Hơn một tháng qua, Báo Giao thông liên tục có loạt bài viết phản ánh việc hồ Đại Lải - một danh thắng, công trình thủy lợi lớn được chính cha ông ta đào đắp hơn nửa thế kỷ trước đang ngày càng bị thu hẹp, bồi lấp khi các doanh nghiệp xung quanh hồ thực hiện các dự án bất động sản, khu biệt thự nghỉ dưỡng, sân gofl.
Và lạ lùng thay, “cây gậy thần” để các doanh nghiệp ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ lại chính là sự cho phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc!
Bất chấp các quy định của pháp luật về đất đai, thủy lợi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp san lấp xuống tới lòng hồ Đại Lải, khiến diện tích hồ từ 532ha nay chỉ còn khoảng 377ha.
Thế nhưng, lạ lùng hơn nữa, khi các cơ quan chức năng của Trung ương cùng báo chí vào cuộc, sai phạm được phanh phui, thay vì hợp tác tích cực để nhanh chóng có giải pháp khắc phục sai phạm thì tỉnh Vĩnh Phúc lại “mũ ni che tai”, bất hợp tác.
Trước sự im lặng khó hiểu của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/7, Báo Giao thông đã gửi công văn cùng câu hỏi phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì, tỉnh này lại có công văn phản hồi đề nghị báo làm việc với Thanh tra tỉnh.
Vì sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp lấp hồ làm biệt thự để bán? Vì sao những sai phạm này đã được phát hiện nhưng tỉnh Vĩnh phúc lại không xử lý trách nhiệm và không thực hiện việc khắc phục hậu quả? Những câu hỏi này chỉ ông Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc mới có thể trả lời, nhưng ông Trì lại đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang Thanh tra tỉnh, nhằm né tránh trách nhiệm chăng?
Sự “kiên quyết im lặng” của lãnh đạo chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc càng khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp và chính quyền trong việc bắt tay “xẻ thịt” hồ Đại Lải?
Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin Báo Giao thông nêu, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, sau nửa tháng Thủ tướng có văn bản chỉ đạo, PV Báo Giao thông vẫn không thể tiếp cận bất cứ thông tin hồi âm nào về vụ việc từ người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Có lẽ nào, những vấn đề Báo Giao thông cũng như bạn đọc trên cả nước đang quan tâm về việc “xẻ thịt” hồ Đại Lải, lại “khó trả lời” đến thế? Để sự việc không bị “chìm xuồng”, hồ Đại Lải không tiếp tục bị xâm phạm, dư luận đang mong mỏi sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an để điều tra, làm rõ các sai phạm.
Từ đó, có hướng xử lý sớm nhất để trả lại cho hồ Đại Lải những chức năng điều hòa, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và là điểm tham quan, du lịch không chỉ cho Vĩnh Phúc mà cả một vùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận