Grab và Uber đều chỉ nhận là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm đặt xe mà không trực tiếp quản lý lái xe nên không có trách nhiệm với hành khách - Ảnh K.Linh |
Grab, Uber “né” trách nhiệm, HTX bất lực
Vụ việc chị L.D (Hà Nội), chia sẻ trên trang cá nhân về việc con gái quên ví da cá sấu, bên trong có 10 triệu đồng trên xe Grabcar BKS 30A-907.95 gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Đáng quan tâm hơn, sau khi xảy ra sự việc, chị L.D liên tục liên lạc để lấy lại thì bị lái xe chặn số. “Thông báo với Grab Việt Nam về sự việc trên, nhưng tôi nhận được câu trả thiếu trách nhiệm là không quản lý tài xế và phương tiện kinh doanh”, chị D. cho biết.
Bức xúc của chị L.D cũng được rất nhiều khách hàng khác chia sẻ. Chị Nguyễn Diệu Linh (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày 1/11/2017, chị đi xe của dịch vụ Uber và bị lái xe đánh “bầm mặt”, sau một hiểu lầm nhỏ. Bản thân chị Linh đã gửi phản hồi lên nhà cung cấp dịch vụ Uber, song công ty này chỉ gửi một email dạng trả lời tự động “rất tiếc về sự việc”.
"Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 quy định doanh nghiệp vận tải phải dán logo của đơn vị cung cấp phần mềm mà không dán logo của doanh nghiệp HTX vận tải đó. Với quy định này đã khẳng định vai trò quản lý của Uber, Grab mà không thấy vai trò của doanh nghiệp, HTX vận tải. Như vậy, đã tạo ra hệ thống taxi độc quyền dưới sự điều hành kinh doanh của Uber, Grab. Khi đó, khi phát sinh vấn đề họ phải chịu trách nhiệm”. Ông Tạ Long Hỷ |
Trở lại với câu chuyện của chị L.D, theo dữ liệu từ Cục Đăng kiểm VN, xe BKS 30A-907.95 được đăng ký theo Hợp tác xã (HTX) Giao thông vận tải Toàn Cầu (Hà Nội). Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về trách nhiệm của HTX trong vụ việc, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX này lý giải, theo mô hình hiện tại, HTX kinh doanh với Grab không liên quan đến doanh thu, lợi nhuận, thuế, không chịu trách nhiệm về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của cho lái xe”, ông Tuấn nói.
Hiện, các HTX vận tải chỉ được ký hợp đồng dịch vụ với lái xe mà không được ký hợp động lao động. Do vậy, theo ông Tuấn, lái xe chỉ quan tâm đến việc gia nhập vào HTX bằng hợp đồng dịch vụ để đủ điều kiện kinh doanh vận tải. Trong khi, hợp đồng dịch vụ với lái xe, không có ràng buộc về các quyền lợi nêu trên, tài xế vi phạm ở HTX này, ngay lập tức họ sẽ sang một HTX khác tiếp tục hoạt động vận tải.
Theo ông Tuấn, nếu HTX được ký hợp đồng lao động và được quyền sa thải lái xe sẽ không bao giờ có tình trạng như những vụ việc trên. Khi HTX yêu cầu tài xế về để giải quyết sai phạm, họ sẵn sàng chuyển sang HTX khác ngay lập tức, hoặc HTX nào làm chặt, họ sẽ sang ngay HTX khác có những thủ tục đơn giản hơn. “Mô hình hoạt động của HTX vận tải chưa có các quy định rõ ràng. Vụ việc trên chúng tôi không có cách nào giải quyết được”, ông Tuấn khẳng định.
Một xe hợp đồng được đăng ký thành viên của HTX GTVT Toàn Cầu chờ đón khách trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội - Ảnh: K.Linh |
Phải ràng buộc trách nhiệm
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, cả Grab và Uber đều chỉ nhận là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm đặt xe, nên không trực tiếp điều hành vận tải, không quản lý trực tiếp với lái xe mà thông qua một đơn vị trung gian khác là HTX, doanh nghiệp vận tải. Hiện tại, Uber và Grab đang hoạt động thí điểm, chịu sự quản lý theo Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, cả hai văn bản trên, các điều khoản ràng buộc về mặt trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa bên cung ứng dịch vụ là Grab, bên quản lý lái xe (đối tác HTX) và khách hàng, chưa được làm rõ.
“Thực tế quan hệ giữa chủ xe và lái xe với doanh nghiệp hoặc HTX chỉ là hình thức, bản chất vẫn là sự chỉ đạo trực tiếp từ Grab, Uber. Các HTX, doanh nghiệp vận tải chỉ là nơi “đăng ký” để hợp thức hóa về quy định, còn Uber, Grab trực tiếp chỉ đạo, quyết định mọi vấn đề kinh doanh, kể cả quy định giá cước, thu cước, phân chia lợi nhuận, trực tiếp thỏa thuận giá cả với khách hàng”, ông Hùng nói.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng, đang có một sự không rõ ràng trong quản lý và định danh Uber, Grab. Cách thức cung cấp dịch vụ của Uber, Grab không khác gì taxi truyền thống. Việc có phần mềm cũng giống như thay thế tổng đài. Loại xe này vẫn đón trả khách, vẫn tính cước và có hoạt động tương ứng taxi. “Phải quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống”, ông Hỷ nói.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải sẽ định danh rõ Uber và Grab thuộc loại hình vận tải nào để quản lý chặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận