Đường bộ

Làm nhanh cầu, đường nhờ phân cấp

24/10/2023, 06:21

Để đạt được mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện là rất cần thiết.

Điều này sẽ giúp tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn nhờ sự chủ động của địa phương với vai trò chủ đầu tư.

Nhiều lợi ích từ phân cấp, phân quyền

Chỉ trong một thời gian ngắn, Quảng Ninh đã xây dựng gần 176km cao tốc, trở thành tỉnh có số kilomet cao tốc nhiều nhất cả nước (chiếm 16,8% trên tổng số 1.046km).

Làm nhanh cầu, đường nhờ phân cấp - Ảnh 1.

Nhờ chủ động trong việc huy động nguồn lực đầu tư và đề xuất cơ chế, đến nay Quảng Ninh đã xây dựng được 176km đường cao tốc, nhiều nhất cả nước (Trong ảnh: Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái trong ngày thông xe).

Theo ông Hoàng Văn Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, trong các tuyến cao tốc của tỉnh, điển hình phải kể đến tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Dự án bao gồm 2 dự án thành phần là đoạn Hạ Long - cầu Bạch Đằng được đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng vốn ngân sách; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn 7.277 tỷ đồng.

Đây là dự án được Quảng Ninh đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Bởi từ trước đến nay, vốn làm cao tốc nằm trong danh mục chi từ ngân sách Trung ương...

Hay như tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mới khánh thành ngày 1/9/2022. Ban đầu dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Sau đó, tỉnh báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án theo hợp đồng BOT thành 2 dự án độc lập. Trong đó đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08km đầu tư từ ngân sách tỉnh. đoạn Tiên Yên - Móng Cái đầu tư đối tác công tư, hợp đồng BOT.

"Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là hoàn toàn phù hợp, vì địa phương chủ động được kinh phí. Nếu làm đúng trình tự, thủ tục sẽ rất lâu, do Trung ương còn phải triển khai nhiều dự án trọng điểm khác.

Quá trình thi công, địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Bộ GTVT, các chuyên gia đầu ngành. Đó là những kinh nghiệm quý để sau này tỉnh có thể chủ động triển khai các dự án khác", ông Bình chia sẻ.

Địa phương không đơn độc

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An, sau khi được giao quyền thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua Long An, ban đầu có gặp một số khó khăn. Đây là lần đầu tiên địa phương thực hiện một dự án tầm cỡ quốc gia, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, còn trước đó chỉ triển khai các dự án vài chục tỷ.

"Khối lượng hồ sơ chuẩn bị rất lớn, phải chạy đua với thời gian. Phía Bộ GTVT đã phân công cán bộ sát cánh cùng địa phương. Các vướng mắc đều được các đơn vị chuyên môn của Bộ hướng dẫn và xử lý nhanh", ông Tuấn nói và cho biết, Bộ GTVT cũng chủ trì hàng chục cuộc họp để tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu, thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc tiến độ dự án.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, từ trước đến nay, Đồng Nai chưa từng thực hiện các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp như dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Cùng với đó, bộ máy, nhân sự để làm dự án lớn cũng chưa có.

Mặc dù Bộ GTVT cũng đang triển khai nhiều dự án cao tốc trọng điểm khác, nhưng vẫn song hành với địa phương trong mọi việc. "Có những hôm cán bộ của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan thức trắng đêm rà soát hồ sơ để hoàn thành thủ tục", ông Ân nhớ lại.

Ông Nguyễn Công Danh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết, được giao thực hiện dự án thành phần 3 đoạn cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Ban chỉ có khoảng 30 người và đang phải tham gia 11 dự án trong đó có 5 dự án trọng điểm.

"Dự án được giao từ tháng 7/2022, nhưng đến tháng 6/2023 là khởi công. Anh em phải vắt chân lên mà chạy, nhưng cuối cùng với sự hỗ trợ của Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương, dự án đã khởi công đúng theo kế hoạch", ông Ân nói.

Với dự án đường Vành đai 3 qua TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết: "Việc Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương tự thẩm định phê duyệt hồ sơ bước báo cáo nghiên cứu khả thi giúp cho thành phố rút ngắn được thời gian chuẩn bị các thủ tục và khởi công đúng tiến độ".

Xắn tay cùng hóa giải áp lực

Gần 4 tháng trôi qua kể từ khi loạt dự án cao tốc trục ngang như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... được khởi công (tháng 6/2023), nhiều cán bộ, chuyên viên Cục Đường cao tốc VN vẫn nhớ như in những ngày xắn tay cùng đơn vị chức năng địa phương chạy đua tiến độ hoàn thiện thủ tục.

Một cán bộ của Cục chia sẻ, quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cục, cơ quan tham mưu chịu áp lực rất lớn do trong cùng một thời điểm phải thẩm định đồng thời nhiều dự án. Mỗi dự án được chia thành nhiều dự án thành phần, trong mỗi dự án thành phần, bước thiết kế kỹ thuật lại chia thành nhiều gói thầu.

Điển hình như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chia thành 4 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần được chia thành 2 - 4 gói thầu. Trong vòng 2 tháng (tháng 4 và 5/2023), Cục vừa thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Hà Nội, vừa thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang, Vành đai 3 TP.HCM…

Song song đó là phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai chuẩn bị đầu tư các cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành...

"Các phòng chức năng của Cục đã làm việc từ sáng đến tối, thậm chí xuyên đêm, không có ngày nghỉ", một cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính (Cục Đường cao tốc VN) chia sẻ.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, thời điểm hiện tại, có khoảng 25 dự án đường bộ cao tốc đã được phân cấp địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản.

Không chỉ phối hợp, hỗ trợ tối đa các địa phương được giao hoàn thành hồ sơ chủ trương đầu tư, trong giai đoạn thực hiện dự án, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương trong việc lựa chọn các giải pháp thiết kế bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng dự toán, áp dụng định mức… giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tham mưu cấp thẩm quyền về các giải pháp xử lý vướng mắc phát sinh; ban hành các quy chế phối hợp triển khai thực hiện với các địa phương, trong đó quy định rõ về mục tiêu, nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp.

"Mục tiêu cuối cùng là hoàn thành các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ", ông Thành nói.

25 dự án cao tốc phân quyền cho địa phương

Theo Cục Đường cao tốc VN, hiện có khoảng 25 dự án đường bộ cao tốc đã được phân cấp địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản.

Trong đó, có 9 dự án đầu tư công, gồm các tuyến cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Bình - Mộc Châu; Tuyên Quang - Phú Thọ; cầu Sông Đáy thuộc dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Có 16 dự án đầu tư theo phương thức PPP. Đến nay đã có 4 dự án hoàn thành đưa vào khai thác (Bắc Giang - Lạng Sơn, Quảng Ninh - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái).

5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư (Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội)

7 dự án đang lập chủ trương đầu tư (Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 TP.HCM, Cam Lộ - Lao Bảo và Hòa Lạc - Hòa Bình).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.