Chất lượng sống

Làm gì phòng biến chứng sốt xuất huyết, tay chân miệng?

06/10/2016, 07:55
image

Theo nhận định, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, nhiều ca bệnh bị biến chứng nặng.

2 (2)
Trẻ nằm điều trị ngoài hành lang tại Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 (TP HCM)

Bệnh nhi tăng 30%

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, hiện nay bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có chiều hướng tăng mạnh. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), các khoa điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đều đã kín giường bệnh. Mỗi giường phải nằm ít nhất hai bệnh nhi.

Chưa hết, ngoài hành lang khu điều trị, la liệt người nhà và bệnh nhi trải chiếu ra nằm. Chị Nguyễn Thị Như Mai (30 tuổi, quê Long An) đưa con là bé Nguyễn Ngọc Thảo Vy (7 tháng tuổi) lên điều trị sốt xuất huyết buộc phải nằm điều trị ngoài hành lang hơn một tháng. “Khi mới đưa bé lên nhập viện, bác sĩ đã chỉ định vào nằm chung với một bệnh nhi khác. Tuy nhiên, do thấy quá chật chội, sợ bệnh của bé lại nặng thêm nên đành phải mua chiếu cho con nằm ngoài hành lang cho thoáng”, chị Mai kể.

Chia sẻ với PV, anh Thái Hoàng Linh (30 tuổi, quê Trà Vinh) cũng đưa bé gái 26 tháng tuổi tới điều trị từ tối 2/10 cho hay: “Hành lang cũng không còn chỗ nằm. Mãi sau kiếm được một chỗ thì đến tối trời mưa tầm tã, tôi lại đưa bé vào trong. Hôm nay hết mưa tôi lại đưa bé ra ngoài. Mỗi khi bác sĩ xuống khám bệnh, nghe đọc tên trên loa thì lại đưa cháu vào phòng để khám”.

Tình trạng chật kín từ trong ra ngoài cũng xảy ra tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, nơi điều trị bệnh tay chân miệng. Chị Nguyễn Thị Phụng (32 tuổi, quê Long An) đang ôm bé Vương Phi Yến (4 tuổi) ngoài hành lang cho biết: “Tôi đưa bé lên từ hôm 1/10 nhưng không có chỗ nằm, phải đưa ra ngoài hành lang. Mong sao bệnh viện bố trí được chỗ chứ tối trời mưa rất lạnh, người lớn còn chịu được chứ trẻ con đang bệnh thì tội quá”.

Để phòng bệnh tay chân miệng, cả người lớn và trẻ em đều cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín… Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cho trẻ cách ly tại nhà trong khoảng thời gian 10-14 ngày đầu của bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng…”.

Ths. BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư

BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn hiện nay đã lên tới hơn 12.500 ca (tăng 29% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có ba trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng trong đầu năm học này, nhiều ca bệnh nặng phải thở máy. Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 9, cả thành phố có 130 ca nhập viện, tăng 23% so với trung bình các tuần trước. Tương tự, tại Hà Nội, BS. Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Phó giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Thời điểm này, tại khoa bệnh nhi tăng khoảng 30%, ngoài các bệnh lý hô hấp thì tỷ lệ trẻ tới khám và điều trị bệnh tay chân miệng chiếm đa số. Theo chu kỳ, hiện bệnh tay chân miệng bắt đầu bước vào cao điểm”.

Cẩn trọng biến chứng bệnh tay chân miệng  

Hiện, bệnh tay chân miệng bắt đầu bước vào cao điểm. Mặc dù được coi là bệnh lành tính nhưng nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, bệnh nhân phải  đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Cụ thể, tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, có bốn trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng cấp độ 3 và phải dùng máy thở. Tại Khoa Nhi BV Đa khoa Xanh Pôn, chị Trần Hương Lan (Ba Đình, Hà Nội) đang chăm sóc con mắc tay chân miệng nhập viện đã hai ngày cho hay, ban đầu cũng chỉ lốm đốm xuất hiện vài nốt phỏng ở tay, chân, sau một ngày thì lợt miệng. Con không ăn uống được gì. Đến ngày thứ ba thì bé sốt cao. Vào viện khám các bác sĩ giữ lại để tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị.

Theo BS. Nguyễn Văn Thường, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Thông thường bệnh tay chân miệng không phát triển những biến chứng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể hồi phục trong 7 - 10 ngày mà không cần điều trị y tế. “Tuy nhiên, không loại trừ số biến chứng có thể xảy đến như viêm màng não virus với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng. Thậm chí, nếu không kịp thời phát hiện điều trị, trẻ có thể tử vong. Do vậy, nếu có biểu hiện này, cha mẹ nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế”, BS. Thường khuyến cáo.

>>> Xem thêm video kinh hoàng virus Ebola khiến 20.000 lây nhiễm:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.