Người lớn, trẻ nhỏ nứt nẻ, ngứa ngáy vì… trời hanh khô
Những ngày gần đây, các bệnh viện Da liễu trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận đông bệnh nhân đến khám về da như viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ do lạnh.
Bé Thu Hoài (2 tuổi, Hà Nội) được mẹ đưa tới BV Da liễu Trung ương khám trong tình trạng bị nổi mảng rát đỏ, da khô sần, ngứa ở lưng, ngực, hai tay, chân. Trước đó gia đình tự mua thuốc về nhà để bôi da cho con nhưng sẩn ngứa của trẻ không thuyên giảm mà tiếp tục lan ra toàn thân khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, ngủ không ngon, ăn kém. Lúc này trẻ được mẹ đưa đi khám và được chẩn đoán bị viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa tăng do thời tiết chuyển mùa hanh khô
Cũng tại đây, chị Nguyễn Thị An (32 tuổi, Hà Nội) tìm đến bệnh viện khám sau khi tự mua thuốc điều trị nhưng không khỏi. Chị An cho biết khoảng 4 ngày trước thấy xuất hiện các sẩn đỏ ở kẽ ngón tay, rất ngứa, chị ngãi nhiều gây tróc da, nứt kẻ. Sau khi tự bôi thuốc, bệnh không giảm, ngứa tăng lên, các vết nứt da rỉ dịch…
Theo các bác sĩ BV Da liễu TƯ, số ca mắc các bệnh lý về da mùa này tăng hơn. Tương tự tại BV Da liễu Hà Nội, số ca đến khám cũng tăng hơn 30%. Trong đó, bệnh viêm da cơ địa, không chỉ phổ biến ở người lớn, mà đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi.
Đây là căn bệnh mạn tính hay tái phát liên quan đến tiền sử cá nhân, gia đình có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ, chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn. Bệnh thường tăng nặng khi thời tiết lạnh hanh.
Cần làm gì tránh viêm da mùa hanh khô?
BS. Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu TƯ cho biết, thời tiết hanh làm da khô nhanh hơn, có thể bong tróc, ngứa, nứt nẻ, thậm chí chảy máu. Để hạn chế tình trạng viêm da cơ địa bùng phát mùa khô hanh, mọi người không nên tắm lâu, chỉ tắm trong thời gian ngắn. Sử dụng nước ấm, không nóng và sữa rửa mặt dịu nhẹ. Cần lưu ý về thành phần trên các sản phẩm chăm sóc da, bởi xà phòng khử mùi, toner chứa cồn và các sản phẩm có chứa hương thơm có thể gây kích ứng da khô, nhạy cảm.
Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cần thiết trong không khí. Mặc các loại vải mềm mại, thoáng khí, chẳng hạn như 100% cotton. Ngoài ra, nên tăng cường các loại rau củ, trái cây, các thực phẩm giàu vitamin B từ thịt gà, cá ngừ, ngũ cốc, các loại đậu, bơ, chuối; uống nhiều nước.
Đối với các bệnh da hay gặp vào mùa đông, việc dưỡng ẩm cho da là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần phải bôi đúng cách thì da mới giữ được độ ẩm lâu. Theo đó, cần bôi kem dưỡng ẩm 2 lần/ngày, lưu ý trong ngày có ít nhất một lần khóa ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm.
“Nếu những mẹo này không giảm tình trạng khô da, hãy đến gặp bác sĩ da liễu. Da khô cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh viêm da cơ địa, vì vậy, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm”, BS. Tâm khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận