư, khi dị vật rơi vào đường thở, gây hội chứng xâm nhập với các biểu hiện như ngừng thở, ho sặc sụa, người tím tái, vã mồ hôi. Sau hội chứng xâm nhập, nếu dị vật vào thanh quản sẽ làm trẻ khàn tiếng, ho; vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn; vào phế quản gây khó thở giống như viêm phế quản hay viêm phổi... Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.
“Khi phát hiện trẻ hóc dị vật, phải nhanh chóng đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được la mắng trẻ. Khi đến bệnh viện phải thông báo trẻ hóc dị vật gì để các bác sỹ nhanh chóng có hướng xử lý”, bác sỹ Tiến cho biết.
Để phòng tránh hóc dị vật ở trẻ, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, không nên đeo đồ trang sức cho trẻ, luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình..
Nên tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng, từ những vật nhỏ đến đồ chơi, vật cứng. Ðối với trẻ từ 1-3 tuổi, không nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ rơi vào đường thở như các loại hạt, xương mà nên lọc bỏ. Với những trẻ lớn hơn, không để trẻ nô nghịch, cười đùa khi ăn khiến trẻ mất tập trung dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận